Khơi dậy truyền thống cách mạng trong đồng bào DTTS

05:07, 02/07/2021

Lâm Đồng là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong đó, đồng bào các DTTS như K'Ho, Mạ, Chu Ru... có tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu...

Lâm Đồng là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong đó, đồng bào các DTTS như K’Ho, Mạ, Chu Ru... có tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, có ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Những hình ảnh đẹp về đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng vẫn luôn được tỏa sáng trong mọi thời đại, mọi lĩnh vực. Truyền thống tự hào đó đã và đang cần tiếp tục được khơi dậy và phát huy trong giai đoạn hiện nay. 
 
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức hàng năm nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước của đồng bào DTTS
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức hàng năm nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước của đồng bào DTTS
 
Lâm Đồng hiện có hơn 1,3 triệu người, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, hội tụ hầu hết đồng bào từ các tỉnh, thành trong cả nước đến định cư lập nghiệp. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 25,72%.
 
Cũng như đồng bào cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng có truyền thống yêu nước nồng nàn, có chí khí kiên cường, bất khuất, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, kiên quyết đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bọn tay sai bán nước. Tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng thực sự được thắp sáng và bùng lên mạnh mẽ từ khi có Bác Hồ và Đảng lãnh đạo. Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều xã vùng căn cứ kháng chiến ở vùng dân tộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương tổ chức đưa đồng bào ở các trại tập trung của địch trước đây trở về nơi ở mới; đồng thời, động viên số đồng bào sống rải rác ở vùng căn cứ kháng chiến về nơi định cư mới; giải quyết cứu đói trước mắt, giúp đồng bào tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm; tiến hành quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư, khai hoang ruộng nước, tổ chức lại sản xuất để ổn định đời sống. 
 
Những năm gần đây, từ chương trình xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, đồng bào các DTTS trong tỉnh đã biết phát huy thế mạnh của vùng đất, phát huy tinh thần sáng tạo, chịu thương chịu khó, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ phát động. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 87% phường đạt văn minh đô thị. Hệ thống mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, liên xã cơ bản được hoàn thành với 97% đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa; 100% số xã có điện lưới quốc gia; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Xuân Đêu - nguyên Trưởng ban Dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tâm huyết: Nhờ có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể và toàn xã hội; từ quá trình phát huy truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến cùng sự nỗ lực cố gắng vươn lên của chính bản thân đồng bào các dân tộc trong tỉnh mà đời sống đồng bào đã có sự phát triển. Cùng đó là yếu tố biết phát huy vai trò của các nhân sỹ, trí thức, già làng, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng và các chức sắc tôn giáo; phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở với những nội dung phát động phong phú, đa dạng, sáng tạo; hình thức tập hợp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và từng thời điểm cụ thể; đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu. Đó là xã Tân Châu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, với hàng ngàn hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; có làng cử nhân K’Ming; có các mô hình tự quản, các nhóm nòng cốt… Về cá nhân có Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới Cil Múp Ha Kriêng; ông Kơ Să Ha Tang, một nông dân tự chế tạo máy tuốt bắp, góp phần làm giảm một phần khổ nhọc trong lao động sản xuất cho đồng bào mình; ông Ya Duck tích cực tham gia thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba... Hiện, nhiều xã ở vùng dân tộc đã huy động hàng tỷ đồng, hiến tặng hàng chục ha đất, đóng góp hàng vạn ngày công lao động để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu cống, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… 
 
Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trước đây mỗi nơi đều có một khởi sắc riêng của mình, nhưng chung quy lại đều có đường nhựa, có điện lưới quốc gia, có trường học, có trạm y tế, được xem truyền hình và nghe phát thanh; đồng bào đã biết trồng cây công nghiệp, làm ruộng nước, biết chăn nuôi gia súc, biết đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ DTTS ở các xã này đã biết làm giàu. 
 
Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong đồng bào DTTS Lâm Đồng, đồng chí Trần Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy về công tác dân tộc và thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, hỗ trợ tối đa cho đồng bào các DTTS có cơ hội phát triển mọi mặt. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Xác định việc thấm nhuần tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là nội dung Thư Bác Hồ gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Plei Ku năm 1946 - đó như là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho đồng bào ta. Thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư tại Đại hội đó chính là khơi dậy tinh thần yêu nước, thi đua thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi gợi sự hăng say lao động sản xuất, kinh doanh, chủ động giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng buôn làng ngày càng văn minh, giàu đẹp…
 
NGUYỆT THU