Siết chặt quản lý thông tin về dịch bệnh Covid-19

08:07, 07/07/2021

(LĐ online) - Với mục tiêu vừa bảo đảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm về quyền được giữ bí mật thông tin của người bệnh theo quy định của pháp luật, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm...

(LĐ online) - Với mục tiêu vừa bảo đảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm về quyền được giữ bí mật thông tin của người bệnh theo quy định của pháp luật, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đây được xem là động thái mạnh mẽ và quyết liệt của tỉnh trước những thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, đặc biệt trên các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay.
 
Xử lý trường hợp vi phạm vì đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 ngày 6/7/2021
Xử lý trường hợp vi phạm vì đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 ngày 6/7/2021
 
Bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19
 
Ông Huỳnh Minh Hải - Quyền Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Qua công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ thường trực theo dõi, rà soát, phát hiện, xử lý thông tin vi phạm trên môi trường mạng của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy hiện nay trên mạng xã hội vẫn còn tình trạng đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh chụp các văn bản về tình hình dịch bệnh Covid- 19 trên địa bàn tỉnh, như: Báo cáo kết quả điều tra dịch tễ, báo cáo nhanh các trường hợp tiếp xúc, nghi nhiễm, báo cáo giám sát các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, danh sách các ca tiếp xúc gần, quyết định áp dụng biện pháp cách ly… của các cơ quan, đơn vị, địa phương có chứa đựng danh tính (họ tên, địa chỉ cụ thể, số điện thoại) của các cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19 khiến cho dư luận bám theo bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân và gia đình họ. 
 
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ việc “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin về cá nhân mà mình đã đăng tải, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật.
 
Bên cạnh đó, trong trường hợp người nào có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân và loan truyền những thông tin sai sự thật đối với những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc những người liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 nhằm mục đích xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất từ 3 - 7 năm tù.

Việc để lộ, lọt danh tính của cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19 là hành vi vi phạm quy định tại Điều 8 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 năm 2009 (quyền được tôn trọng bí mật tiêng tư) và vi phạm điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác). 

 
Theo quy định của pháp luật, người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc người liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 (F1, F2, F3…) đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin được quyền cung cấp tất cả thông tin này lên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông khi chưa được phép.
 
Từ thực tế nêu trên, để thực hiện tốt việc bảo mật thông tin trong công tác soạn thảo, gửi - nhận và xử lý văn bản về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện:  Tăng cường tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, đơn vị, địa phương (đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác soạn thảo, gửi - nhận và xử lý văn bản về tình hình dịch bệnh Covid-19) nắm rõ và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19; không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào danh tính của các cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Trường hợp nhận được thông tin, hình ảnh cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng không thuộc phạm vi chức năng phụ trách, xử lý, cán bộ, công chức, viên chức phải kịp thời báo cáo đến cấp lãnh đạo, tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội (zalo, facebook,...). 
 
Bên cạnh đó, thực hiện cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 cho cơ quan báo chí hoặc trên các phương tiện truyền thông theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 4191/BYT-TT-KT ngày 21/5/2021; nếu có khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị, địa phương, cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. 
 
Sở Thông tin và Truyền thông cũng tiến hành tăng cường các biện pháp bảo mật (cài đặt mật khẩu, phần mềm chống virus...) cho hệ thống máy tính và thiết bị phục vụ công tác soạn thảo, xử lý văn bản liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm phòng ngừa các trường hợp xâm nhập trái phép để lấy cắp thông tin, dữ liệu; sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (E-Office) hoặc thư điện tử công vụ để gửi - nhận và xử lý văn bản về tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong trường hợp gửi - nhận thông tin, văn bản về tình hình dịch bệnh Covid-19 bằng các hình thức khác thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ thông tin cũng như quá trình trao đổi nhằm tránh tình trạng lộ, lọt, phát tán thông tin ra bên ngoài.
 
Trường hợp phát hiện các vi phạm về bảo mật danh tính cá nhân liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cần kịp thời thông báo đến Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp, xử lý nhằm ngăn chặn sự phát tán, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của tỉnh cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến cộng động và cá nhân có liên quan. 
 
“Mạnh tay” xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng
 
Bà Nguyễn Thúy Hằng – Chánh Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông cho hay: Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện và xử lý kịp thời 250 trường hợp đăng tải thông tin vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, cảnh cáo 234 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp, chuyển Công an tỉnh xử lý 2 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực này là hơn 147 triệu đồng.
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuất hiện tình trạng chia sẻ, đăng tải các thông tin nội bộ, văn bản của cơ quan chức năng liên quan đến danh sách bệnh nhân F0, báo cáo nhanh kết quả bệnh nhân nhiễm Covid-19, lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân… lên mạng internet. Các thông tin chia sẻ có đầy đủ thông tin cá nhân của bệnh nhân phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng chức năng. Việc những văn bản trên bị lan truyền trên môi trường mạng xã hội khiến cộng đồng bình luận, bàn tán, kỳ thị, suy diễn, ảnh hưởng quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của người bệnh.
 
Nhằm chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, việc quan trọng hiện nay là bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không phát ngôn, đăng tải, bình luận, chia sẻ, cổ súy những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về dịch Covid-19, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về tình hình dịch bệnh. 
 
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường lực lượng nắm tình hình trên không gian mạng, đặc biệt là xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và hành vi thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin, không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và công tác phòng, chống dịch.
 
DIỄM THƯƠNG