Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: Tái hiện trung thực giá trị lịch sử

09:05, 03/05/2016

Đến thăm Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào những ngày cuối tháng Tư, khi công trình trùng tu Di tích lịch sử cách mạng này vừa hoàn thành, qua từng góc tường, nếp nhà, bờ đá, ngọn cỏ, nơi từng giam giữ 630 cựu tù mới thấy hết khí tiết đấu tranh cách mạng của những người con trẻ tuổi.

Đã qua 41 năm kể từ ngày đất nước thống nhất và 43 năm chấm dứt hoạt động của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nhưng nơi đây còn nguyên vẹn giá trị lịch sử. Đến thăm Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào những ngày cuối tháng Tư, khi công trình trùng tu Di tích lịch sử cách mạng này vừa hoàn thành, qua từng góc tường, nếp nhà, bờ đá, ngọn cỏ, nơi từng giam giữ 630 cựu tù mới thấy hết khí tiết đấu tranh cách mạng của những người con trẻ tuổi.
 
Phong trào mổ bụng chống chào cờ mặc cho sự đàn áp tra tấn
Phong trào mổ bụng chống chào cờ mặc cho sự đàn áp tra tấn
* Chị Trần Vũ Minh Nguyệt (Du khách đến từ Tp.Hồ Chí Minh): Đã là chiến tranh thì bao giờ cũng tàn khốc và đổ máu. Thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, thêm một minh chứng cho tội ác của chiến tranh, trong đó trẻ em cũng không tránh khỏi sự tàn bạo. Những hình ảnh sống động, những hiện vật, tư liệu có sức thuyết phục đã phản ánh trung thực bản chất tội ác của một nhà lao dành cho thiếu nhi. Di tích lịch sử cách mạng này sẽ không chỉ đơn thuần là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, mà thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, sẽ làm cho thế hệ trẻ thêm yêu và trân trọng hòa bình, căm ghét chiến tranh.
 
* Anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh - một trong 630 cựu tù nhỏ tuổi từng bị giam giữ ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: “Thăm lại nơi đây, tôi như được bước vào quá khứ, từng góc phòng giam nơi chúng tôi nằm ngủ, từng buồng xà lim và cái lạnh cắt da của đêm Đà Lạt, những đòn roi tra tấn, hình ảnh đồng đội rõ mồn một như tất cả vẫn còn đọng lại ở nơi này. Trở về đây làm cho tôi nhớ lại những năm tháng tuổi nhỏ không thể nào quên”.
 
* Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng: Để tái hiện trung thực các giá trị lịch sử, giữ lại nguyên trạng, tái hiện đúng tầm, đúng giá trị lịch sử của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng quản lý, cải tạo làm nơi khám chữa bệnh cho bộ đội với tên gọi Bệnh xá H32. Tính đến thời điểm được tu bổ, tôn tạo, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trải qua hơn 40 năm tồn tại, nhiều chi tiết kết cấu công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Công năng của di tích không còn được giữ nguyên trạng, các hiện vật đặc thù của nhà lao không còn, một số đặc điểm kiến trúc gắn liền với chức năng của Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt giai đoạn 1971 - 1973 đã thay đổi hoàn toàn.
 
Công trình chỉ còn phần tường đá bao ngoài, mái ngói là tương đối nguyên vẹn, ít bị tác động. Các thiết bị, đồ nội thất tại Ban Quản đốc, Ban Cải huấn, Ban Giám thị, khu hỏa thực (bếp ăn), khu hướng nghiệp, y tế đã không còn, thiếu cơ sở để phục dựng, tái hiện. Một số hạng mục phải thi công tái hiện 100% dựa trên tài liệu, hiện trạng của nền móng và các nguồn tin từ nhân chứng lịch sử qua các đợt hội thảo; chúng tôi dò tìm, xác định các căn cứ để từ đó có cơ sở phục dựng như hiện nay. Tất cả là vì trách nhiệm với lịch sử, sự tri ân với thế hệ cha anh đi trước.

Năm 1971, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được chính quyền Sài Gòn lập nên dưới sự quản lý của Nha cảnh sát Sài Gòn với tên gọi trá hình “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” nhằm phục vụ âm mưu chia cắt các chiến sĩ nhỏ tuổi trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ ra khỏi tâm ảnh hưởng của các thế hệ cha anh.

Dãy nhà khép kín hình chữ nhật nằm dọc bên sườn đồi thoai thoải với 8 phòng giam tập thể, 12 phòng biệt giam, các phòng thẩm vấn, tra tấn, xà lim, khu hướng nghiệp, y tế, bếp, kho, vệ sinh... Tất cả được bảo mật trong hệ thống hàng rào thép gai nhiều tầng, nhiều lớp và hệ thống tháp canh bao quanh cẩn mật... Dù ở tuổi còn nhỏ từ 13 - 18 tuổi, nhưng các tù nhân nơi đây cũng chịu những đòn tra tấn dã man từ bộ máy quản lý trung tâm dành cho tù chính trị: tra tấn bằng đòn roi, dùi cui; cho đi “tàu bay” (treo ngược chân lên trần nhà); cho đi “tàu thủy” (dìm vào nước); đổ nước xà bông và bột ớt vào mũi, vào miệng cho sặc sụa... 
 
