Giáo dục tiểu học Lâm Đồng vượt khó khăn

05:06, 29/06/2021

Năm học 2020-2021, giáo dục tiểu học Lâm Đồng cũng như cả nước sử dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) và tiếp tục căng mình với nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID -19...

Năm học 2020-2021, giáo dục tiểu học Lâm Đồng cũng như cả nước sử dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) và tiếp tục căng mình với nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID -19. Là tỉnh may mắn chưa có trường hợp F0, đặc thù giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn và thuận lợi mỗi địa phương khác nhau, nhưng học kỳ II đã kết thúc “nhẹ cả người” - như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Thị Hồng Hải chia sẻ.
 
Kiểm tra kết thúc năm học 2020-2021 của HS lớp 5 trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 (tại Trường Tiểu học Hùng Vương, Đà Lạt)
Kiểm tra kết thúc năm học 2020-2021 của HS lớp 5 trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 (tại Trường Tiểu học Hùng Vương, Đà Lạt)
 
87,7% đạt trường chuẩn quốc gia
 
Đến tháng 5/2021, Lâm Đồng có 213/243 trường tiểu học (TH) đạt chuẩn quốc gia, với tỉ lệ 87,6%; tăng 20 trường so với năm học trước. Toàn tỉnh có 2 trường tư thục, 143 điểm trường; 17 trường TH - THCS, tăng một trường tư thục nhiều cấp học có lớp TH tại thành phố Bảo Lộc; có 2 trường chuyên biệt là Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan với tổng cộng 221 em khuyết tật được nuôi dạy. 
 
Trong hệ thống cơ sở giáo dục tiểu học (GDTH) của Lâm Đồng năm học 2020 - 2021 đã tổ chức 4.128 lớp, giảm 29 lớp so năm học trước. Sĩ số học sinh (HS) bình quân 31,2 em/lớp. Tuy nhiên, vẫn còn 20 lớp ghép với 367 HS. Toàn tỉnh có 128.772 HS TH, tăng 282 em so năm học 2019 - 2020. Có những khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng kết thúc năm học ưu điểm nổi bật là duy trì sĩ số đạt 100%. Việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng đạt 99,9% với 26.797 em, chỉ có 26 em không ra lớp. Số HS dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 29% (37.482 em), trong đó nữ 30%; số HS học hòa nhập 694 em, trong đó có đánh giá 253 em, còn lại không đánh giá. 
 
Về đội ngũ, toàn tỉnh có 7.971 người. Trong đó, cán bộ quản lý (CBQL) 514 người (328 là nữ và 6 là người DTTS, thạc sĩ 1,16%, đại học 94,6% và cao đẳng 2,9%). Số giáo viên (GV) có 6.140 người (5.317 nữ, 677 DTTS, 4 thạc sĩ và 67,5% trình độ đại học). Tuy nhiên, còn 32,5% GV chưa đạt chuẩn, tương đương 1.993 người. Tỉ lệ GV bình quân đạt 1,48 GV/lớp; trong đó, 80,2% là GV TH; 3,1% GV Âm nhạc; 2,4% GV Mĩ thuật; 4,5% GV Thể dục; 2,8% GV Tin học; 233 Tổng phụ trách Đội chuyên trách và riêng GV tiếng Anh có 413 người...
 
Đối với mạng lưới trường lớp, năm học vừa qua, tỉnh Lâm Đồng có 3.525 phòng học văn hóa, gồm 3.471 phòng kiên cố, 115 phòng học tạm và 25 phòng học mượn. Có 758 nhà vệ sinh ở các trường học. Đáng khích lệ là 16 trường có bể bơi; 31 trường có nhà đa năng; 146 trường có đầy đủ hệ thống phòng phục vụ học tập; 97 trường có phòng học tiếng Anh; 63 trường có phòng học Mĩ thuật và 72 trường có phòng học Âm nhạc. Tỉ lệ phòng học bình quân đạt 0,9 phòng/lớp, riêng lớp 1 đảm bảo 1 phòng/1 lớp để học 2 buổi/ngày. 
 
