Nỗ lực ngăn chặn lây lan dịch tả lợn Châu Phi tại Lạc Dương

NGUYỄN NGHĨA – THỤY TRANG 11:35, 29/03/2024

(LĐ online) - Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch tả lợn Châu Phi tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo đưa ra các biện pháp xử lý và phòng dịch khẩn trương nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và tránh ô nhiễm môi trường.

24 CON HEO RỪNG LAI MẮC DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Vào ngày 22/3/2024, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã được phát hiện chính thức tại Công ty TNHH Vạn Trường Thành, nơi nuôi đàn heo rừng lai. Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương đã tổ chức kiểm tra để đánh giá tình hình dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng V đã xác định được sự hiện diện của vi rút tả lợn Châu Phi trên đàn heo này.

Công ty TNHH Vạn Trường Thành có 4 dãy chuồng nuôi với khoảng 450 con heo, gồm heo đen địa phương lai heo rừng. Trong số này, một dãy chuồng đã bị nhiễm bệnh. Các con heo đầu tiên bị dịch bệnh được phát hiện trong dãy chuồng nuôi đàn heo giống của công ty, với tổng số 206 con.

Hình minh hoạ.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng V đã tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày bằng thuốc FORDECID, rải vôi bột dọc hành lang và xung quanh trại, đồng thời tiêm thuốc điều trị cho những con heo bị bỏ ăn và có triệu chứng bệnh. Công nhân được phân công trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý trại và không được di chuyển đến các trại khác.

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành hoạt động tuyên truyền và vận động nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho công ty này. Đặc biệt, yêu cầu không di chuyển đàn heo ra khỏi khu vực trại. Cán bộ đã hướng dẫn trực tiếp về các biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng và tiêu huỷ các con heo bị bệnh của Công ty TNHH Vạn Trường Thành. Trung tâm Nông nghiệp đã cung cấp 12 lít thuốc tiêu độc khử trùng REBENCID 50 để phun xịt toàn bộ khu trại. 

Tính đến ngày 27/3, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp gửi UBND tỉnh, đã có 24 con heo bị nhiễm bệnh.

KHÔNG ĐỂ DỊCH BỆNH LÂY LAN 

Để ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ xâm nhiễm và lây lan, giảm thiểu thiệt hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường do dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm ổ dịch; khoanh vùng, cách ly, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; hướng dẫn, vận động người chăn nuôi khai báo với chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh và không vứt xác lợn chết ra môi trường và các biện pháp phòng chống dịch khác theo quy định của quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn (lợn nhà và lợn rừng) do vi rút gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm và lợn ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Biểu hiện đặc trưng là viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.

Virus gây dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh, virus sống được rất lâu ở môi trường bình thường, trong dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng,

Con đường truyền lây thông qua hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus, kể cả con người bằng cách này hay cách khác đã tiếp xúc với mầm bệnh sẽ mang và phát tán mầm bệnh. Hoặc từ sản phẩm lợn chế biến mang mầm bệnh, vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, …).

Thời gian ủ bệnh thường 5 - 10 ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột. Lợn sốt cao, sốt tới 41- 42 độ C, kéo dài liên tục trong 4 ngày liền. Trong thời gian lợn sốt cao, lợn vẫn ăn uống, đi lại bình thường như lợn hoàn toàn khỏe mạnh, nếu không để ý dễ nhầm lẫn. 

Ngày 28/3, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện huyện Lạc Dương cho biết, vẫn đang giám sát chặt chẽ tình hình, và tiếp tục triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh, và cảnh báo đến người dân để nâng cao cảnh giác, tổ chức phòng bệnh dịch trên đàn heo trong khu vực, trách lây lan diện rộng. 

 

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi trong vùng cách ly và giám sát chặt chẽ tình hình của đàn heo. Các biện pháp kiểm soát di chuyển và tiêu huỷ heo bị nhiễm bệnh cũng được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo UBND xã Đa Nhim cử cán bộ xã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo tại Công ty TNHH Vạn Trường Thành. Việc tuyên truyền, kiểm soát và xử lý các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy mà huyệnc ũng đã đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao tinh thần cảnh giác, không hoang mang trước những tin đồn sai lệch về dịch bệnh tại địa phương.

Trên cơ sở những biện pháp này, hy vọng rằng tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại Lạc Dương sẽ được kiểm soát và khống chế.