BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Từ tình yêu Ðà Lạt đến giải thưởng Euréka

TUẤN HƯƠNG 01:35, 14/02/2024

Bằng tất cả tình yêu dành cho thành phố ngàn hoa, hai sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã mày mò nghiên cứu và đưa quả ngọt của miền đất này thành sản phẩm trong đề tài nghiên cứu khoa học vừa đoạt giải thưởng Euréka lần thứ 25 năm 2023.

Đề tài “Giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt” của Kim Dung và Lan Chi vừa đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 25, năm 2023
Đề tài “Giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt” của Kim Dung và Lan Chi vừa đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 25, năm 2023

BẮT NGUỒN TỪ TÌNH YÊU ĐÀ LẠT

Trở về từ Vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 25 với giải Khuyến khích, cũng là giải thưởng Euréka đầu tiên của sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Dương Thị Kim Dung và Nguyễn Lan Chi - sinh viên năm 2, Khoa Công nghệ ứng dụng, ngành Công nghệ thực phẩm vẫn còn chưa hết bồi hồi cùng với niềm vui trên gương mặt. Kim Dung chia sẻ: “Thực sự chúng em rất bất ngờ khi đoạt giải, bởi đây là lần đầu tiên em và Lan Chi tham gia nghiên cứu khoa học. Khi được vào Vòng bán kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 25, chúng em đã rất vui bởi được tham gia sân chơi lớn cùng các anh chị sinh viên trên mọi miền Tổ quốc. Rồi từ 67 đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thực phẩm, đề tài của chúng em là 1 trong 11 đề tài lọt vào Vòng chung kết. Thật sự ở vòng này, khi chứng kiến các anh chị với những đề tài “khủng”, chúng em là những thí sinh nhỏ tuổi nhất rất ngưỡng mộ và không nghĩ đề tài của mình sẽ đoạt giải. Chúng em nghĩ rằng đây là những trải nghiệm và hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình đang học. Tuy vậy chúng em vẫn cố gắng thể hiện hết mình và đã đoạt giải Khuyến khích. Đây là niềm vui rất lớn, là động lực để em và Lan Chi tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình”. 

Với đề tài “Giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt”, Kim Dung và Lan Chi đã gói trọn tình cảm của mình với mong muốn đa dạng các sản phẩm từ loại quả đặc sản của xứ sở mộng mơ. 

Kim Dung đến từ thành phố biển Vũng Tàu, Lan Chi ở huyện Đức Trọng, cả hai vì yêu thích thành phố ngàn hoa mà chọn Trường Đại học Yersin Đà Lạt là nơi học tập. Cùng chung niềm yêu thích, hai bạn thường đi vòng vòng Đà Lạt để cảm nhận vẻ đẹp của nơi này. Và những vườn hồng chín vàng rộ lúc lỉu trái luôn là điểm dừng chân. 

Ít nói hơn nhưng khi kể về lý do chọn đề tài, Lan Chi cũng hào hứng không kém Kim Dung, em cho biết: “Khi đến tham quan những vườn hồng, thấy người ta chỉ thu hái những quả còn cứng để làm hồng sấy, hồng treo gió, còn những quả chín, họ nói không chế biến được nên bỏ đi và rụng quanh vườn, thối rữa làm ảnh hưởng môi trường. Bên cạnh đó, chúng em thấy một số chủ vườn chặt bỏ những cây hồng để thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Thật sự chúng em thấy tiếc lắm nên suy nghĩ làm sao để tận dụng những quả hồng chín mọng ngọt ngon này và đã mày mò nghiên cứu làm giấm hồng từ trái hồng chín. Chúng em mong rằng có thêm nhiều sản phẩm từ quả hồng Đà Lạt, người dân sẽ giữ được những vườn hồng, để Đà Lạt mãi đẹp với những điểm đến thu hút du khách vào mùa hồng chín”. 

Với đề tài “Giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt”, Kim Dung và Lan Chi đã gói trọn tình cảm của mình với mong muốn đa dạng các sản phẩm từ loại quả đặc sản của xứ sở mộng mơ. 

