Người cao tuổi với những đóng góp tích cực cho cộng đồng

08:07, 29/07/2016

5 năm qua (2011 - 2015), người cao tuổi Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đóng góp tích cực trên mọi mặt, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở

5 năm qua (2011 - 2015), người cao tuổi Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đóng góp tích cực trên mọi mặt, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở. Vừa qua, cán bộ, hội viên Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích trong công tác từ năm 2011 đến năm 2015, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Người cao tuổi tập dưỡng sinh. Ảnh: VĂN BÁU
Người cao tuổi tập dưỡng sinh. Ảnh: VĂN BÁU

Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 86.236 hội viên/97.788 người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 88,20% so với tổng số người cao tuổi) sinh hoạt tại 1.564 chi hội. Trong đó, hội viên dưới 60 tuổi là 9.250 người; hội viên là đảng viên: 2.218 người; hội viên cán bộ hưu trí:  5.767 người; hội viên là cựu chiến binh: 6.439 người; hội viên nữ: 42.693 người; hội viên người dân tộc thiểu số: 14.091 người. Chất lượng hoạt động của hội ngày càng được nâng lên đáng kể. Kết quả phân loại đến nay, trong 147 tổ chức hội cơ sở, có: 90 tổ chức hội vững mạnh; 40 tổ chức hội khá và 17 tổ chức hội đạt trung bình (chiếm tỷ lệ 11,56%).
 
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Đảng, Nhà nước phát động; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; thực hiện Chương trình “Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường” của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, đầu năm 2012, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 20/KH-NCT ngày 20 tháng 3 năm 2012 “Hướng dẫn Hội Người cao tuổi các cấp vận động hội viên phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, xác định một số nội dung cần tập trung tuyên truyền đó là: Người cao tuổi gương mẫu tham gia học tập, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người cao tuổi tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Động viên, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư đóng góp tiền, công sức, hiến đất, hiến kế góp phần xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; nhân dân làm chủ, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, hội viên người cao tuổi chủ động, tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số-KHH gia đình. Phối hợp thực hiện dân chủ cơ sở; tham gia giám sát trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phối hợp động viên con em, gia đình, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng khu dân cư lành mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, trong 5 năm qua, đã tổ chức được 6.821 buổi tập huấn, tọa đàm tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với 71.257 người cao tuổi tham gia. Người cao tuổi đóng vai trò người uy tín trong vận động và đã phát huy hiệu quả. Kết quả, người cao tuổi cùng gia đình đã hiến 261.111 m2 đất để làm đường; đóng góp tham gia xây dựng với 47.977 ngày công lao động; ủng hộ trên 28,5 tỷ đồng; trồng được 53.336 cây xanh, cây bóng mát. Đặc biệt, người cao tuổi tham gia 2.496 cuộc giám sát các công trình, dự án dân sinh với 5.982 cán bộ, hội viên cùng tham gia. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín của người cao tuổi trong cộng đồng, kiến nghị khắc phục kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế tại cơ sở.
 
Phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở
 
“Kính lão, đắc thọ” là một trong những truyền thống lâu đời, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong gia đình, dòng họ, làng xóm, lớp người cao tuổi như “cây cao, bóng cả” luôn luôn được kính trọng và lắng nghe. Họ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền các giá trị truyền thống của dân tộc. Phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp đó, nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng rất chú trọng đến việc sơ kết, tổng kết, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng”. Hiện, toàn tỉnh có 4.738 người cao tuổi tham gia công tác xã hội, là Bí thư, Phó bí thư chi bộ; Tổ trưởng, Tổ phó dân phố; Trưởng thôn, Phó thôn; Trưởng, Phó ban công tác Mặt trận; Trưởng, Phó Ban vận động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Tổ trưởng tổ an ninh nhân dân; Trưởng ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; chi hội trưởng các đoàn thể; tổ hòa giải cơ sở...; 25.761 người cao tuổi và 739 tập thể đạt Danh hiệu “Tuổi cao - gương sáng”. 
 
Đặc biệt, phong trào “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia; toàn tỉnh có 51.227 gia đình hiếu học, 86 dòng họ hiếu học, 1.869 cụm dân cư đạt cộng đồng học tập; bình quân trên 90% gia đình người cao tuổi đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 3.497 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 149 người cao tuổi làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp; nhiều mô hình tốt, cách làm hay, như Hội Người cao tuổi các xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà), thị trấn Liên Nghĩa, xã Phú Hội (huyện Đức Trọng); Hội Người cao tuổi phường 3, phường 6, thành phố Đà Lạt; phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc;... Các chi hội tổ dân phố 6A, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh); Chi hội Liêng Bông, xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương); Chi hội Xuân Thành, xã Xuân Thọ; Chi hội 1, xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt);... mô hình bảo vệ con đường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn giao thông của chi hội thôn 8, xã Lộc Ngãi; mô hình “Thắp sáng đường quê” đã vận động 90% hộ người cao tuổi mắc bóng đèn trên trục đường liên thôn và ngõ xóm dài 40 km ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm; mô hình “Không rải giấy vàng mã” khi đưa tang ở huyện Đạ Huoai và một số xã, thị trấn của huyện Đạ Tẻh;... đã thực sự tạo nên những gam màu tích cực cho hoạt động của Hội Người cao tuổi.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Phát huy những thành tích đạt được trong 5 năm qua, giai đoạn tiếp theo, Hội Người cao tuổi tỉnh sẽ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, UBND, phối hợp với MTTQ và các ngành xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh hơn. Chú trọng đẩy mạnh các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng” gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi là chức sắc tôn giáo, người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, già yếu có hoàn cảnh khó khăn…; từ đó góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi. Tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò người cao tuổi như Bác Hồ đã từng răn dạy: “Tuổi già nhưng chí không già. Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh!”.
 
Nguyệt Thu