Hương ven rừng quốc gia

09:09, 21/09/2017

Ðó là Ka Ngọc Hương, 26 tuổi, cô gái Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai, gieo vào tôi ấn tượng khó phai bởi cách sống rất riêng, từng ngày kiên trì gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của người Châu Mạ nằm ven rừng quốc gia Nam Cát Tiên. 

Ðó là Ka Ngọc Hương, 26 tuổi, cô gái Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai, gieo vào tôi ấn tượng khó phai bởi cách sống rất riêng, từng ngày kiên trì gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của người Châu Mạ nằm ven rừng quốc gia Nam Cát Tiên. 
 
Ka Ngọc Hương (ở giữa) dẫn đoàn thiếu nhi các nước khám phá rừng Nam Cát Tiên. Ảnh: N.Ngà
Ka Ngọc Hương (ở giữa) dẫn đoàn thiếu nhi các nước khám phá rừng Nam Cát Tiên. Ảnh: N.Ngà

Mạch nguồn nuôi dưỡng 
 
Chúng tôi tìm đến Khu Du lịch TaLai LongHouse nằm bên bìa rừng Vườn Quốc gia (VQG) Nam Cát Tiên, thuộc xã Tà Lài vào một ngày mưa rừng ẩm ướt. Trong ngôi nhà dài truyền thống của người Châu Mạ được WWF - Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên dựng lên ở nơi này, cô gái nhỏ nhắn có nụ cười tươi như hoa rừng Ngọc Hương vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về chuyện mình, chuyện nhà và cả chuyện rừng.
 
“Nhà Hương bao đời nay đều sống gắn với rừng. Ba đi rừng còn mẹ dệt vải. Nhiều sợi vải mẹ dệt ngày ấy được nhuộm từ cây rừng ba mang về. Màu vải đẹp lắm”, Ngọc Hương đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi kể về việc gia đình cô từ nhiều năm trước đã sống bằng nghề dệt và buôn bán thổ cẩm ở VQG. Năm 2005, tốt nghiệp lớp 9, Hương ở nhà phụ mẹ để hai em được tiếp tục tới lớp. Ngày ấy, mẹ Ka Rỉn, bà ngoại Ka Bào là những người dệt vải giỏi nổi tiếng trong vùng. Họ là mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu nghề dệt truyền thống cho cô con gái nhỏ. Ngọc Hương nói: “Nghề dệt là một nét riêng của người phụ nữ Châu Mạ. Tất cả những họa tiết hoa văn tinh tế như: con người, con mắt, con trâu, con dê, mặt trời, cây đèn sáp, bàn thờ thần linh… đều liên quan đến cuộc sống và những kinh nghiệm bao đời của người Mạ”. Hương cũng tự tay dệt cho mình một bộ đồ thổ cẩm dành để mặc trong những dịp quan trọng khi mà những người trẻ ở nơi này ít có ai mặn mà với nghề dệt và trang phục truyền thống dân tộc. 
 
Không chỉ dệt, bà ngoại và mẹ còn tưới tắm vào tâm hồn Ngọc Hương những chuyện kể, lời hát, điệu múa… của người Mạ. 87 tuổi nhưng trông bà Ka Bào vẫn khỏe, trí nhớ tốt. Bà nói: “Ngày xưa, có những đêm hội, nhiều phụ nữ Mạ hát thâu đêm với những bài hát của dân tộc mình. Bà biết được rồi học thuộc qua những lần nghe mẹ và những người lớn tuổi trong buôn hát, kể lại. Sau này bà bày lại cho con cái mình”. 
 
 “Nếu bà và mẹ cho mình tình yêu với nghề dệt với dân ca thì ba là người thầy, người bạn đầu tiên cho mình hiểu và yêu rừng” - Hương nói. Ba của Ngọc Hương là ông K’Hoài nổi tiếng trong vùng về tài chữa bệnh từ cây rừng, nếu ai bị trật chân nhờ ông bó lá rừng mà khỏi. Ngày trước, mỗi khi K’Hoài vào rừng hái thuốc người ta lại thấy ông dắt theo cô con gái đầu lòng. Đến giờ Ngọc Hương đã trưởng thành nhưng vẫn không ít lần theo chân ba. Ông K’Hoài tâm sự: “Tổ tiên mình sống với rừng, với những kiến thức về rừng được ông bà truyền lại, bây giờ mình có trách nhiệm phải dạy cho con cháu. Bởi vậy mỗi lần dắt Hương theo mình thường chỉ cho con công dụng của mỗi cây rừng. Để mai này mình già con gái vẫn biết cách sống với rừng”. Và “Mình tử tế với rừng thì rừng chẳng bao giờ bạc đãi mình hết. Mẹ thiên nhiên muôn đời vẫn thế mà”, ông K’Hoài - thành viên đội cứu hộ động vật thuộc VQG Nam Cát Tiên - cho hay. 
Có lẽ chính nhờ những mạch nguồn nuôi dưỡng ấy đã đưa Ngọc Hương đến quyết định chọn hướng đi cho tương lai của mình gắn với bóng dáng rừng, sắc màu của thổ cẩm và âm điệu ngọt ngào như những câu dân ca của người Mạ.
 
