Củng cố dân chủ cơ sở từ thôn, tổ dân phố (Bài 1)

05:05, 14/05/2021

Thôn, tổ dân phố không phải là cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của các cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở các xã, phường, thị trấn...

Thôn, tổ dân phố (TDP) không phải là cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của các cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở các xã, phường, thị trấn. Đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. 
 
Những người vì cộng đồng
 
Phụ cấp thấp, công việc nhiều, những người hoạt động ở thôn, TDP nhiều lúc cứ được mệnh danh là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng vì cộng đồng họ vẫn đang làm tốt công việc của mình hằng ngày.
 
 Ông Bồ Dũng, Trưởng thôn thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ.
Ông Bồ Dũng, Trưởng thôn thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ.
Việc gì cũng làm 
 
Với ông Bồ Dũng, 58 tuổi, người Xuân Thọ - Đà Lạt, đây đã là năm thứ 9 ông làm thôn trưởng tại thôn Xuân Thành - một làng hoa thuộc xã vùng ven Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 12 km. 
 
Xuân Thành là một thôn thuần nông. Trước đây người dân trong thôn, cũng như nhiều thôn khác tại xã Xuân Thọ, chủ yếu trồng rau, nhưng gần đây với phong trào ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao do Đà Lạt vận động, người dân dần chuyển sang trồng hoa. Hiện trong thôn có gần 300 hộ dân canh tác hoa với tổng diện tích trên 224 ha cùng rất nhiều loại hoa thương phẩm được trồng như cúc, cẩm chướng, đồng tiền, cẩm tú cầu, lily, cát tường... Năm 2015, Xuân Thành được công nhận là 1 trong 5 làng hoa truyền thống của thành phố Đà Lạt. 
 
Nhờ trồng hoa, tập trung chuyên canh hoa, nhiều gia đình nơi đây ăn nên làm ra nên Xuân Thành thay đổi diện mạo nhanh chóng, nhà cửa khang trang mọc lên, đường làng được tu sửa, nhiều người dân đầu tư làm nhà kính, nhà vòm trồng hoa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa...
 
Bằng nụ cười tươi cởi mở và giọng nói ấm, ông Dũng kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khi được người dân trong thôn bầu ông làm thôn trưởng. Bầu thì làm, nhưng ông đã phải rất vất vả để cân đối được thời gian, vừa cho công việc thôn vừa cho việc nhà. Là một nông dân sản xuất giỏi của thôn và xã Xuân Thọ, nhà ông có 2 ha trồng rau các loại và trồng hoa, trong đó có hơn 5 sào đã làm nhà kính để trồng hoa.
 
“Rất nhiều công việc không tên tuổi trong thôn đợi mình mỗi ngày, rồi đi họp, đi vận động dân trong khi vườn mình đang cần người chăm sóc cây trồng hằng ngày. Thôi thì nhận việc phải chấp nhận” - ông nói.
 
“Thôn chúng tôi người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rau, trồng hoa, công việc vất vả cả ngày ngoài vườn. Khi họ chưa hiểu, chưa thấy được quyền lợi từ phong trào thì khó mà nói, mà vận động người dân nghe, làm theo” - ông Dũng nói. 
 
Phải mất một thời gian với sự nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến mọi người, ông mới tạo được sự tin tưởng của cộng đồng dân cư trong các phong trào vận động của thôn như xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
 
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, đến nay toàn bộ đường trong thôn Xuân Thành đều được bê tông hóa. “Trung bình mỗi năm gần đây tôi vận động được ít nhất là 1 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông và các công trình công cộng, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp, vì biết những công trình này mang lại lợi ích cho cả cộng đồng”- ông nói. 
 
Thêm một niềm vui khác mà ông Dũng chia sẻ với chúng tôi chính là việc làng hoa Xuân Thành được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu trong năm 2020. “ Thôn cố gắng giữ vững các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu đã đạt được” - ông chia sẻ. 
 