Gần 99% học sinh hoàn thành chương trình lớp học 
 
Kết thúc năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh đã có 98,8% HS hoàn thành chương trình lớp học. Số HS lớp 1 hoàn thành đạt trên 95,6%. Về hoàn thành chương trình tiểu học đạt đến 99,9%, với 21.211 lớp 5 em. Đánh giá về mặt phẩm chất, ở lớp 1 học chương trình GDPT 2018, toàn tỉnh có 27.086 em. Cả 5 tiêu chí đạt mức Tốt từ 69% - gần 80%; mức Đạt từ 19,7-21% và mức Cần cố gắng chỉ từ 0,13-0,75%. Đối với các lớp 2, 3, 4 và 5, ở 4 tiêu chí, mức Tốt từ 62 - 80%; mức Đạt từ 20 - 36% và mức Cần cố gắng 0,02 - 0,18%. Đánh giá về mặt năng lực, ở lớp 1, năng lực chung đều trên 98% mức Tốt và Đạt ở cả 4 tiêu chí; năng lực đặc thù từ 98 - 99% mức Tốt và Đạt ở cả 5 tiêu chí. Các lớp 2, 3, 4, 5 mức Tốt và Đạt từ 99,6 - 99,8% cả 3 tiêu chí. Kết thúc năm học, số HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đạt 30%; số HS được khen từng mặt và HS tiêu biểu chiếm tỉ lệ 23,4%. 
 
Chia sẻ những thành công của GDTH năm học 2020 - 2021, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi cho rằng, có 3 ưu điểm lớn đó là công tác chỉ đạo từ Sở đến các phòng; việc chuẩn bị tốt các yếu tố triển khai chương trình GDPT 2018, từ triển khai đề án xây dựng mạng lưới trường lớp đến công tác tổ chức bài bản, chu đáo, chặt chẽ... Và đó là đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Ngoài kịp thời triển khai các giải pháp, ông Lợi cho rằng, đó còn là “Lựa chọn các nội dung trọng tâm, đột phá trong công tác quản lý chỉ đạo, khơi dậy tiềm năng đội ngũ GV trẻ; khuyến khích đội ngũ GV sáng tạo trong dạy học theo hướng tự chủ chương trình, sách giáo khoa, đổi mới tư duy chỉ đạo triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả tạo động lực cho đội ngũ CBQL GV đồng tình ủng hộ, đồng thuận thực hiện”. 
 
Để năm học mới 2021 - 2022 giữ vững những thành tích, ngoài phát huy mặt tích cực đồng thời khắc phục những hạn chế. Đó là tính năng động, sáng tạo, nghiệp vụ phương pháp quản lý chưa đáp ứng yêu cầu ở một số CBQL. Việc xây dựng môi trường sư phạm cảnh quan trường lớp, công tác quản lý chuyên môn và đổi mới công tác quản lý tại một số cơ sở giáo dục vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, một số hiệu trưởng chưa thật sự quan tâm sâu sát với hoạt động dạy và học, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, định hướng cho GV; trong lúc, một số đơn vị còn những GV chưa mạnh dạn đổi mới, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học vẫn còn hình thức, chưa có tính sáng tạo. Chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào DTTS vẫn luôn là bài toán cần lời giải từ tâm huyết và tính sáng tạo của đội ngũ CB, GV nói riêng, sự quan tâm đồng lòng từ các ngành, tổ chức và địa phương nói chung. Nhất là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học; phát triển kinh tế - xã hội toàn diện... Chúng tôi có dịp đến những vùng khó khăn, điển hình như Thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên là một ví dụ khi các lớp còn phải dạy - học ghép, điều kiện GV “cắm bản” còn khó khăn… Ngược lại, ở thành thị, tình trạng tỉ lệ học sinh/lớp còn quá đông, triển khai dạy học 2 buổi/ngày là trở ngại để nâng cao chất lượng…
 
MINH ĐẠO