Trường Đại học Đà Lạt triển khai "trí tuệ nhân tạo"

06:03, 04/03/2020

Ngày 2/3, làm việc với Hiệu trưởng Trường Ðại học Ðà Lạt, Tiến sĩ Lê Minh Chiến cho chúng tôi biết: Vào tháng 4 tới đây, công trình Nhà Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS House) sẽ hoàn thành giai đoạn một và đưa vào sử dụng...

Ngày 2/3, làm việc với Hiệu trưởng Trường Ðại học Ðà Lạt, Tiến sĩ Lê Minh Chiến cho chúng tôi biết: Vào tháng 4 tới đây, công trình Nhà Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS House) sẽ hoàn thành giai đoạn một và đưa vào sử dụng. Ðây là lộ trình của chương trình nghiên cứu khoa học và đào tạo của nhà trường trên cơ sở phối hợp giúp đỡ của Viện Michael Dukakis với các giáo sư của Trường Ðại học Harvard, MIT (Hoa Kỳ) cùng các chuyên gia đầu ngành trên thế giới. 
 
Phối cảnh về Gallery của AIWS House tại Trường ĐH Đà Lạt sắp hoàn thành thi công
Phối cảnh về Gallery của AIWS House tại Trường ĐH Đà Lạt sắp hoàn thành thi công
 
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), viết tắt là AI, được hiểu như một ngành của khoa học máy tính, liên quan đến tự động hóa các hành vi thông minh. AI sử dụng những cỗ máy thông minh, có khả năng thu thập, phân tích và xử lý khối dữ liệu phức tạp ở cấp độ rộng, nhanh và hệ thống hơn con người. AI là sự mô phỏng các quá trình hoạt động trí tuệ của con người, bao gồm quá trình học tập (thu thập thông tin và các quy tắc để sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng) và tự sửa lỗi. AI cũng có thể thực hiện các tác vụ như xác định các mẫu trong dữ liệu hiệu quả hơn con người, cho phép các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về dữ liệu của mình. Vì vậy, thực tiễn đang cần một nguồn nhân lực rất lớn có trình độ chuyên môn cao để vận hành, ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Một số lĩnh vực điển hình đã được ứng dụng AI như chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, giáo dục, sản xuất... Để đáp ứng kịp thời với nhu cầu của xã hội, từ năm học 2019-2020, ở Việt Nam đã có 3 trường đại học (ĐH) triển khai tuyển sinh và đào tạo nhân lực công nghệ AI, đó là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và ĐH FPT. 
 
Nắm bắt xu thế tiến bộ này, từ năm 2018, Trường ĐH Đà Lạt đã định hướng triển khai thông qua đề xuất ý tưởng và hỗ trợ thực hiện của cựu sinh viên nhà trường, một học giả nghiên cứu chiến lược về lĩnh vực an ninh mạng và AI, đó là ông Nguyễn Anh Tuấn. Ông Nguyễn Anh Tuấn là đồng sáng lập, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF), Giám đốc Viện Michael Duskakis về Lãnh đạo và Sáng tạo - nơi tập trung các vấn đề về an ninh mạng và AI, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới do Thống đốc Michael Dukakis, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 1988, làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ 20/2 vừa rồi, các nhà lãnh đạo thế giới, các học giả, giáo sư hàng đầu bắt đầu thảo luận Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020 trên Bàn tròn Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ nhân tạo, do Liên minh Lãnh đạo thế giới và Diễn đàn toàn cầu Boston tổ chức và sự đồng hành của Liên hợp quốc. Cũng trong ngày 19/2/2020, Liên minh châu Âu công bố sách trắng về nhu cầu xây dựng và thực hiện các quy tắc về AI. 
 
Tháng 6/2018, Trường ĐH Đà Lạt chính thức ban hành Quyết định “Về việc phê duyệt Chủ trương đầu tư xây dựng dự án/công trình Cải tạo Nhà thư viện truyền thống để tổ chức Nhà Xã hội Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Đà Lạt”. Nhà Xã hội Trí tuệ nhân tạo bao gồm 4 công trình chính là: Phòng Trưng bày (Gallery hay Museum) có diện tích gần 107 m2; Phòng làm việc (Working room) diện tích hơn 105 m2; Phòng Serminar diện tích hơn 105 m2 và Văn phòng điều hành diện tích hơn 33 m2. Theo đó, chủ đầu tư là Trường ĐH Đà Lạt; tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. 
 
