Tỷ phú trẻ từ cây củ cải

05:06, 04/06/2021

Có một thanh niên còn rất trẻ thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ loại cây trồng rất giản dị, cây củ cải. Đồng thời, người bạn trẻ này mở ra một tư duy mới về làm nông nghiệp, đó là canh tác quy mô lớn và trồng theo hợp đồng.

Có một thanh niên còn rất trẻ thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ loại cây trồng rất giản dị, cây củ cải. Đồng thời, người bạn trẻ này mở ra một tư duy mới về làm nông nghiệp, đó là canh tác quy mô lớn và trồng theo hợp đồng.
 
Anh Liêm bên vườn củ cải
Anh Liêm bên vườn củ cải
 
Đưa khách thăm vườn củ cải rộng trên 3 ha nằm trải rộng trên sườn đồi thôn Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, người bạn trẻ Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về hướng làm ăn mới của mình. Liêm cho biết, anh sinh năm 1990, trong một gia đình làm nông truyền thống. Vườn củ cải rộng mênh mông này mới được cải tạo từ vườn cà phê năng suất thấp của gia đình từ năm 2019. Và tới nay, cây củ cải đã mang lại cho Liêm và gia đình thu nhập tiền tỉ mỗi năm, với quy mô canh tác lớn và vòng quay rất nhanh.
 
Nguyễn Thanh Liêm kể lại, đất sườn đồi vốn không thích hợp cho cây cà phê nên năng suất khá thấp, thêm vào đó giá cà phê bấp bênh, thu nhập không đáng so với chi phí đầu tư và công sức bỏ ra. Vì vậy, anh tiến hành trục hết gốc cà phê, định hướng trồng cây ngắn ngày. Tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra, anh quyết định chọn cây củ cải làm cây trồng chính. Lý do đầu tiên là cây củ cải có đầu ra ổn định và lí do thứ hai, cây củ cải là cây trồng có thể canh tác quy mô lớn khá dễ dàng.
 
Liêm tìm được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn. Anh cho biết, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, đưa kế hoạch xuống giống - thu mua và người nông dân có trách nhiệm trồng đúng ngày, chăm sóc đúng kỹ thuật. Giá thu mua theo giá thị trường, thu xong là tiền được trả ngay cho người nông dân. Anh Liêm đánh giá: “Thực sự trồng nông sản theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm có lợi cho người nông dân. Vì khi trồng, mình đã biết hàng sẽ được bao tiêu, trồng ra có người thu mua hết. Giá cả tất nhiên theo giá thị trường nhưng tránh hoàn toàn được cảnh trồng số lượng lớn rồi phải cày bỏ”.
 
Nguyễn Thanh Liêm đánh giá, cây củ cải là loại cây vô cùng dễ trồng và nhanh cho thu hoạch. Anh cho biết, doanh nghiệp cung ứng giống, anh phải chuẩn bị đất kỹ và xuống giống đúng ngày. Do diện tích lớn nên việc làm giống đều cơ giới hóa, từ xới đất, bỏ phân hữu cơ cho tới việc kéo rãnh, tất cả đều có máy móc hỗ trợ. Sau khi làm đất, bỏ phân hữu cơ bón lót 1 tuần, hạt củ cải được gieo trực tiếp xuống các rãnh dài. Chỉ 45 ngày sau, khi củ cải đạt trọng lượng 4 củ/kg là có thể thu hoạch. Với diện tích lớn, mỗi lứa củ cải Liêm thu được 200 tấn, chỉ trong 3 ngày thu xong một lứa. Sau đó, đất được cày xới, bỏ phân, cho đất nghỉ 10-15 ngày và tiếp tục xuống giống lứa khác. Liêm chia sẻ: “Giá thu mua tùy thuộc vào thị trường, có lúc 2 ngàn đồng/kg, có lúc 7 ngàn đồng/kg. Tính trung bình, một năm gia đình trồng 5 lứa củ cải, trừ chi phí thu được khoảng 1 tỷ đồng. “Điểm cộng” là trồng rất nhàn, mọi việc đều có máy móc và thuê công làm việc, từ xẻ rãnh gieo hạt cho đến thu hoạch đều có giá cả cố định. Chi phí đầu tư cũng không cao, chỉ từ 50-70 triệu đồng/ha/đợt, sau 45 ngày sẽ có thu nhập”. Do chu kì sinh trưởng ngắn nên cây củ cải không đòi hỏi nhiều phân bón thúc, chỉ bỏ 3 lần phân và yêu cầu tưới nước thường xuyên. Vườn củ cải cũng đã được đầu tư hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần bật máy 15 phút là hoàn thành cả vườn củ cải rộng mênh mông.
 
Điều Nguyễn Thanh Liêm muốn chia sẻ chính là cách nhìn mới của người nông dân trẻ. Theo Liêm, nông nghiệp cần làm theo hướng quy mô lớn, vừa dễ đầu tư chăm sóc, năng suất lại đủ để cung ứng cho doanh nghiệp. Và, doanh nghiệp hợp tác với nông dân đều muốn có sản lượng đủ để thu mua. Nếu trồng quy mô nhỏ, sản lượng ít, doanh nghiệp sẽ không mặn mà trong việc đầu tư. Đặc biệt, cả hai phía nông dân - doanh nghiệp đều phải đảm bảo chữ “tín” trong hợp tác mới giữ mối liên kết được lâu dài. Làm nông nghiệp theo kiểu nhỏ lẻ vừa tốn công, chi phí cao mà khó tìm thấy cơ hội hợp tác. Cách làm của người nông dân trẻ này là một gợi ý cho hướng đi trong nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất - bao tiêu bền vững. 
 
DIỆP QUỲNH