Để Quỹ trợ vốn cho công nhân khó khăn phát huy hiệu quả

09:04, 29/04/2016

Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả công nhân viên chức - lao động nghèo, khó khăn tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho gia đình, phong trào vận động đóng góp xây dựng "Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn" do Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng phát động luôn nhận được sự ủng hộ cao của đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong toàn tỉnh

Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) nghèo, khó khăn tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho gia đình, phong trào vận động đóng góp xây dựng “Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” do Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng phát động luôn nhận được sự ủng hộ cao của đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong toàn tỉnh.
 
“Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” góp phần cải thiện đời sống cho CNVC-LĐ
“Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” góp phần cải thiện đời sống cho CNVC-LĐ

Ông Phạm Hồng Thọ - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 2 Quỹ: “Công nhân lao động nghèo” và “Nữ công nhân lao động nghèo” của LĐLĐ tỉnh. Quỹ được hình thành và phát triển từ năm 1993 khi LĐLĐ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ngày 26/5/1993 về Chương trình xóa đói giảm nghèo và Nghị quyết về tăng cường hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam. “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” hoạt động với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ CNVC-LĐ nghèo, khó khăn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, nhằm phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập chính đáng, cải thiện đời sống CNVC-LĐ, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
 
Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh ban đầu với số vốn 58,64 triệu đồng (năm 1993) đã tăng lên gần 7 tỷ đồng. Sự lớn mạnh của Quỹ trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, Ban Điều hành vốn vay LĐLĐ tỉnh và sự chung tay góp sức của Công đoàn các cấp, của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong toàn tỉnh. Việc huy động phát triển cũng như quản lý sử dụng Quỹ luôn được đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của phong trào CNVC-LĐ, của hoạt động Công đoàn nói chung và của LĐLĐ tỉnh nói riêng như: phát hành vé số; vận động cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ tiết kiệm đóng góp mỗi tháng 1.000 đồng… Đặc biệt, trong chương trình công tác năm 2011, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã quyết nghị sẽ vận động đóng góp xây dựng Quỹ từ mức vận động 12.000 đồng/người/năm lên mức 40.000 đồng/người/năm. Đến nay, “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh đã tăng lên 6,950 tỷ đồng. Định mức cho vay từ 2 triệu đồng/lượt vay đến nay tăng lên 10 triệu đồng/ lượt vay; từ thời hạn cho vay tối đa 12 tháng đến nay đã được nâng lên 24 tháng; từ số lượng đoàn viên được vay vốn là 29 người/năm đến nay đã tăng lên 1.125 người/năm.
 
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, cho vay và thu hồi vốn, năm 2007, LĐLĐ tỉnh đã quyết định phân cấp “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” tới LĐLĐ các huyện, thành phố, các công đoàn ngành trực thuộc LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý và cho vay vốn. Sau khi được phân cấp, công tác quản lý, cho vay và thu hồi vốn đã hợp lý hơn, tiết kiệm được thời gian cho cán bộ làm công tác cho vay cũng như người được vay vốn so với khi quản lý cho vay tại LĐLĐ tỉnh. “Từ khi phân cấp về LĐLĐ huyện, thành phố, các công đoàn ngành, công tác cho vay và thu hồi vốn nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả; nợ tồn đọng, nợ khó đòi và nợ quá hạn giảm đáng kể. Cán bộ làm công tác quản lý và cho vay vốn đã ngày càng hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ, chủ động trong công tác quản lý, điều hành vốn vay, góp phần xây dựng “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh ngày càng phát triển bền vững” - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Phạm Hồng Thọ khẳng định.
 
Khẳng định tính hiệu quả của “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn”, ông Phạm Truyền - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp nhấn mạnh: “Trong điều kiện CNVC-LĐ của ngành thu nhập còn thấp thì vốn vay từ “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” đã giúp gia đình họ giải quyết được lao động nhàn rỗi để tăng gia sản xuất, góp phần giải quyết khó khăn, ổn định đời sống…”. Chia sẻ với quan điểm trên, ông Nguyễn Tất Quyết - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Đạ Tẻh cho rằng: “Mặc dù số vốn vay không lớn, nhưng vì điều kiện của đoàn viên, CNVC-LĐ trên địa bàn huyện còn khó khăn nên nhu cầu vay vẫn rất lớn và rất thiết thực. Đa số vốn vay đều sử dụng đúng mục đích như thêm vào vốn sẵn có của gia đình để đầu tư chăn nuôi, sửa chữa chuồng trại; có đoàn viên mua phương tiện để đi làm, sửa chữa nhà ở… Đến nay, nhiều đoàn viên, CNVC-LĐ đã bớt khó khăn, thoát được nghèo…”.
 
“Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh trong thời gian qua đã khẳng định được những ưu điểm vượt trội của mình thông qua việc hỗ trợ cho đoàn viên, CNVC-LĐ vay vốn, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Quỹ có hạn, nên số lượt đoàn viên, CNVC-LĐ nghèo, khó khăn được vay vốn còn hạn chế; kỳ hạn ngắn, mức vay thấp chưa đủ để thực hiện các dự án có quy mô lớn và có tính bền vững lâu dài… Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục vận động phát triển “Quỹ trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn”, LĐLĐ tỉnh cần nghiên cứu nâng dần hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay. Có vậy, ý nghĩa của “Quỹ  trợ vốn cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn” sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới.
 
LÊ HỮU TÚC