Đảm bảo công suất xét nghiệm đạt tối thiểu 1.000 mẫu đơn/1 triệu dân

02:05, 14/05/2021

(LĐ online) - Ngày 14/5, theo thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, tổng số mẫu xét nghiệm RT-PCR do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng thực hiện từ khi có dịch Covid-19 đến 6 giờ ngày 14/5 là 5.291 mẫu. 

(LĐ online) - Ngày 14/5, theo thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, tổng số mẫu xét nghiệm RT-PCR do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng thực hiện từ khi có dịch Covid-19 đến 6 giờ ngày 14/5 là 5.291 mẫu. 
 
Kỹ thuật viên đang làm việc tại Phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
Kỹ thuật viên đang làm việc tại Phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
 
Trong đó, năm 2020 là 550 mẫu, năm 2021 là 4.741 mẫu; riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 14/5 là 1.053 mẫu. Kết quả 100% mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
 
Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương triển khai xét nghiệm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, sử dụng sinh phẩm đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, giấy phép nhập khẩu, các sinh phẩm theo khuyến cáo của WHO, USCDC (FDA) để xét nghiệm và sử dụng các kỹ thuật theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
 
Tăng cường năng lực xét nghiệm, đảm bảo đủ năng lực. Các phòng xét nghiệm khẳng định khi có kết quả dương tính cần báo cáo và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch, không bắt buộc gửi các viện khẳng định lại. Đảm bảo công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu đơn/1 triệu dân.
 
Tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện hạng 1, 2, 3) đạt tối thiểu 300 giường bệnh có 1 hệ thống xét nghiệm RT-PCR đủ điều kiện, năng lực xét nghiệm.
 
Xây dựng kế hoạch, kịch bản, chuẩn bị nguồn lực và tham mưu báo cáo UBND tỉnh, thành phố huy động phòng xét nghiệm của các ngành khác tham gia nhằm chủ động ứng phó tình huống. Các đơn vị xét nghiệm phải xây dựng qui trình đảm bảo chất lượng, thực hiện tự đánh giá các điều kiện, năng lực xét nghiệm tại đơn vị.
 
Địa phương xây dựng năng lực xét nghiệm đảm bảo phương châm 4 tại chỗ, điều phối các đơn vị hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường xuyên thực hiện hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị, địa phương; tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho các nhân viên thực hiện xét nghiệm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo các đơn vị xét nghiệm tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm SARS-CoV-2. Tăng cường công tác truyền thông về xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân, cộng đồng.
 
AN NHIÊN