"Chế" lời Quốc ca: Hành vi vi phạm pháp luật

09:10, 29/10/2015

Từ bao lâu nay, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng. Thế nhưng mới đây, một doanh nghiệp lại "biến" Quốc ca thiêng liêng thành "đơn vị ca" khiến cho dư luận bức xúc. Việc thay đổi, sửa lời bài hát thành lời hát về đơn vị mình là hành động không thể chấp nhận.

Từ bao lâu nay, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng. Thế nhưng mới đây, một doanh nghiệp lại “biến” Quốc ca thiêng liêng thành “đơn vị ca” khiến cho dư luận bức xúc. Việc thay đổi, sửa lời bài hát thành lời hát về đơn vị mình là hành động không thể chấp nhận.
 
Hơn nữa, đơn vị này còn chủ động cho nhân viên hát nơi công cộng lại càng đáng phải phê phán. Nhiều ý kiến cho rằng việc làm này là thiếu văn hóa, phản cảm, vô ý thức, vi phạm pháp luật gây tổn thương đến lòng tự hào chung của dân tộc... 
 
Hát Quốc ca là niềm tự hào của mọi người dân
Hát Quốc ca là niềm tự hào của mọi người dân

Hát cho vui (?!)
 
Trước đó, hàng trăm nhân viên của hệ thống siêu thị bất động sản STDA (Cen Group) khu vực phía Nam đã dự Lễ kỉ niệm 13 năm thành lập tại Khu du lịch Bình Qưới 1. Điều đáng nói là trong lễ kỉ niệm, đích thân vị lãnh đạo của đơn vị này đã bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát chế nội dung bài Quốc ca một cách tùy tiện.
 
Trong đó có đoạn sửa rất phản cảm, biến lời bài hát nói về đơn vị mình… Ấy vậy mà vị lãnh đạo công ty này biện minh rằng “hát cho vui” (?!).
 
Dư luận bất bình bởi doanh nghiệp có thái độ ứng xử thiếu văn hóa đối với Quốc ca thiêng liêng của dân tộc. Chị Mai Hoa, Q1.TP.HCM bức xúc: “Quốc ca là giá trị thiêng liêng mà mỗi khi cất lên tiếng hát ai cũng cảm thấy tự hào, xúc động. Thật không thể chấp nhận bất cứ cá nhân, tổ chức nào lại dùng Quốc ca vào mục đích thương mại hay cá nhân. Đằng này một doanh nghiệp lại sửa lời, chế nội dung bài hát thành của đơn vị mình là hành động thiếu ý thức, cần phải xử lý để làm gương”.
 
Sẽ xử lý nghiêm hành vi “chế” lời Quốc ca
 
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh về vụ việc trên. “Đây là hành vi không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định với báo chí bên hành lang Quốc hội. Theo Bộ trưởng, Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca là “Tam bảo” của Quốc gia, đã được ghi rõ trong Hiến pháp, vì vậy, hành vi xúc phạm đến Quốc ca cũng sẽ phải bị xử lý như khi xúc phạm đến Quốc kỳ và Quốc huy. “Các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL đang phối hợp với TP.HCM để xử lý nghiêm vụ việc này” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết.
Cần phải xem đây như là một hành vi vi phạm mức độ hình sự
 
NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: “Chúng tôi đồng tình với quan điểm không được xâm phạm đến Quốc ca. Dù là với mục đích gì hoặc là những câu chữ trong đó không mang tính phản động, phản cảm thì cũng không được phép. Vì thế, tôi cho rằng, với hành vi vi phạm này, về mặt pháp luật cần phải xem như là một vi phạm mức độ hình sự. Bởi vì chế định về vấn đề Quốc ca đã được quy định trong Hiến pháp các nước. Đây là chế định đã được hiến định, tức là đã được quy định trong một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của đất nước, được bảo vệ ở một cấp độ rất cao, vì thế mà Quốc ca không thể bị xâm phạm vì bất cứ lý do gì. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có tiền lệ về xử phạt cho hành vi vi phạm này, nhưng cơ sở pháp lý để xử phạt thì đây là một nội dung đã được quy định trong Hiến pháp của VN và cũng là quy định trong Hiến pháp của rất nhiều nước. Quốc ca cũng giống như vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia. Chính vì thế pháp luật VN dần dần cần phải tiến tới việc bổ sung khung hình phạt đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng tương tự như trên…”.
 