AIWS House sẽ là bảo tàng, nơi trưng bày thành tựu về AI, những kỷ vật của những nhà khoa học máy tính; nơi làm việc của các giáo sư lĩnh vực AI hàng đầu thế giới và ở Việt Nam; nơi diễn ra các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế về AI...
 
Những thuận lợi của Trường ĐH Đà Lạt về xây dựng AIWS House cả về nội lực và ngoại lực. Đó là từ truyền thống kinh nghiệm đào tạo đa ngành, Ban lãnh đạo mới của nhà trường xác định đây là một trong hai hướng phát triển chiến lược (cùng với công nghệ sinh học), do đó quyết tâm và tích cực triển khai. Về ngoại lực, cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Nguyễn Anh Tuấn còn có sự hỗ trợ của Tiến sĩ Nguyễn Sung, một trong những nhân lực xuất sắc của Công ty Google, chuyên gia phụ trách về Điện toán đám mây (Cloud Computing), mô hình cung cấp các tài nguyên máy tính cho người dùng thông qua internet, ông Sung trực tiếp triển khai ở Đà Lạt. Theo thỏa thuận, AIWS House của Trường ĐH Đà Lạt có sự hỗ trợ chính từ Viện Michael Dukakis, các giáo sư của ĐH Harvard, Đại học MIT, cùng các đối tác khác. Về đào tạo, Viện Dukakis sẽ phối hợp cùng nhà trường biên soạn chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu (Data Science); trong đó, quan tâm các lĩnh vực về AI, Dữ liệu lớn (Big Data), phân tích xử lý dữ liệu áp dụng cho các lĩnh vực như du lịch, kinh doanh, công nghệ sinh học... Phía ĐH Đà Lạt, các đầu mối liên kết đào tạo, xây dựng chương trình giao cụ thể cho Khoa Công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin và Khoa Toán-Tin học. Theo dự kiến, vào tháng 8/2020, Ông Vint Cerf - cha đẻ của Internet sẽ đến thăm Trường ĐH Đà Lạt và đọc bài giảng đặc biệt xã hội trí tuệ nhân tạo ở đây. Và tháng 12/2020, sự kiện festival về Nghệ thuật AI sẽ diễn ra tại Trường ĐH Đà Lạt với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà sáng tạo, nhà khoa học trên toàn thế giới. Đây là những điều kiện quan trọng để Trường ĐH Đà Lạt hội tụ đội ngũ đào tạo tinh túy trong và ngoài nước cho Nhà trường trong tiến trình phát triển lĩnh vực AI. Hiệu trưởng Lê Minh Chiến cũng cho biết, từ năm học 2020-2021, Trường ĐH Đà Lạt sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên, đối tượng là thí sinh cả nước. Niềm vui đã và đang đến với Trường ĐH Đà Lạt nói riêng và mọi người trong thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0. 
 
Sáng ngày 3/3, từ Boston, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ lạc quan với chúng tôi: “Đà Lạt là môi trường rất tốt cho nghiên cứu, Trường ĐH Đà Lạt có truyền thống và nền tảng từ Viện Đại học Đà Lạt, và trong nhiều năm thu hút được nhiều sinh viên giỏi từ các tỉnh miền Trung. Nay đội ngũ cựu sinh viên của ĐH Đà Lạt thành đạt và trải dài trên cả nước và ở các nước hàng đầu như Mỹ, Canada, EU, Úc..., đó là nguồn lực quan trọng để góp sức cùng với đội ngũ lãnh đạo và cán bộ nhà trường có khát vọng và ý chí, xây dựng những ngành học, hướng nghiên cứu tiên phong trong thời đại kinh tế số, kinh tế trí tuệ nhân tạo”. Ông Tuấn cũng lưu ý: “Có lẽ cái cần của nhà trường lúc này là một cơ chế chủ động ra quyết định, chủ động hợp tác quốc tế, thu hút các học giả Mỹ. Có cơ chế để những nguồn lực trí tuệ lớn này được tin tưởng, tôn trọng và chủ động phát huy cao nhất khả năng và tâm huyết của họ, cũng như cơ chế để mọi cựu học viên của ĐH Đà Lạt có thể tham gia đóng góp xây dựng nhà trường như mô hình, cách làm thu hút các nguồn lực của hội cựu sinh viên ĐH Harvard gắn kết xây dựng ĐH Harvard”.
 
MINH ÐẠO