Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ Atisô

04:06, 30/06/2021

Nhằm đảm bảo đầu ra cho diện tích trồng Atisô, nông dân Phường 12 (Đà Lạt) đã cùng tập hợp để thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh Thuận Phát Artichoke...

Nhằm đảm bảo đầu ra cho diện tích trồng Atisô, nông dân Phường 12 (Đà Lạt) đã cùng tập hợp để thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh Thuận Phát Artichoke, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, bao tiêu và chế biến các sản phẩm từ cây Atisô giúp nâng cao thu nhập.
 
HTX Thuận Phát phát triển nhiều sản phẩm mới được thị trường đón nhận
HTX Thuận Phát phát triển nhiều sản phẩm mới được thị trường đón nhận
 
Thành phố Đà Lạt và vùng lân cận từ lâu được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp nổi tiếng, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như rau, hoa thì Atisô như là một trong những cây trồng đặc trưng riêng của địa phương. Thống kê hiện nay, tại Phường 12, thành phố Đà Lạt có khoảng 40 ha Atisô. Để đảm bảo đầu ra cho cây dược liệu này, HTX Sản xuất và kinh doanh Thuận Phát Artichoke (gọi tắt là HTX Thuận Phát) ngoài việc liên kết trồng, còn sản xuất, chế biến các dòng sản phẩm nguyên chất từ cây Atisô hết sức giá trị, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương xây dựng phát triển các vùng trồng Atisô nguyên liệu, gìn giữ giá trị và phát triển làng nghề trồng Atisô hàng đầu Đà Lạt. 
 
Nếu các công ty sản xuất các sản phẩm Atisô tại Đà Lạt thường chú trọng tới sản phẩm cao Atisô và trà Atisô thì HTX Thuận Phát chọn hướng đi mới cho mình, đó là sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Ông Ngô Nam Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thuận Phát cho hay: Là HTX đầu tiên của Đà Lạt chuyên sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây Atisô. Do sinh sau đẻ muộn, thị trường đã được chiếm lĩnh bởi nhiều sản phẩm có sẵn của nhiều doanh nghiệp nên chúng tôi chọn lối đi riêng, sản xuất sản phẩm mới để thị trường có thêm nhiều chọn lựa. Đó là, rượu ngâm Atisô lâu năm, bông khô, cọng khô, trà Atisô túi lọc nguyên chất, cọng Atisô, bông Atisô tươi sơ chế sạch sẽ, xếp vỉ, sẵn sàng cho khách hàng muốn chế biến mà không tốn công làm sạch nguyên liệu,... 
 
Ngoài ra, HTX vẫn có sản phẩm truyền thống là cao Atisô nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy, các doanh nghiệp khác dùng trong ngành dược hay đồ uống, thực phẩm chức năng và sản phẩm nguyên liệu sấy khô từ lá, thân, rễ Atisô cũng được HTX xuất bán cho các đối tác để tiếp tục các công đoạn chế biến khác. 
 
Chính từ đánh giá thị trường kỹ càng nên sản phẩm Atisô của HTX Thuận Phát đang dần được thị trường trong nước chấp nhận, đồng thời đang có hướng phát triển sang Malaysia vì thị trường này rất ưa chuộng thực phẩm trà Atisô túi lọc nguyên chất. Hiện, HTX đang chú ý cải tiến mẫu mã để việc vận chuyển và tiêu dùng ngày càng tiện lợi cho khách hàng. 
 
Để có được những sản phẩm đạt chuẩn, HTX Thuận Phát đã chọn lựa được giống Atisô nhập ngoại có chất lượng phù hợp, nhân rộng cho nông dân trồng. HTX liên kết với hàng chục nông hộ theo phương thức cung cấp giống, theo dõi, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Người nông dân có trách nhiệm chăm sóc theo đúng quy trình được yêu cầu. Từ mối liên kết chặt chẽ này, HTX đã có trên 15 ha chuyên trồng Atisô để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. 
 
Anh Ngô Trung (Tổ dân phố Hòn Bồ, phường 12) cho biết, hiện anh đang liên kết sản xuất 1,5 ha Atisô cho HTX Thuận Phát. Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, anh tuân thủ chặt chẽ theo quy trình VietGAP từ khâu xử lý đất, nguồn nước, lựa chọn nguồn giống có chất lượng để trồng. Sau khi trồng, diện tích Atisô cho thu hoạch với năng suất tăng từ 1,5 đến 2 lần so với phương thức trồng truyền thống trước đây, đồng thời chất lượng nguồn nguyên liệu Atisô hầu như được bảo đảm an toàn. Cách trồng này được đánh giá đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.
 
Ông Phong cho biết, thời gian tới HTX mở rộng thị trường, tăng cường sản xuất và sẽ liên kết với nhiều nông hộ hơn để đảm bảo vùng nguyên liệu Atisô bền vững. Để làm được điều này, HTX sẽ xây dựng tốt chuỗi liên kết với người nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm cho người nông dân, hướng đến xây dựng quy trình sản xuất Atisô sạch từ nhà vườn, nhà máy đến tay người tiêu dùng.
 
Ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12 cho biết, Atisô vốn là cây dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế cao ở Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các vùng trồng Atisô, việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các hộ trồng tự phát. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX và các hộ nông dân như mô hình HTX Thuận Phát đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia sản xuất, có thu nhập tốt, đồng thời HTX có nguồn nguyên liệu ổn định, sản xuất đúng quy trình để chế biến ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường. Để từ đó, người nông dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo tiền đề thúc đẩy thương hiệu Atisô của địa phương ngày càng phát triển.
 
HOÀNG YÊN