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Đức Trung cho rằng: “Chúng ta luôn tôn trọng những sáng tạo của các nghệ sĩ, việc lấy một bài hát của nhạc sĩ chế thành lời mới là không nên, trừ khi tác giả đồng ý. Trước đây có doanh nghiệp đã từng lấy bài hát “Giải phóng quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chế lời cho nhân viên hát là sai và gây phản ứng dư luận. Càng tuyệt đối không được lấy Quốc ca linh thiêng nhất của dân tộc để sửa, chế lời. Điều này thể hiện là những người thiếu ý thức, không tôn trọng và không hiểu biết về Quốc ca dân tộc. Đã không tôn trọng giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc, của mỗi con người thì làm sao còn biết tôn trọng những thứ khác. Hành động này nói chính xác hơn là đã phạm pháp”.
 
Theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó GĐ Sở VHTT TP.HCM thì: “Quốc ca là một biểu trưng của dân tộc, không thể mang ra đùa cợt, mang ra trêu đùa cho vui được. Lạ là doanh nghiệp lại mang ra không gian cộng đồng, đích thân Tổng giám đốc lại là người bắt nhịp cho nhân viên hát chế thì càng khó chấp nhận.
 
Đó là sự giễu cợt, vi phạm vào việc quản lý văn hóa ở cộng đồng. Giả sử những vi phạm đó chưa đưa vào luật nhưng sự xuyên tạc này đã xúc phạm vào những điều linh thiêng nhất của nhân dân, Tổ quốc. Điều này chứng tỏ ý thức văn hóa, chính trị quá kém. Không thể bào chữa rằng là mình không sai, chỉ là đùa cho vui… Mang Quốc ca ra làm trò đùa vui là điều không chấp nhận được”.
 
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Theo ý kiến của tôi thì những biểu tượng quốc gia như Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là những vấn đề không được quyền thay đổi, xâm phạm, không được làm méo mó, xuyên tạc… Tất cả các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng và tuân thủ điều đó. Cần khẳng định rằng việc sửa lời Quốc ca là không được quyền chứ không phải là không nên làm… Trong giai đoạn khi mà chưa có luật, thì cái quan trọng nhất vẫn là nhắc nhở, còn bản thân mỗi công dân phải có ý thức, trách nhiệm. Không phải vấn đề gì chúng ta cũng phải có chế tài nhưng mà đây là vấn đề đã xảy ra, cho nên cần có những chế tài cụ thể”.  

Các thừa kế của cố nhạc sĩ Văn Cao có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bên vi phạm xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại (nếu có). Ngoài ra, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng (Điều 10 nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013). Căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo, hành vi của tập đoàn Cen Group được xem là một hình thức quảng cáo, tuy nhiên hình thức lẫn nội dung quảng cáo này bị cấm bởi Khoản 5 Điều 8 Luật Quảng cáo “Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. (Luật sư Lê Quang Vy)
 
Sự xuyên tạc này đã xúc phạm vào những điều linh thiêng nhất của nhân dân, Tổ quốc. Điều này chứng tỏ ý thức văn hóa, chính trị quá kém. Không thể bào chữa rằng là mình không sai, chỉ là đùa cho vui… Mang Quốc ca ra làm trò đùa vui là điều không chấp nhận được. (Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó GĐ Sở VHTT TP.HCM.
TS tổng hợp (theo baovanhoa.vn)