Cho em con chữ đầu đời

09:09, 21/09/2017

Cùng cha mẹ lênh đênh khắp nơi kiếm sống, chui rúc trong những nhà trọ chật hẹp, dù ngày ngày lang thang mưu sinh với tập vé số trên tay thì các em vẫn mong mỗi ngày được đến trường như bao bạn đồng lứa và thêu dệt ước mơ cho một ngày mai tươi sáng hơn. 

Cùng cha mẹ lênh đênh khắp nơi kiếm sống, chui rúc trong những nhà trọ chật hẹp, dù ngày ngày lang thang mưu sinh với tập vé số trên tay thì các em vẫn mong mỗi ngày được đến trường như bao bạn đồng lứa và thêu dệt ước mơ cho một ngày mai tươi sáng hơn. 
 
Trong một lớp học. Ảnh: V. Trọng
Trong một lớp học. Ảnh: V. Trọng

Chuyện học trò “Lớp linh hoạt” 
 
Trong chiếc áo khoác cũ nhưng sạch sẽ, trên đầu là chiếc nón rộng vành che nắng, đôi giày mòn gót, túi đựng chiếc áo mưa mỏng phòng hờ, cô bé chìa bàn tay nhỏ nhắn với xấp vé số ra mời mọi người. Khi thấy tôi muốn bắt chuyện, cô bé bảo nhỏ: “Chú ơi, con còn đi bán cho kịp, bữa nào chú lên trường nói chuyện nghe, chú nhớ lên sau giờ học”.
 
Ngôi trường mà Trương Tiểu Muội - cô bé 10 tuổi bán vé số đã theo học chính là các lớp học tại Nhà dòng Don Bosco ở Phường 2, Đà Lạt. Tiền thân đó là lớp “tình thương” dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại Đà Lạt, và rồi trên 10 năm nay, Nhà dòng Don Bosco đã biến nơi đây thành một ngôi trường đúng nghĩa với tên mới “Lớp linh hoạt” cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn vì lý do nào đó không thể đến các lớp học bình thường được và duy trì đến nay.
 
Năm nay lên lớp 5, Tiểu Muội đã có 5 năm học ở đây, nghĩa là học từ lớp 1. Gia đình trước đây ở Đức Trọng, Tiểu Muội theo mẹ cùng em lên Đà Lạt sinh sống, thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Trỗi, mẹ ngày ngày đi bán vé số, Tiểu Muội cũng theo mẹ đi bán vé số trong hơn 2 năm nay. Em gái Tiểu Muội lên 7 tuổi, cũng đang  học lớp 2 chung “trường” với chị. 
 
“Dạ, buổi sáng con đi học, chiều con đi bán vé số, bán trên đường 3 tháng 2 rồi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, con còn nhỏ không dám đi xa” - Tiểu Muội, tỏ bày thêm “mỗi ngày bán được chừng khoảng 100 tờ vé số, chủ nhật bán cả ngày có nhiều hơn chút, ngày nào bán không hết về đưa số còn lại cho mẹ đi trả, tiền bán được bao nhiêu đưa hết cho mẹ”. 
 
Gặp trên trường lúc Tiểu Muội đang vui đùa với bạn học cùng lớp trong giờ ra chơi, tôi hầu như không nhận ra cô bé bán vé số trầm ngâm một mình lủi thủi trên đường, chỉ trừ ánh mắt của cô bé hầu như lúc nào cũng có vẻ buồn. Tiểu Muội rụt rè đưa tập vở cho tôi xem, đó là những con chữ nhỏ xinh ngay ngắn có bút phê của cô giáo bên cạnh. “Dạ mới đi học nên bài tập chưa nhiều” - cô bé nói nhỏ.
 
Cũng như bao học sinh ở đây Tiểu Muội được cấp cho một bộ đồng phục tươi tắn cùng màu với các bạn, có áo khoác, có mũ lưỡi trai, có dép quai hậu và ba lô đựng sách vở, dụng cụ học tập “Bộ đồ này chỉ để dùng đi học thôi, còn đi bán vé số thì có áo quần ở nhà, mẹ bảo thế” - cô bé phân trần.
 
“Con muốn đi học, thích lên trường, lên đây có bạn rất vui, con thích chơi xích đu, trên trường mới có chứ phòng trọ chật lắm, lại tối”. Mỗi buổi sáng, Tiểu Muội cùng em tự đi bộ đến trường, có bữa mẹ đưa 2 chị em đi, trưa cả 2 cùng đi bộ về. “Mẹ con bảo, mẹ ráng kiếm tiền để về Đức Trọng xây nhà cho 3 mẹ con cùng ở, con tiếp tục theo học, bà ngoại con cũng già rồi tiện chăm sóc hơn. “Con muốn trở thành ca sỹ” - cô bé mong ước. 
 
