Nhà thơ Thanh Tùng: Người viết tình thơ cho mùa hè

08:06, 30/06/2016

Mùa hè, khi những vòm hoa phượng đỏ rực một màu thổn thức báo hiệu chia xa, không ít chàng trai, cô gái ngậm ngùi chép những câu thơ quặn lòng: "Anh không buồn mà chỉ tiếc/ Ta không đi hết những ngày đắm say…".

Mùa hè, khi những vòm hoa phượng đỏ rực một màu thổn thức báo hiệu chia xa, không ít chàng trai, cô gái ngậm ngùi chép những câu thơ quặn lòng: “Anh không buồn mà chỉ tiếc/ Ta không đi hết những ngày đắm say…”.
 
Tôi gặp Thanh Tùng trong một trại viết dành cho các bạn trẻ. Trong đám trẻ đầu xanh, đầu bạc Thanh Tùng vẫn cười nói hóm hỉnh, thi thoảng cao giọng đọc vài bài thơ. Đám trẻ yêu Thanh Tùng một phần vì không ai không thuộc lòng đứa con của nhà thơ - “Thời hoa đỏ”. Sau hơn 40 năm, Thời hoa đỏ vẫn được nhiều người coi là bài thơ hay nhất về mùa hè - mùa chia ly, dù không nhắc tới mùa hè trong bài thơ ấy. 
 
Nhà thơ Thanh Tùng
Nhà thơ Thanh Tùng

Bài thơ từ mẩu giấy xi măng nhàu nhĩ
 
Bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng thậm chí còn được nhiều người ca ngợi rằng đó là bài thơ tình hay nhất thế kỷ. Nhưng không nhiều người biết, bài thơ từng được ông viết trên một mẩu giấy xi măng nhàu nhĩ, vứt loanh quanh đâu đó, khi ông còn là một anh công nhân “chính hiệu”. Một người bạn là biên tập viên của báo VNQĐ ghé chơi thấy được liền xin về đăng báo. Dù biết trước những phiền toái đến với mình nhưng vì quá thích bài thơ, người biên tập vẫn quyết định chọn đăng. Chính bài thơ đó khiến anh bạn bị thôi việc, kiểm điểm nhiều lần. Lý lẽ của cấp trên đưa ra vì đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ cho tuổi trẻ ra trận thì bài thơ lại quá lãng mạn, quá ủ ê khi nói chuyện tình yêu đôi lứa không đến được với nhau. Trong thời điểm nhạy cảm, điều này còn được xem như… phạm pháp. 
 
Các tác phẩm chính của nhà thơ Thanh Tùng:
* Thời hoa đỏ 
* Con sông chảy từ lòng phố 
* Cửa sóng 
* Trường ca Phương Nam 
* “Gió và chân trời”, Nxb Hải Phòng, 1985 
* “Khúc hát quê xa”, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2004 
* “Cái ngày xưa ấy”, Nxb Đà Nẵng, 2004 
* “Thuyền đời”, Nxb Đà Nẵng, 2006.
Không dừng ở đó, bài thơ được in trong cuốn “99 bài thơ tình” của NXB Thanh Hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng lúc đó chỉ chuyên viết chèo, được đi học lớp nhạc ở Liên Xô, cầm tập thơ đi theo đọc. Thời tiết quá lạnh, thay đổi đột ngột khiến ông Bảng mắc bệnh phổi, ho ra máu phải ở nhà. Chính lúc này nhạc sĩ mới… rảnh để đọc thơ và có xúc cảm ngay lập tức, phổ nhạc cho bài Thời hoa đỏ. Và đến giờ, có lẽ khó mà liệt kê được con số bao nhiêu thế hệ các cô cậu học trò chép tay bài Thời hoa đỏ, bao nhiêu người mê đắm khúc ca lãng mạn như rút ruột gan lòng mình ấy.
 
Thanh Tùng nói, trời bắt tội làm thơ chứ bản thân ông đâu muốn. Ông đã chọn nghề công nhân, chọn vỉa hè bán sách… nhưng những mất mát sớm có từ tuổi thơ (ba mẹ bỏ nhau từ nhỏ) khiến ông có chút xúc cảm để viết thơ. Có người còn nói Thanh Tùng “ăn may” khi chỉ có bài Thời hoa đỏ nổi bật. Thực chất, nhiều bài thơ giàu cảm xúc khác của ông được mọi người biết đến thuộc lòng ngâm thơ trước khi được phổ nhạc như bài Thời hoa đỏ, Hà Nội ngày trở về, Trường ca Phương Nam... Ngoài Thời hoa đỏ (nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc) đã quá nổi, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em, Người về (nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc)... cũng từ thơ Thanh Tùng nhưng không nhiều người chú ý, có thể vì cái màu rực rỡ của Thời hoa đỏ đã bao trùm hết thảy chăng? 
 
Chỉ tiếc… ta không đi hết thời đắm say
 
Cô gái trong Thời hoa đỏ chính là người vợ đầu trong mối tình tan vỡ của ông. Cô là người đàn bà đã có 2 đời chồng và bị bệnh tim. Bác sỹ khuyên không nên lấy người bị bệnh tim, gia đình ngăn cản nhưng ông vẫn quyết tâm tiến tới. Ông đạp xe hàng chục cây số đi về chỉ để trò chuyện dăm câu với cô vào thời điểm chiến tranh bắn phá ác liệt toàn miền Bắc, có thể bị dội bom bất cứ lúc nào khi đang đạp xe trên đường. Ông gọi đó là sự liều mạng của tình yêu. Khi đã yêu rồi thì bỏ qua hết, không quan niệm là sống thật dài mới là hạnh phúc. Về sau lấy nhau, có con có cái rồi cô lại bỏ ông theo người khác. Mười năm sau khi chia tay, cô mất vì bệnh tim. Ông xúc động và đau xót viết Thời hoa đỏ đầy day dứt: “Anh không buồn mà chỉ tiếc/ Ta không đi hết thời đắm say”.
 
Tám mươi tuổi, mọi giông bão tình yêu tưởng đã dừng bên ngoài ngõ vắng nhà thơ Thanh Tùng ở. Ngày ngày ông vẫn bước ra khỏi ngõ vắng ấy, chỉ vài bước chân là ra trung tâm thành phố ồn ào sôi động nhất nước. Đó là khoảng không của chim bồ câu tha thẩn kiếm mồi, của những cánh hoa sao rơi trong chiều giông bão… Và trong con mắt thơ ông, những hình ảnh ấy đều gợi về tình yêu.
 
Võ Thu Hương