Tự chủ là tất yếu nhưng cần có lộ trình

05:04, 25/04/2017

Đó là một trong những nội dung đề xuất của PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt thay mặt nhà trường kiến nghị, đề xuất với Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. 

Đó là một trong những nội dung đề xuất của PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt thay mặt nhà trường kiến nghị, đề xuất với Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. 
 
Tại buổi làm việc, sau khi nghe PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chi tiết về những kết quả thực hiện chính sách, pháp luật cho đội ngũ nhà giáo, giảng viên của trường thời gian qua, các thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc vì sao nhiều năm nay trường không có nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, chế độ tiền lương, thu nhập thêm ngoài mức lương cơ bản, chính sách thi đua khen thưởng, những chế độ ưu đãi trong việc giảm thiểu lãng phí chất xám của đội ngũ giảng viên, có chính sách thu hút nhân tài, phối hợp giảng dạy tại một số nước trong khu vực hay không? Mong muốn chủ đạo nhất trong quá trình tiến tới hoạt động “Tự chủ” là gì?...
 
Về những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, đại diện nhà trường cũng đã có trả lời chi tiết, cụ thể và kiến nghị với Quốc hội, bộ, ngành Trung ương về những bất cập, khó khăn hiện nay như: Đề nghị bổ sung hệ số phụ cấp thâm niên cho đội ngũ viên chức công tác trong ngành giáo dục nhưng không tham gia giảng dạy. Đề nghị phân bổ chỉ tiêu giảng viên chính, chuyên viên chính cho các cơ sở giáo dục và giao quyền tổ chức xét tuyển, thi tuyển cho đơn vị. 
 
Về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học công lập là tất yếu, tuy nhiên cần có lộ trình bởi tự chủ tài chính chỉ là một trong 4 vấn đề cốt lõi cần có khi các trường đại học công lập thực hiện tự chủ. Trên thực tế, việc giao cho các trường đại học thực hiện tự chủ nhưng lại không điều chỉnh, thay đổi các văn bản, hướng dẫn đồng bộ để tạo điều kiện cho các trường thực hiện. Cần được thể chế hóa nội dung ưu tiên cho các trường đại học khi được Đảng, Nhà nước đặt trọng tâm ưu tiên 3 vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ. Trường Đại học Đà Lạt rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư thích đáng của liên Bộ Tài chính - Giáo dục cho Trường Đại học Đà Lạt khi trường được xác định là một trong những trường trọng điểm quốc gia vùng Tây Nguyên. Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện Nghị định số 16 năm 2010 của Chính phủ về những quy định đặc thù cho ngành giáo dục, cho cơ sở giáo dục đại học. Đổi mới phương pháp phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học theo kết quả đầu ra, gắn với các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo kém chất lượng với cơ sở đào tạo chất lượng, hiệu quả.
 
Các ý kiến đóng góp điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật nhà nước cho phù hợp, những kiến nghị đề xuất xác đáng của đội ngũ nhà giáo, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt đã được Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp và báo cáo trình Quốc hội, đề xuất bộ, ngành Trung ương sớm điều chỉnh, giải quyết bổ sung kịp thời các chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
 
Nguyệt Thu