Có chút trùng hợp trong buổi sáng hôm đó khi tôi gặp một cô bé khác cũng có ước mơ thành ca sỹ, rất thích hát, múa, đó là Nguyễn Thị Như Ý, học sinh lớp 4 của trường. Năm nay 13 tuổi, cô bé người quê Quảng Ngãi cao ráo, mặt luôn nở nụ cười tươi tắn cho biết, đã cùng mẹ vào Đà Lạt đã 4 năm, mẹ hiện đang làm thuê đóng gói Atiso cho một xưởng trà, cả 2 mẹ con cùng thuê một phòng trọ gần chợ Đà Lạt sinh sống. Như Ý học ở trường này đã 2 năm nay. “Con hồi nhỏ theo mẹ đi làm khắp nơi, mỗi nơi ở một ít nên không đi học được”. Tôi hỏi có phải Như Ý là người lớn nhất lớp 4 đang học ở đây không thì cô bé cười tươi: “Dạ, chưa phải lớn nhất đâu, trong lớp có bạn 15 tuổi, có bạn 16 tuổi và có bạn đến 17 tuổi còn học chung trong lớp”. 
 
“Con muốn đi học từ nhỏ nhưng con biết nhà con không có điều kiện, 2 năm nay mới được đi học. Học ở đây rất vui, có nhiều bạn học lắm”. Như Ý mỗi ngày học 1 buổi, chiều về xuống chỗ làm của mẹ để phụ việc với mọi người, mỗi buổi được 50 nghìn đồng. “Con muốn  học đến lớp 12 để có được việc làm tốt sau này giúp mẹ đỡ vất vả. Mẹ con bảo cố học nếu không sẽ khổ như mẹ đó” - giọng cô bé trầm xuống.
 
Một trường hợp khác mà nhà trường muốn giới thiệu với tôi về tinh thần chịu học chính là Đinh Bom - cái tên ngồ ngộ, người Chư Sê - Gia Lai. 11 tuổi nhưng năm nay Đinh Bom mới vô lớp 1. Điểm khác biệt của Bom với nhiều bạn ở đây chính là đôi mắt: Bom bị khiếm thị. 
 
Dù khiếm thị nhưng Đinh Bom luôn ăn mặc rất tươm tất và gọn gàng, cử chỉ nhanh nhẹn: “Dạ con biết tự mặc đồ, biết nấu cơm, rửa chén bát, quét nhà, giặt đồ…, con muốn đi học từ lâu để biết chữ nhưng ở quê con không có chỗ đi học”. Nhờ giới thiệu, Bom được gia đình đưa sang Đà Lạt gửi ở một cơ sở nhà dòng để đi học ở đây, ngày ngày nhà dòng thuê một bác tài xe ôm đưa đón em đến trường, Bom đang theo chương trình học chữ nổi dành cho người khiếm thị. 
 
“Nhà con đông người, có đến 6 anh chị em, ba mẹ đều làm ruộng, gia đình khó khăn. Con muốn đi học để tự nuôi được bản thân mình, mai mốt ba mẹ nếu không còn thì còn biết đường xoay xở” - Bom nói.  
 
Những tấm lòng 
 
Năm học 2017- 2018 này “Lớp linh hoạt” ở Nhà dòng Don Bosco có tổng cộng 82 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó lớp 4 đông nhất với 24 học sinh, lớp 1 tựu trường có 19 học sinh, 3 lớp 2, 3 và 5 còn lại mỗi lớp có 13 học sinh. So với năm học trước thì số học sinh năm nay của trường không có sự thay đổi nhiều. 
 
“Có thể coi trường là một “phân trường” của Trường Tiểu học Trưng Vương - Đà Lạt” - anh Lê Thanh Bảo, quản lý lớp học của Nhà dòng cho biết. 
 
Đơn giản vì các lớp học ở đây đang áp dụng chương trình tiểu học của Trường Tiểu học Trưng Vương, cũng có thời gian biểu như một lớp học bình thường trong bậc tiểu học, các bài kiểm tra ở đây cũng từ trường Trưng Vương soạn cho thi chung với cả khối. Ngay cả 5 cô giáo phụ trách 5 lớp học ở đây cũng là các giáo viên nhiều kinh nghiệm của Trường Tiểu học Trưng Vương, khi đến tuổi về hưu được Nhà dòng mời sang đây dạy học cho các em.
 
