Tìm hiểu văn hóa tộc người Chu Ru ở Lâm Đồng

07:04, 11/04/2022
Trong 3 dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa có nguồn gốc lâu đời ở Lâm Đồng, tộc người Chu Ru có dân số ít nhất (khoảng 2% dân số toàn tỉnh). Song, trong cộng đồng người Chu Ru hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo cần được gìn giữ và phát huy.
 
Các nam thanh niên người Chu Ru ở Đơn Dương tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
Các nam thanh niên người Chu Ru ở Đơn Dương tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
 
Người Chu Ru sống chủ yếu một phần ở huyện Đức Trọng và tập trung đông nhất tại huyện Đơn Dương, tiếp giáp tỉnh với Ninh Thuận - địa phương có tỷ lệ người Chăm sinh sống khá đông và lâu đời.
 
Tập quán người Chu Ru quen sống tập trung trong các làng (plei), có tính bền vững cao. Một làng có nhiều dòng họ người Chu Ru hoặc cũng có làng hiện diện các dân tộc khác cùng sinh sống. Ví như làng (thôn) Diom A (xã Lạc Xuân) có hai dòng họ: Touneh và B’nahria; làng Diom B (xã Lạc Xuân) có 3 dòng họ: Đơlơng, K’bao B’nuh và Jơ Nơng Sang; làng B’kău (xã Tu Tra) có 3 dòng họ: Crugiang, B’nahria và M’hỏi. Hiện nay, trong cả 3 làng này đều có người K’Ho, người Ra Glai và người Kinh cùng cư trú. 
 
Điều thú vị là trang phục của người Chu Ru rất giống trang phục của người Chăm. Các cô gái Chu Ru với chiếc khăn màu trắng quấn từ trước ngực ra sau lưng, vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ màu óng ánh rủ xuống 2 ống tay. Dải hoa văn được dệt bằng chỉ đỏ, chạy dọc mép khăn làm cho chiếc áo nổi bật trên chiếc váy màu đen. Trang phục nam giới Chu Ru đơn giản hơn, người nam thường choàng tấm khăn chéo qua người, hoặc mặc áo dài màu đen, váy trắng, đầu quấn khăn trắng...
 
Tôi đã có nhiều lần đi về các vùng đồng bào DTTS trong tỉnh; gặp gỡ, trò chuyện với một số già làng. Điều đáng mừng là trước thực trạng văn hóa của các DTTS mai một, tộc người Chu Ru vẫn còn lưu giữ khá nhiều sản phẩm độc đáo, đó là các nghề truyền thống lâu đời như: Làm gốm, đúc nhẫn bạc; các vật dụng trong lao động, trong các lễ hội văn hóa cộng đồng như: Cồng chiêng, kèn (Rơke), trống, đồng la (Sar), R’tông, Kwao, Tenia... là những nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Chu Ru xưa. 
 
Tuy vậy, một thực tế đáng lo ngại; đó là một số nghề và nhiều giá trị văn hóa của người Chu Ru đang mai một dần. Ví như, tại xã Tu Tra từng có làng nghề đúc nhẫn bạc nổi tiếng, đem lại giàu có và là niềm tự hào của người Chu Ru. Thế nhưng, hiện, chỉ còn duy nhất một gia đình (một người) “leo lắt”, cố níu giữ nghề truyền thống quý giá bao đời của tổ tiên họ, đó là nghệ nhân Ya Tuất (xã Tu Tra). Ya Tuất trầm ngâm: “Mình làm để nhớ nghề thôi”... Tôi hiểu, đằng sau câu nói bỏ lửng ấy là cả niềm tâm huyết của người đàn ông Chu Ru muốn níu giữ hồn cốt tổ tiên - nét văn hóa hết sức độc đáo, thể hiện óc thẩm mĩ và khả năng nghệ thuật từ xa xưa của tộc người Chu Ru.
 
Trong di sản văn hóa Chu Ru hiện lưu giữ vốn ca dao, tục ngữ khá phong phú; nổi bật là những bài hát, dân ca, dân vũ... ca ngợi chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ trong xã hội. 
 
Trong các lễ hội mừng lúa mới, mừng được mùa, cúng các vị thần nông nghiệp, người Chu Ru thường biểu diễn cồng chiêng, tấu điệu Tamya, đây là vũ điệu mang tính cộng đồng rất cao. Lĩnh vực văn hóa dân gian của người Chu Ru không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn là nguồn tài liệu, dữ liệu lịch sử dân tộc học hết sức quý giá, rất cần được gìn giữ và phát huy trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
 
Trước tác động của cuộc sống hiện đại đã làm một số nghề truyền thống, các giá trị vật chất và tinh thần của tộc người Chu Ru đã có nhiều thay đổi; một số điệu dân ca, dân gian, chuyện kể mất dần. Số người còn thuộc và biết kể chuyện hiện nay không còn nhiều (đa số quá lớn tuổi, bệnh tật); trong khi đó, giới trẻ tỏ ra không mấy “mặn mà” với văn hóa truyền thống của tổ tiên... Đây là những nguy cơ dẫn đến mai một các giá trị văn hóa độc đáo, vốn quý của tộc người Chu Ru hiện tại và trong tương lai. 
 
Hơn 3 năm qua, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai Đề án “Làng văn hóa các DTTS huyện Đơn Dương” tại xã P’Ró. Đề án gồm nhiều hạng mục: Xây dựng các dãy nhà sàn; tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khôi phục các nghề truyền thống của người Chu Ru; sưu tầm, phục chế các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt văn hóa đã bị mai một... phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học. Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các DTTS bản địa ở Đơn Dương; mở ra hướng khai thác, phát triển loại hình du lịch mới - du lịch văn hóa, dựa trên việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa độc đáo của người DTTS bản địa. Đây là cơ hội quý để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Chu Ru đang có nguy cơ thất truyền...
 
THANH HỒNG