 Bà Triệu Thị Mọi, Tổ trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 3, thị trấn Phước Cát, Cát Tiên.
Bà Triệu Thị Mọi, Tổ trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 3, thị trấn Phước Cát, Cát Tiên.
Một tổ trưởng TDP khác mà chúng tôi có dịp gặp là bà Triệu Thị Mọi, người Tày, TDP 3, thị trấn Phước Cát trong vùng sâu Cát Tiên. Trước đây TDP này là thôn Cát Lợi của xã Phước Cát 1 và bà Mọi là thôn trưởng; khi Phước Cát 1 lên thị trấn bà Mọi lại là tổ trưởng TDP. Hiện TDP 3 có 208 gia đình, trong đó có 97 hộ dân tộc thiểu số người Tày. 
 
Sinh năm 1970, bà Mọi quê ở xã Đồng Loan, huyện Hà Lan, Cao Bằng, cùng gia đình vào Cát Tiên lập nghiệp từ năm 1995. Như nhiều người Tày nơi đây, những ngày đầu vào vùng đất mới gia đình bà gặp không ít khó khăn phải tự thân nỗ lực vươn lên. Vợ chồng bà làm ruộng, nuôi heo, nuôi bò, trồng điều, ai làm gì gia đình bà làm nấy. Bên cạnh canh tác 3 sào đất vườn, vợ chồng bà còn có 8 sào đất làm ruộng và trồng bắp, thêm 4 ha đất đồi trồng điều. Vợ chồng bà có 2 con, đều được ăn học và có công việc làm.
 
Bà Mọi bắt đầu tham gia công tác đoàn thể từ năm 2003, lúc đầu bà làm trong Hội Phụ nữ thôn Cát Lợi, rồi qua Hội Nông dân thôn, kế đến làm Kế hoạch hóa gia đình thôn. Năm 2015 người dân trong thôn bầu bà làm thôn trưởng. Hiện nay bà là Tổ trưởng kiêm Bí thư Chi bộ TDP. 
 
Theo bà Mọi, tham gia công việc xã hội thì phụ nữ có nhiều bất lợi hơn vì phải lo cả việc nhà. Ngày trước khi làm đoàn thể, chỉ khi xong việc nhà bà mới có thời gian rảnh tham gia, còn làm thôn trưởng và tổ trưởng TDP thì có lúc bận rộn cả ngày; khi cần là đi, từ vận động giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tham gia làm đường nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, trồng cây xanh ven đường, vận động không xả rác thải ra chỗ công cộng, vận động làm hố xí, làm chuồng nuôi gia súc gia cầm hợp vệ sinh, vận động học sinh bỏ học đi học lại….“Hầu như chuyện gì trong thôn hay trong TDP cần thì mình phải có mặt” - bà nói.
 
Và một việc bà Mọi cho là có nhiều ý nghĩa hiện nay là công tác hòa giải ở thôn và TDP. Rất nhiều việc cần hòa giải, từ chuyện tranh chấp đất đai, tranh chấp hàng rào, đường đi lại đến chuyện lục đục trong gia đình, người thân cãi nhau, vợ chồng đòi ly hôn. Có chuyện bà tham gia hòa giải được, có chuyện không làm hòa với nhau được thì đưa lên cấp trên. “Cũng vui vì mình giúp được nhiều gia đình hòa thuận lại với nhau, giúp xóm làng bớt giận nhau, nối lại tình làng nghĩa xóm, sớm tối có nhau, được như thế cũng quí rồi” - bà mộc mạc.
 
Ưu thế của bà chính là nói được tiếng Tày lẫn tiếng Kinh. Với những gia đình người Tày bà đến nhà nói chuyện bằng tiếng dân tộc mình, cùng nhỏ to tâm sự để mọi người nghe. Là phụ nữ, bà nhẹ nhàng trong mọi việc, tìm cách thuyết phục mọi người chứ không cố áp đặt.
 