Chọn một lối đi riêng
 
Nếu như các bạn lớn lên đều theo chồng và làm ruộng thì Hương lại chọn con đường làm du lịch. Năm 2010, Hương thi vào ngành dược tại Trường Cao đẳng nghề số 8 và về thành phố Biên Hòa theo học. May mắn tìm được một công việc tốt ở Biên Hòa ngay khi ra trường, nhưng có lẽ phố phường không hợp với người con gái sinh ra từ rừng và yêu rừng như máu thịt nên Ngọc Hương trở về quê nhà. Hương sử dụng thông thạo tiếng Anh nên làm hướng dẫn viên du lịch ở VQG đến khi dự án xây dựng và phục hồi nhà dài được mở ra ở Tà Lài, Hương đã về làm việc nơi này. 
 
Ấp 4, xã Tà Lài có hơn 100 hộ người Châu Mạ sinh sống. TaLai LongHouse đã hơn hai lần đổi chủ nhưng một số bà con vẫn làm việc ở đây. Đặc biệt, tất cả bà con trong vùng đều được hưởng lợi từ các chính sách và hoạt động của nơi này. 
 
Anh K’Vâng - một người làm du lịch cộng đồng ở Lâm Đồng, nói: “Những người làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh khu vực này hầu như ai ai cũng biết Hương. Cô là nữ duy nhất tiên phong đưa khách đi tour soi thú đêm, tour đi bầu Sấu, đi thác Trời… Những câu chuyện gắn liền với mỗi dòng suối, dòng thác, đỉnh núi ở Nam Cát Tiên này Hương nắm trong lòng bàn tay. Đó là câu chuyện về đỉnh núi có thần Nam Lu, về những nơi mà trước đây người Châu Mạ dựng làng, về những dòng họ Vì Jah, Nh-hồr… Trong mắt nhiều du khách, nhất là khách ngoại quốc Hương chứa đựng cả kho tàng lớn linh hồn núi rừng và văn hóa người Châu Mạ”.
 
Ông K’ Yếu - một người lớn tuổi làm việc ở TaLai LongHouse, đồng thời cũng là người tham gia dựng căn nhà dài truyền thống ở đây từ những ngày đầu, nói: “Khách du lịch khi đến đây muốn tìm hiểu về văn hóa của người Mạ, Hương trong trang phục truyền thống luôn là người hướng dẫn khách, đưa họ đi khắp xóm, giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình. Hương cũng là người kết nối các tour chạy bộ, leo núi…trong rừng dành cho khách nước ngoài đến khu vực này”. 
 
Trên quãng đường từ khu du lịch về nhà, Ngọc Hương say sưa kể với chúng tôi về những cây cỏ mà người Mạ thường dùng khi đi rừng là nghệ rừng, cây chống vắt, cây dứa dại, cây dầu… Khi cùng xắn quần lội qua đoạn đường ngập nước do cơn mưa lớn lúc chiều, tôi vô tình thấy trên tay chân của Hương đầy rẫy những dấu vết còn lại của ruồi vàng chích, vắt đeo, gai rừng cứa… những thứ đó sẽ rất “nghiêm trọng” với nhiều cô gái trẻ, nhưng với Hương “không hề hấn gì”. 
 
Khi bạn bè coi việc có được căn nhà xây là mơ ước thì riêng Hương vẫn thủy chung với căn nhà dài. Bởi ký ức tuổi thơ cả gia đình quây quần trong căn nhà dài, những đêm mưa, chị em đuổi nhau dọc căn nhà, bố mẹ ngồi bên bếp lửa mỉm cười, bà ngoại cất mấy câu dân ca đầy hạnh phúc… là những thứ không bao giờ quên và khó tìm lại được. Gia đình Ngọc Hương đã có căn nhà xây, nhưng Hương vẫn xin phép bố mẹ tự làm cho mình một căn nhà truyền thống từ gỗ mà Hương trồng từ nhiều năm, tiền dựng nhà là do Hương dành dụm từ những năm đi làm việc trở thành tài sản mà Ngọc Hương yêu quý nhất, vì đó còn là một phần căn cốt nét đẹp văn hóa của người Mạ giới thiệu đến với du khách. 
 
NGỌC NGÀ