Quá trình lên men giấm hồng được Kim Dung và Lan Chi thực hiện tỉ mỉ
Quá trình lên men giấm hồng được Kim Dung và Lan Chi thực hiện tỉ mỉ

ĐA DẠNG SẢN PHẨM TỪ TRÁI HỒNG ĐÀ LẠT

Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy Thi Đình Nguyên - giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Kim Dung và Lan Chi bắt tay thực hiện đề tài. Những quả hồng chín mọng của vùng Cầu Đất được hai bạn nâng niu, sau khi thu hái về được rửa sạch, phơi ráo nước, tách bỏ hạt, nghiền nát và được bảo quản trong các bình để lên men rượu, sau đó lên men giấm. Quá trình lên men giấm được tiến hành tự nhiên, cho ra sản phẩm giấm hồng với độ pH thấp nên ngoài sử dụng trong chế biến thực phẩm có thể pha nước uống. Sản phẩm đã được Trung tâm Phân tích - Viện Nghiên cứu hạt nhân kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Theo thầy Thi Đình Nguyên, giảng viên hướng dẫn Kim Dung và Lan Chi thực hiện đề tài, từ một số kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy trái hồng có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng trực tiếp hoặc chế biến thành các sản phẩm khác. Hơn nữa, hồng là nguồn nguyên liệu của nhiều loại hợp chất có hoạt tính sinh học chống oxy hoá có lợi cho sức khỏe con người và ngăn ngừa các loại bệnh khác nhau. Do đó, giấm hồng cũng có nhiều lợi ích như hỗ trợ điều hòa lượng lipit trong máu, giảm stress… Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều dòng sản phẩm giấm ăn từ các loại nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là giấm gạo, giấm táo, giấm rượu, giấm trắng chưng cất được làm từ ngũ cốc lên men… chứ chưa có giấm hồng. Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có loại giấm này nhưng giá thành cao. Vì vậy, việc lên men giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt vừa tạo ra một loại giấm mới có lợi cho sức khỏe con người, giá thành phù hợp bởi hồng ở Đà Lạt rất nhiều. 

Sản phẩm giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt được lên men tự nhiên có lợi cho sức khỏe con người
Sản phẩm giấm hồng từ trái hồng Đà Lạt được lên men tự nhiên có lợi cho sức khỏe con người

Với diện tích khoảng 370 ha, năng suất hàng năm trên 12.000 tấn tươi, tuy nhiên, hồng Đà Lạt lại có giá thấp do cạnh tranh với hồng nhập từ Trung Quốc. Những năm gần đây, với sự phát triển của các công nghệ chế biến, dòng sản phẩm hồng sấy dẻo, hồng treo gió đã làm sống lại sản phẩm này và mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm mới như hồng treo gió hay hồng sấy dẻo chỉ sử dụng những trái hồng vừa hườm vàng, trái cứng, còn những trái chín mọng ít được dùng vì không bảo quản được lâu. Việc tận dụng những trái hồng chín không thể chế biến thành hồng sấy dẻo, hồng treo gió giúp đa dạng thêm các sản phẩm từ trái hồng, từ đó nâng cao giá trị của trái hồng Đà Lạt. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt cho hay, trong 3 năm vừa qua và định hướng trong thời gian tới, Trường Đại học Yersin Đà Lạt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong sinh viên. Nhiều hoạt động đã được nhà trường triển khai như: Tổ chức các cuộc thi “Yersin Talent - Đổi mới, sáng tạo”; “Yersin Talent - Đổi mới, sáng tạo giải quyết vấn đề thực tiễn”; tổ chức mentor hướng dẫn sinh viên; kết nối doanh nghiệp; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại cho các phòng thí nghiệm, thực hành… Những hoạt động này đã giúp sinh viên áp dụng được các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đồng thời, giúp sinh viên rèn luyện, phát triển các nhóm năng lực thiết yếu tạo tiền đề cho sự thành công trong tương lai. Đây cũng là định hướng chiến lược quan trọng phù hợp với sứ mệnh của Trường Đại học Yersin Đà Lạt là: “Đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân toàn cầu, có khả năng phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và trách nhiệm với xã hội”.