Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp

08:06, 23/06/2016

Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp tỉnh vừa triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021. 

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp tỉnh vừa triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021. 
 
Kế hoạch đặt ra mục đích, yêu cầu kịp thời triển khai thi hành những quy định mới về thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp như: vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân..; các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động tư pháp; các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp; các luật về tố tụng tư pháp và các bộ luật, luật có liên quan được Quốc hội thông qua theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong các nội dung quan trọng của Kế hoạch đã chú trọng các vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. 
 
Theo đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm của cán bộ tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng. Thường xuyên uốn nắn những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Bảo đảm “các cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm” theo đúng tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. Nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc tại các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; xây dựng đề án mở rộng nguồn bổ nhiệm và thực hiện nghiêm túc cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Đảm bảo tuyển dụng, bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm đủ số lượng cán bộ có chức danh tư pháp theo biên chế. Rà soát, phân công, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong đạo luật mới. Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương về việc điều chỉnh chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động đặc thù của các cơ quan tư pháp. Đồng thời phải tăng cường các biện pháp phòng, chống tiêu cực. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ, chọn cử cán bộ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, theo chức danh. Đẩy mạnh thực hiện chế độ công vụ, công chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi ngành. Các cơ quan tư pháp phải tích cực thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
 
 Về việc tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, Kế hoạch yêu cầu phải chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận được ban hành sau khi tiến hành giám sát. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện có hiệu quả việc giám sát hoạt động tư pháp. Định kỳ hàng năm có đánh giá tổng kết theo chuyên đề về công tác giám sát tư pháp của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
 
Với những nội dung trên, Kế hoạch sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan ở địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và cán bộ, bảo đảm bộ máy và đội ngũ cán bộ hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.                                        
 
LAN HỒ