Theo cô Nguyễn Cửu Thị Thanh - có 5 năm đứng dạy  -  cái khó nhất cho học sinh ở đây chính là trình độ giữa các em rất chênh lệch. Học sinh đến lớp từ rất nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trong nước theo  gia đình lên Đà Lạt tìm việc làm. Mỗi em một  cảnh, em mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, em khiếm thị, em thiểu năng, lại có những em  người dân tộc thiểu số…, nhưng điểm chung nhất các em đều xuất thân từ gia đình khó khăn nên cha mẹ nay làm chỗ này, mai chỗ khác, hễ cứ đi đâu là dắt các em đi theo… Vì vậy,  theo cô Thanh, sự chăm sóc của gia đình dành cho các em rất ít, nếu không nói là chẳng có gì, hầu như phần lớn sáng đi học chiều đi làm, chẳng có nhiều thời gian cho chuyện học hành nên sự tiếp thu trên lớp cũng rất hạn chế. 
 
“Cứ tùy tình hình của lớp nói chung, của từng em mà lên kế hoạch dạy học cho lớp, cho từng em một. Phải vừa dạy vừa dỗ, vừa khuyên bảo vừa khuyến khích các em đến lớp”. 
 
Điều đáng mừng theo cô Thanh chính là sự nỗ lực của các em, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, các em đi học đều hơn, có em ở  tận Vạn Thành ngày ngày vẫn đi bộ ra đây học, có em có việc gia đình nghỉ vài ngày rồi lại thấy đến lớp, không như những năm trước nhiều em nghỉ học giữa chừng. Thấy các em muốn học vậy không thầy giáo, cô giáo nào nỡ bỏ đâu. 
 
Để động viên các em đến lớp, Nhà dòng lâu nay đã có nhiều hoạt động cho học sinh theo phương châm “Trường học thân thiện, học sinh vui khỏe, nâng cao chất lượng dạy và học”. Dịp lễ hội như Tết Trung thu, Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nhà trường đều tổ chức các hoạt động vui chơi, đưa các em đi dã ngoại, tạo sân chơi cho các em trong sân trường. Trong dạy học, bên cạnh chương trình tiểu học hiện hành, nhà trường còn mời giáo viên dạy thêm Anh văn, luyện viết chữ đẹp, tăng cường giáo dục thể chất. Cuối năm học vừa qua, trong tổng số 93 học sinh của trường đã có 17 học sinh giỏi, 24 học sinh khá, số học sinh yếu ngày càng giảm dần. Và một việc quan trọng mà trường đề cao, do gia cảnh các em rất khác, từ nhỏ đã lăn lóc với cuộc đời, thiếu sự chăm sóc của gia đình nên công tác giáo dục nhân cách cho các em luôn được đặt lên hàng đầu. Hầu hết các em đến nay đã biết chào hỏi, rất ít chửi thề, nói tục; nhà trường luôn nhắc nhở, khích lệ các em tính khiêm tốn, yêu thương, chia sẻ cùng mọi người, biết tỏ lòng biết ơn...
 
Để duy trì được những lớp học, cùng với thầy cô giáo và Nhà dòng Don Bosco còn có rất nhiều những tấm lòng tìm đến, bởi để duy trì một năm học, như năm học vừa qua trường phải bỏ ra chi phí khoảng 280 triệu đồng. “Vừa dạy vừa lo chuyện kinh phí thì khó mà dạy tốt được” - Linh mục Đinh Văn Triển cho hay. Chính vì vậy, trong nhiều năm nay Nhà dòng đã huy động được rất nhiều “ân nhân” tự nguyện đóng góp, giúp đỡ để duy trì các lớp học, từ các cấp chính quyền sở tại như UBND Phường 2, Đà Lạt, Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt, Hội Chữ thập đỏ Phường 2, Phòng Lao động Thương binh xã hội thành phố… cho đến các Mạnh Thường Quân như dì Trần, chị Thanh, chị Vân Anh, chú Thành… Rất nhiều người cứ đến đầu năm học lại quyên góp mua tặng sách vở, áo quần, dụng cụ học tập cho các em. Riêng dì Trần còn huy động rất nhiều tiểu thương tại chợ Đà Lạt đều đặn trong bao năm đến nấu ăn 2 bữa ăn trong tuần cho tất cả các học sinh trong trường. 
 
Cô giáo Thanh bộc bạch thêm, chỉ cần các em học hết lớp 5 ở đây, có hồ sơ học bạ là các em có thể tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở ở các trường bình thường hoặc có thể đi học nghề. Đó sẽ là cuộc “vượt vũ môn” cho từng em và đã có rất nhiều em làm được. Như anh Lê Thanh Bảo cho biết, đã có em học tới bậc đại học, thỉnh thoảng vẫn về đây thăm trường, nhà trường vẫn động viên học sinh nhìn vào đó như một tấm gương để nỗ lực phấn đấu. “Chỉ cần các em vẫn đến lớp, không bỏ cuộc thì nhà trường và rất nhiều tấm lòng vẫn đồng hành cùng các em” - anh Bảo khẳng định. 
 
Phóng sự: VIẾT TRỌNG