Nghề trồng hoa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Nghề trồng hoa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
 
Những người sát cơ sở
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, trong tổng số 142 xã, phường, thị trấn của tỉnh hiện nay có 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn với 1.376 thôn, TDP, trong đó có 877 thôn, 499 TDP. 
 
Trong số thôn, TDP trên có 714 thôn, TDP đảm bảo quy mô số hộ gia đình; 618 thôn, TDP có quy mô số hộ gia đình từ 50% đến dưới 100% và có 44 thôn, TDP có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định.
 
Theo quy định, hiện ở thôn, TDP có 3 chức danh gồm Bí thư Chi bộ thôn, TDP; Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP; Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, TDP. Cùng đó, trong thôn, TDP còn có những người tham gia vào một số công việc chung như công an viên, ban bảo vệ dân phố, tổ bảo vệ dân phố; nhân viên y tế thôn - bản; thôn đội trưởng, tổ đội trưởng tùy theo từng địa phương.
 
Tòan tỉnh hiện nay, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, có 3.731 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP, trong đó có 1.376 người là Bí thư chi bộ thôn, TDP (bao gồm 9 cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm Bí thư chi bộ thôn, TDP; 103 người kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP; 287 người kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận và 977 người không kiêm nhiệm); có 1273 người là Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP (trong đó không kiêm 1.266 người, 7 người kiêm Trưởng ban công tác mặt trận); còn Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, TDP toàn tỉnh có 1.082 người.
 
Với những người làm việc không chuyên trách ở thôn, TDP như trên, sẽ có phụ cấp hằng tháng. Mức phụ cấp này theo từng chức danh. 
 
Căn cứ vào Nghị quyết số 188/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của HĐND tỉnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020), với thôn loại I người không chuyên trách được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,1 lần mức lương cơ sở. Với thôn loại II được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở. Với thôn loại III được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,8 lần mức lương cơ sở.
 
Bên cạnh những người không chuyên trách trên, toàn tỉnh còn có 7.676 người tham gia các công việc tại thôn, TDP như treo cờ ngày lễ; tuyên truyền về dịch bệnh COVID -19; phát tờ rơi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng cây… Những người này được hưởng 30.000 đồng/buổi/người nhưng không quá 1 lần lương cơ sở/tháng/thôn, TDP.
 
Tại thôn, TDP trong toàn tỉnh hiện nay còn có 4.769 người làm việc hưởng phụ cấp, trong đó có 1.286 công an viên; 1.562 người trong Ban bảo vệ dân phố, Tổ bảo vệ dân phố; 802 người là nhân viên y tế thôn bản; còn lại là tổ, đội trưởng trong thôn. Với những người làm việc này, tùy theo vị trí, mức phụ cấp từ 0,3 đến 0,5 mức lương cơ sở.
 
Như ông Bồ Dũng cho biết, ông nhận được phụ cấp tất cả mọi khoản mỗi tháng được 1,4 triệu đồng. Với rất nhiều những việc không tên tuổi thì số tiền này không phải là lớn. “Những người không chuyên trách như chúng tôi làm việc là vì tinh thần trách nhiệm, sự tin yêu của người dân, mong muốn đóng góp cho địa phương” - ông nói. 
 
Còn với bà Triệu Thị Mọi, tổng phụ cấp của bà hiện nay được khoảng 1,8 triệu đồng cho công việc bà đang làm. “Thôi biết bao nhiêu là đủ, mình là đảng viên phải có trách nhiệm với công việc”. Bà Mọi vui khi thấy mình đóng góp được chút ít công sức để xóm làng trong đó có cộng đồng người Tày ngày càng đi lên trên quê mới Cát Tiên. Ước mơ của bà thật đơn giản: “Tôi đang mong có đủ tiền để mua một chiếc xe máy mới đi họp ngoài thị trấn cho tiện” - bà cười.
 
Bài 2: Để dân chủ cơ sở được phát huy
 
VIẾT TRỌNG