Tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh nguy hiểm

AN NHIÊN 16:43, 01/04/2024

(LĐ online) - Chiều nay, 1/4, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác y tế 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng năm 2024. Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Đức Thuận –Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Sở Y tế tỉnh
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị 

 

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế Lâm Đồng chủ động chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác giám sát, phát hiện và tích cực triển khai các biện pháp dự phòng, khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm đầu tiên. Đảm bảo đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh Lâm Đồng. Kết quả, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), (H7N9) và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, không phát hiện ca bệnh lạ, bệnh dịch mới nổi; tình hình dịch bệnh lưu hành tại địa phương tương đối ổn định, không có tử vong do dịch bệnh. Toàn tỉnh ghi nhận 29 ca mắc Covid-19, không ghi nhận tử vong do bệnh này; tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 97 ca, tăng 50 ca so với cùng kỳ; không có trường hợp tử vong.

Triển khai kế hoạch loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024 -2030 của ngành Y tế. Trong 3 tháng đầu năm ghi nhận 1 trường hợp mắc sốt rét ngoại lai tại Lâm Hà; không có trường hợp mắc sốt rét ác tính và không có trường hợp tử vong do sốt rét. Hoạt động phòng chống sốt xuất huyết đã phát hiện 554 ca mắc mới, tăng 92 ca so với cùng kỳ; không có trường hợp sốt xuất huyết nặng và không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho 3.389 trẻ dưới 1 tuổi, đạt 19% so với kế hoạch năm trên 90%. Triển khai các hoạt động quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp và nguy cơ bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, các rối loạn do thiếu I-ốt, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, ung thư. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, học sinh, người khuyết tật, người lao động; phòng chống bệnh nghề nghiệp; phòng chống tai nạn thương tích; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; dinh dưỡng; dân số và phát triển.

Công tác khám chữa bệnh toàn tỉnh tổ chức khám bệnh cho 514.619 lượt bệnh nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 23,2% kế hoạch năm). Trong đó, thực hiện phẫu thuật 6.018 trường hợp (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 88,4%. Các đơn vị y tế tăng cường thực hiện công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và sử dụng thuốc cho người bệnh trong bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

 

lãnh đạo Phòng Tổ chức –Cán bộ (Sở Y tế) hướng dẫn các vấn đề về công tác tổ chức, cán bộ trong ngành y tế hiện nay
Lãnh đạo Phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Y tế) phổ biến, hướng dẫn các vấn đề về công tác tổ chức, cán bộ trong ngành y tế hiện nay

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, hệ y tế dự phòng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh tật, an toàn thực phẩm, các dịch bệnh lưu hành tại địa phương. Đặc biệt là tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi… Chủ động công tác giám sát, triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, hạn chế xảy ra và lây lan trong cộng đồng; đảm bảo đầy đủ hóa chất, vật tư cho công tác phòng chống dịch. Triển khai các hoạt động phòng chống các dịch bệnh, phòng chống thiên tai bão lũ... Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và du khách đến Lâm Đồng. Tăng cường thực hiện công tác dân số năm 2024 nhằm đảm bảo mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm soát trước khi, tầm soát sơ sinh... Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lĩnh vực y tế.

Đảm bảo công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ người dân; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến; xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật, từng bước tăng tỷ lệ danh mục kỹ thuật đúng tuyến theo quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện phấn đấu đạt tỷ lệ các kỹ thuật đúng tuyến tối thiểu 80%; các đơn vị tuyến tỉnh tăng cường triển khai các kỹ thuật vượt tuyến nhằm bảo đảm dịch vụ sẵn có phục vụ người bệnh.

Đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu cho các đơn vị đến các vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai, thảm họa, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý phục vụ cho nhân dân. Tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế theo Quyết định 1300/QĐ-BYT của Bộ Y tế.