Đam Rông: Đảm bảo công tác phòng dịch luôn thông suốt

05:06, 11/06/2021

Đó là khẳng định của ông K' Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông khi nói về công tác chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn...

Đó là khẳng định của ông K’ Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông khi nói về công tác chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ngoài hệ thống phòng dịch luôn được kích hoạt ở chế độ cao nhất, những kịch bản ứng phó cũng được địa phương xây dựng để không bị động trong mọi tình huống.
 
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, sau các công văn hỏa tốc của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của huyện Đam Rông cũng đã kịp thời ban hành các văn bản tới các phòng, ban chuyên môn và địa phương để triển khai thực hiện công tác này phù hợp với tình hình thực tế.
 
Cụ thể, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Lâm Đồng, chốt kiểm soát dịch bệnh số 4 chính thức được kích hoạt trở lại. Từ 19 giờ ngày 29/5, lực lượng liên ngành 28 thành viên gồm: Công an, y tế, quân đội, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên và các lực lượng ở xã Đạ Rsal đã hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần tại chốt nhằm khẩn trương thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch. 
 
 Chốt kiểm dịch này nằm trên Quốc lộ 27 thuộc địa bàn xã Đạ R’sal được xem là lá chắn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở cửa ngõ phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng. Cán bộ làm việc tại chốt có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang và khai báo y tế trên các phương tiện giao thông từ Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và các phương tiện từ phía Bắc vào Lâm Đồng trên Quốc lộ 27. Sau 1 tuần triển khai, tại chốt kiểm soát này đã thực hiện việc đo thân nhiệt, khai báo y tế cho gần 6.500 trường hợp người và phun sát khuẩn cho hơn 3.100 phương tiện các loại lưu thông giữa hai tỉnh. 
 
Trong công tác phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, cùng với các cơ quan chuyên trách, cơ quan mặt trận đoàn thể huyện đã có nhiều hỗ trợ về sức người, sức của cho công tác phòng dịch. Ngoài hỗ trợ về vật chất tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch, luôn có sự góp mặt của hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên trực tiếp hướng dẫn người dân trong việc khai báo y tế. Đồng thời, các lực lượng này còn tham gia công tác hậu cần để hoạt động của đội công tác liên ngành được đảm bảo thông suốt 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần. 
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các xã cũng có nhiều biện pháp kịp thời trong công tác chống dịch. Ông Bùi Tiến Viết - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh chia sẻ: “Ngay sau khi chốt kiểm soát phòng chống dịch số 4 được kích hoạt thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, Liêng Srônh là địa phương đầu tiên của huyện đã thăm và ủng hộ 5 triệu đồng để hỗ trợ anh em làm nhiệm vụ trực tiếp tại chốt. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của xã đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát trong các khu vực có đông dân di cư tự do như tiểu khu 197, 198 (khu vực Tây Sơn), tiểu khu 175, 176 (căn cứ Đạ Mpô), tiểu khu 178, 179, tiểu khu 180, 181, 182, 183 để kiểm soát chặt chẽ lượng dân cư từ nơi khác vào địa bàn. Tuyệt đối không để người dân từ các địa phương khác, nhất là các vùng dịch di cư trái phép vào địa bàn mà không thực hiện các quy định y tế về phòng dịch”. 
 
Còn tại khu vực Đầm Ròn, nơi có trên 90% dân cư là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, thời điểm này, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh được đẩy lên với cường độ cao nhất. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã Đạ M’Rông, khẳng định: “Với việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và sự hỗ trợ kịp thời nước sát khuẩn, khẩu trang y tế...,  bà con đang dần có ý thức chủ động trong công tác phòng dịch. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền các cấp nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân”.
 
Ông K’Ngọc Hùng cho biết thêm, cán bộ, nhân viên ngành y tế huyện đang làm việc hết công suất để Đam Rông có thể an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay. Để nâng cao hệ thống phòng dịch, toàn huyện duy trì hoạt động 235 tổ COVID-19 cộng đồng với 481 thành viên thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở bà con đeo khẩu, rửa tay đúng cách bằng xà phòng, thực hiện dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng phần mềm khai báo y tế bằng điện thoại thông minh... 
 
Mặc dù Đam Rông không phải là địa bàn có nguy cơ cao so với các địa bàn khác trong tỉnh, tuy nhiên địa phương này vẫn chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của huyện đã tiến hành kiểm tra để xây dựng kế hoạch triển khai khu cách ly tập trung tại trường Dân tộc nội trú huyện Đam Rông (Thôn 1, xã Rô Men). Tại đây có 30 phòng, mỗi phòng rộng 20 m2, có khả năng tiếp nhận cách ly cho 130 trường hợp. Hiện một số điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu đã được kịp thời bổ sung, trang bị để sẵn sàng hoạt động cơ sở cách ly trong trường hơp cần thiết.
 
N.NGÀ - H.THẮM