Trả lời cử tri về các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong đại dịch

07:06, 18/06/2021

Trả lời cử tri về các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong đại dịch

Cử tri TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ có giải pháp hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp bị thua lỗ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, không bán được sản phẩm hoặc giá bán rất thấp, góp phần giúp cho người sản xuất vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
 
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri TP. Cần Thơ như sau:
 
Từ đầu năm 2020 và năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới. Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp và triển khai kịp thời, cụ thể như sau:
 
Về thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển chế biến ngành rau củ quả nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa các mặt hàng rau quả phục vụ tiêu dùng đồng thời giảm áp lực đối với việc tiêu thụ rau quả tươi (Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021); tiếp tục triển khai các hoạt động tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản: Số 2295/BNN-CBTTNS ngày 31/3/2020 báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất đồng thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho các mặt hàng nông sản; số 1593/BNN-KH ngày 19/3/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó có kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ người sản xuất, cụ thể:
 
Bộ Công Thương: Chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh tới người sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp;
 
Bộ Tài chính: Triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng về hải quan, kiểm dịch xem xét kéo dài thời gian làm việc trong ngày, tổ chức làm ngoài giờ, để hỗ trợ thực hiện cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu container, lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng, cửa khẩu; nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa; nghiên cứu chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách/phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh COVID-19;
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
 
UBND các tỉnh, thành phố: Chủ động chỉ đạo các đơn vị ban ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch về sản xuất, mùa vụ, theo dõi nắm bắt diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để kịp thời xây dựng và đề xuất các phương án ứng phó; có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi.
 
Hiệp hội ngành hàng: Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng (Central Group, AEON, Vincommerce, Lotte,...) thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
 
(Theo Chinhphu.vn)