Đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ thông tin

01:04, 30/04/2016

Với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Đảng và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng hạ tầng dùng chung.

Với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Đảng và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng hạ tầng dùng chung.
 
Tra cứu thông tin miễn phí trước khi làm thủ tục tại Bộ phận một cửa - Trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: P.NHÂN
Tra cứu thông tin miễn phí trước khi làm thủ tục tại Bộ phận một cửa - Trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: P.NHÂN
Phát triển trên nền tảng sẵn có
 
Hạ tầng CNTT của địa phương qua quá trình xây dựng hiện được đánh giá là ổn định, có khả năng đáp ứng cho lộ trình dùng chung của cả khối nhà nước và khối Đảng, ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông( TT-TT) nhận định.
 
Theo đó, hạ tầng “ đón đầu” cho Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của khối Đảng giai đoạn 2015- 2020 (hiện đang bước vào thời điểm chuẩn bị triển khai) và khối cơ quan nhà nước( CQNN) giai đoạn 2016-2020 đã được chuẩn bị bởi trước đó, từ giai đoạn 2010-2015, Lâm Đồng đã triển khai ứng dụng CNTT trong khối CQNN.
 
Hiện tại, từ hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng CNTT trong nội bộ của các CQNN, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, nguồn nhân lực ứng dụng CNTT đã có thời gian cọ sát, dần hoàn chỉnh. Có thể nhìn vào các con số: 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh được trang bị máy tính với tổng số trên 2.000 máy( với cấp huyện là 95% được trang bị); 100% các CQNN cấp tỉnh và 80% ở cấp huyện có mạng nội bộ LAN; trên 80% CQNN cấp xã, phường, thị trấn có kết nối Internet. Hệ thống họp trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang đến 28 điểm cầu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cho các cuộc họp Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị.
 
Cổng thông tin điện tử có hai trang tiếng Anh và tiếng Việt với 46 trang của các cơ quan, đơn vị, địa phương và thư điện tử công với 6.041 tài khoản hoạt động được đánh giá là ổn định, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Để đảm bảo an ninh thông tin, mô hình Cổng thông tin điện tử đã áp dụng thiết kế 3 lớp. 100% cơ quan cấp sở và 91% cơ quan cấp huyện đã triển khai phần mềm một cửa, một cửa điện tử liên thông...
 
Với khối các cơ quan Đảng, vào thời điểm chuẩn bị triển khai này, ngoài hạ tầng từ khối CQNN, bản thân khối Đảng cũng đã có cơ sở phát triển khi đã thực hiện Đề án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2006-2010. Từ đó, đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng CNTT, đảm bảo kết nối thông suốt từ Trung ương tới Tỉnh ủy, huyện, Thành ủy và các Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Cơ sở dữ liệu đảng viên do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì quản lý, khai thác, sử dụng đã thực hiện từ năm 2007. Chương trình xử lý công văn tại Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và một số huyện được triển khai triệt để. Đồng thời việc gửi, nhận văn bản qua thư điện tử đã được áp dụng hiệu quả...
 
Tăng hiệu quả công việc
 
Theo chỉ số đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2014( công bố vào năm 2015), Lâm Đồng đứng thứ 10/ 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố góp phần cải thiện chỉ số CPI của tỉnh( từ vị trí 36 lên 29 rồi 21 qua 3 năm liên tiếp vừa qua).
 
Tuy vậy, nhìn nhận thẳng thắn, ông Nguyễn Viết Vân cho rằng hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là tại trang thông tin điện tử của một số đơn vị vẫn còn chưa cập nhật văn bản mới và gỡ bỏ các thông tin cũ không còn hiệu lựcĐồng thời trong thời gian qua chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng và một số phần mềm về chỉ đạo, điều hành, vẫn thiếu các phần mềm về cải cách hành chính. Từ phía hạ tầng CNTT của các cơ quan Đảng là hiện đã xuống cấp, cần phải nâng cấp và thay thế.
 
Triển khai kế hoạch phát triển CNTT trong giai đoạn mới để đáp ứng các yêu cầu mới, từ phía các CQNN, yêu cầu đặt ra là tăng khả năng giải quyết các thủ tục hành chính công lên mức độ 3 và mức độ 4 (hiện nay, trên Cổng Thông tin điện tử có 1.805 thủ tục, chủ yếu ở mức độ 2). Đồng thời, trong năm 2016 sẽ đầu tư phần mềm ứng dụng, kết nối viễn thông, nâng cấp hệ thống một cửa hiện đại.
 
Về phía các cơ quản Đảng là đưa ứng dụng CNTT trở thành yêu cầu bắt buộc và hoạt động thường xuyên, đồng bộ với khối Chính quyền và Mặt trận, đoàn thể, đẩy mạnh và tạo đột phá về cải cách hành chính. Trong đó, nội dung trao đổi( theo quy định) giữa các cơ quan Đảng trong tỉnh, giữa cơ quan Đảng tỉnh với cơ quan Đảng Trung ương, được gửi, nhận dưới dạng điện tử; giữa cơ quan Đảng và các đối tượng không thuộc Đảng (nhà nước, doanh nghiệp, công dân...) được xử lý theo dạng điện tử và cập nhật vào hệ thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan.
 
Đồng bộ hóa hạ tầng giữa khối CQNN và khối Đảng được xác định sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; công việc xử lý nhanh chóng và chính xác. Đồng bộ hóa hạ tầng sẽ đẩy mạnh tốc độ hai chiều giữa công tác chỉ đạo - thực thi, báo cáo - giám sát.
 
Nhìn tổng quan trên phạm vi cả nước, theo lộ trình thực hiện, giai đoạn 2015-2020 cũng là thời gian thực hiện chính quyền điện tử ở khối CQNN và ở khối Đảng là Đảng điện tử. Việc triển khai ứng dụng CNTT trong cả khối CQNN và khối Đảng, đồng thời sử dụng hạ tầng dùng chung được đánh giá là bước đi mạnh mẽ và thiết thực của Lâm Đồng trong thời điểm này để hiện thực hóa những mục tiêu thiết thực trên.
 
HẢI YẾN