Đến thăm phòng “Diệt ác”, ký ức ùa về như thước phim quay chậm, là người “trong cuộc”, cựu tù Trần Cồ không khỏi xúc động: “Bước vào căn phòng này, nhớ về đồng đội, nhớ những ngày xưa, tôi không khóc mà nước trong mắt cứ tuôn ra”... Đã qua hơn 4 thập kỉ nhưng những vết thẹo dài vẫn còn trên bụng những chiến sĩ nhỏ tuổi - những cậu bé ngày xưa nay đã lên chức ông. Sự kiện mổ bụng chống đàn áp, chống chào cờ (cờ vàng ba sọc đỏ) diễn ra vào 21/11/1971 tại sân cột cờ nhà lao để thể hiện tinh thần tuổi trẻ bất khuất - Tự mổ bụng mình để phản đối sự đàn áp, uy hiếp của kẻ thù. Trước tình hình phong trào đấu tranh trong tù lớn mạnh, địch từng bước tiến hành đưa các chiến sĩ là hạt nhân của phong trào ra tòa, cách ly với tập thể để trị. Vượt ngục trở thành giải pháp và là quyết tâm lớn nhằm đưa một số anh em cốt cán của phong trào trong tù về với đời sống cách mạng bên ngoài, làm chỗ dựa quan trọng cho anh em đang còn bị giam giữ.
 
Chỉ trong gần 3 năm tồn tại của nhà lao (1971 - 1973) đã có 7 lần các tù nhân nhỏ tuổi tổ chức vượt ngục, trong đó đợt vượt ngục thứ 6 diễn ra vào đêm ngày 7 rạng ngày 8/5/1973 là đợt vượt ngục có quy mô đông nhất và tổ chức chặt chẽ nhất, 13 người thực hiện theo kế hoạch thì 11 người đã vượt ngục thành công. Tuy các đợt vượt ngục không trót lọt hoàn toàn, nhưng cũng thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm chiến đấu của những người tù tuổi nhỏ chí lớn. 
 
Bị đàn áp đánh đập dã man, nhốt dài ngày trong xà lim, vệ sinh tại chỗ trong những chiếc chậu nhỏ, sống chung với mùi hôi thối... là những hình thức tàn bạo vô nhân đạo với trẻ em vị thành niên. Phong trào đấu tranh vạch trần tội ác, làm chủ nhà tù của các chiến sĩ nhỏ tuổi như ngọn lửa không ngừng âm ỉ, cứ có dịp là bùng lên. Thời cơ đã đến, hôm ấy, các chiến sĩ nhỏ tuổi bị lôi ra khu vực sân cờ, khu nữ để tổ chức lăn tay, chụp ảnh... Cuộc nổi dậy của toàn thể anh chị em nổ ra, giữa làn đạn, hơi cay và trong vòng vây của kẻ thù, các chiến sĩ đã chống trả quyết liệt để đưa nhà lao về đúng nghĩa của một Trung tâm giáo huấn. 
 
Bên cạnh những câu chuyện kể, những phong trào được tái hiện sống động bằng hình ảnh, tranh vẽ, ma-nơ-canh, tượng, cụm tượng; để có những tư liệu lịch sử có giá trị, có sức thuyết phục, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã tổ chức các hội thảo khoa học, tổ chức những chuyến đi thực tế, làm việc trực tiếp với các cựu tù, gặp gỡ nhân chứng lịch sử từng bị giam giữ ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đang sinh sống ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Tp.Hồ Chí Minh...
 
Qua đó, nhiều hình ảnh, tư liệu gốc giai đoạn 1971 - 1973 về nhà lao, nhiều kỷ vật của các cựu tù từng được sử dụng trong thời gian bị giam ở nhà lao đã được sưu tầm, tiếp nhận. Trong đó hơn 100 giờ ghi âm theo lời kể của các nhân chứng lịch sử, những hình ảnh ghi lại đời sống hiện tại của các cựu tù tại các địa phương cũng là nguồn tư liệu quý bổ sung trong hồ sơ lưu trữ, trưng bày tại di tích, làm trung thực thêm giá trị lịch sử của di tích. Với những cứ liệu lịch sử, các giá trị nhân văn của di tích, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trở thành điểm đến ăm ắp tính hiện thực của lịch sử để du khách hướng về trong hành trình du lịch Đà Lạt.
 
QUỲNH UYỂN