Cảnh giác bị lừa khi mua hàng online

12:07, 08/07/2021

(LĐ online) - Vài năm trở lại đây, mua hàng online là thói quen của hầu hết người tiêu dùng và trở thành phương thức tối ưu hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Thế nhưng, lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng, ngày càng xuất hiện những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.

(LĐ online) - Vài năm trở lại đây, mua hàng online là thói quen của hầu hết người tiêu dùng và trở thành phương thức tối ưu hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Thế nhưng, lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng, ngày càng xuất hiện những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.
 
Chuyển tiền nhưng không nhận được hàng, đến khi phát hiện mình bị lừa thì không thể liên hệ với người bán là tình trạng mà không ít người dân gặp phải đi mua hàng online trên mạng xã hội với trang facebook có tên Hữu cơ Đà Lạt.
 
Sau khi nhận tiền của người mua, facebook Hữu cơ Đà Lạt đã xóa liên lạc
Sau khi nhận tiền của người mua, facebook Hữu cơ Đà Lạt đã xóa liên lạc
 
Nhiều khách hàng mắc bẫy
 
Chị Phạm Thúy Vân (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) phản ánh: Vì nhu cầu tìm nguồn rau củ sạch từ Lâm Đồng nên ngày 22/6, chị có tìm kiếm đến facebook và đặt hàng tại trang Hữu cơ Đà Lạt với tổng giá trị đơn hàng hơn 2 triệu đồng. Chị Thúy Vân đã chuyển đủ số tiền trên theo thông tin của người bán là tài khoản Cao Thị Mỹ Linh – Ngân hàng VCB chi nhánh Đà Lạt và được hẹn giao hàng vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, đợi mãi không nhận được hàng, chị Vân gọi lại vào số điện thoại của người bán thì không liên lạc được. Chị Vân vào lại facebook thì tài khoản cũng không còn tồn tại. 
 
Ấm ức vì bị lừa, mất tiền oan nên chị Vân lên mạng chia sẻ thông tin. Bất ngờ là chị Vân không phải là người đầu tiên bị trang facebook này lừa mà rất nhiều người cũng cùng chung cảnh ngộ. “Trước đó, tôi đã tìm hiểu rất kỹ các hoạt động của người này trong thời gian gần đây rồi mới tin tưởng đặt hàng. Chúng tôi xác định số tiền này mất cũng được nhưng không thể dung túng cho hành vi lừa đảo người tiêu dùng như thế này. Chúng tôi cũng đang tìm cách liên hệ cơ quan chức năng để tố cáo và đề nghị giải quyết để không ai gặp tình trạng như vậy nữa” - chị Vân chia sẻ.
 
Theo tìm hiểu thì từ cuối năm 2020 trên facebook đã có một nhóm công khai để cảnh báo hành vi lừa đảo của facebook này (đổi nhiều tên gọi khác nhau) với hơn 200 thành viên. Liên tục có những bài viết mới và các thành viên mới tham gia, đăng đàn tố cáo hành vi của trang facebook này. Theo đó, người ít thì vài trăm ngàn, nhiều thì lên tới hàng chục triệu đồng chuyển tiền nhưng không nhân được hàng.
 
 “Số tiền bị lừa tuy không nhiều nhưng mình cảm thấy vô cùng bực tức. Làm thế chẳng khác nào lừa đảo rồi. Khi biết nhiều người cũng bị như mình thì chỉ mong cơ quan chức năng có thể vào cuộc để tìm ra, để họ không đi lừa người một cách nhẫn tâm như thế nữa” - chị Phạm Thị Lành (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ. Chị Lành cũng tham gia vào các nhóm mua bán rau củ trên mạng, đặt hàng và chuyển tiền cho trang này và phát hiện mình bị lừa vào ngày 3/7.
 
Khi tìm hiểu vụ việc, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của chị Hồ Minh Trang (Phường 8, TP Đà Lạt) với nội dung liên quan. Cụ thể, chị Trang là người trồng rau ở Đà Lạt và Cao Thị Mỹ Linh (chủ facebook Hữu cơ Đà Lạt – PV) là khách hàng, lấy sỉ nguồn rau của chị Trang. Theo chị Trang, thời điểm ban đầu thì chị Cao Thị Mỹ Linh lấy hàng vào mỗi thứ 7 hàng tuần và thanh toán tiền ngay để tạo uy tín. Sau đó là chuyển tiền gối đầu từng chuyến và thường xuyên lấy lý do gia đình có việc rồi báo nợ. 
“Cứ liên tục như vậy cho đến khi mình gây sức ép thì Mỹ Linh mới trả tiền từng chút một. Nhận thấy vấn đề không ổn thì mình dò tìm địa chỉ, đến tận nhà thì Mỹ Linh nhiều lần tránh mặt, không chịu gặp và hứa sẽ trả sau. Vài lần sau thì Mỹ Linh đã chuyển nhà, giờ không cách nào tìm được. Thấy trên mạng có người bị lừa thì mình cũng muốn lên tiếng để mọi người nâng cao cảnh giác tránh bị mất tiền oan như vậy nữa” - chị Minh Trang cho biết thêm. 
 
Nhóm cảnh báo trên facebook do những người bị hại lập nên
Nhóm cảnh báo trên facebook do những người bị hại lập nên
 
Cảnh giác bị “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
 
Theo ông Nguyễn Thành Trì – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng thì nếu đúng như sự việc đã nêu ở trên, hành vi của người bán trong trường hợp này có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015. 
 
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trì phân tích trong trường hợp này, hành vi của người bán là lừa dối và chiếm đoạt. Người bán đã cố tình lừa dối bằng cách tạo lập tài khoản facebook, đăng thông tin để tạo lòng tin cho khách hàng và rồi sau khi nhận được tiền liền cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt. 
 
Đây chính là dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo tổng số tiền bị chiếm đoạt mà theo Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 cũng đã có những quy định rõ ràng với 5 khung hình phạt khác nhau. Vì thế, trong trường hợp này, khách hàng có thể cùng nhau tổng hợp số tiền thiệt hại kèm theo các chứng cứ, hóa đơn chuyển tiền để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp để làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.
 
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công an thành phố Đà Lạt thì được biết, thời gian qua đơn vị chưa nhận được đơn thư tố cáo cũng như phản ánh của người dân về những sự việc như kể trên. Vì thế, nếu có sự việc như đã nêu thì khách hàng nên trực tiếp liên hệ với Công an thành phố Đà lạt để được hướng dẫn cụ thể. Đây là những hành vi liên quan đến tội phạm công nghệ cao trên mạng internet. Vì vậy, khi có những chứng cứ do người dân cung cấp thì mới có thể xác định và giải quyết theo đúng quy định.
 
Trước đó, Sở Công thương Lâm Đồng cũng có những khuyến cáo với người dân để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả trên mạng, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... 
 
Trên thực tế hơn ai hết, mỗi người dân cũng phải tự mình nâng cao cảnh giác, thận trọng khi mua bán, giao dịch trên mạng internet. Khi thế giới tưởng chừng như được “thu nhỏ trong lòng bàn tay” thì cũng là lúc bất kể mọi trường hợp có thể xảy ra, không loại trừ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức.
 
HỒNG THẮM