Bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn “nóng bỏng”

02:11, 26/11/2012

(LĐ online) - Trong năm 2012, công tác quản lý và bảo vệ rừng (QL &BVR) của Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả khả quan...

(LĐ online) - Trong năm 2012, công tác quản lý và bảo vệ rừng (QL &BVR) của Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả khả quan. Theo UBND tỉnh: các địa phương giao khoán QLBVR với diện tích 377.718 ha cho 19.111 hộ dân, trong đó có gần 16.400 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); trồng 248.720 cây phân tán, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng phân tán 152 ha (268.100 cây), đạt 72% kế hoạch. Ngoài ra, tiến hành trồng rừng tập trung 2.916 ha từ các nguồn vốn và chương trình, cho 345 doanh nghiệp thuê rừng và đất rừng với diện tích 61.866 ha; chi trả hoạt động dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán số tiền 47 tỷ. Hiện tỷ lệ che phủ rừng ở Lâm Đồng đạt 60,4%. Năm nay, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR), bảo vệ rừng được ghi nhận là các ngành chức năng, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ tuy nhiên vẫn còn những cam go, những con số “nóng bỏng”. Đó là: Từ đầu mùa khô 2011 – 2012 trên địa bàn xảy ra 31 vụ cháy rừng, diện tích 65,22 ha; trong đó cháy rừng 12 vụ, diện tích gần 28 ha. Toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 1.753 vụ vi phạm lâm luật (giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước); tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.620 vụ (đạt 92,4%), thu nộp ngân sách 12,6 tỷ đồng; tịch thu gần 2.900 m3 gỗ tròn các loại; 583 phương tiện các loại, 1.612 cá thể động vật hoang dã.

vẫn còn những cánh rừng bị triệt ha lấy đất sản xuất
Vẫn còn những cánh rừng bị triệt hạ lấy đất sản xuất


Thực tế một số địa phương, chúng tôi thấy tình hình bảo vệ tài nguyên rừng tuy gặp nhiều khó khăn, có trường hợp lực bất tòng tâm vì những yếu tố khách quan, chủ quan song các huyện đã có nhiều biện pháp tích cực để hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật.

Ở huyện Bảo Lâm, vào mùa khô, ngành kiểm lâm phối hợp với các đơn vị ở tỉnh tổ chức diễn tập phương án PCCCR trên một số địa bàn trọng điểm; đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra việc thực hiện phương án PCCR tại các đơn vị chủ rừng. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng gây thiệt hại 2,2 ha rừng keo lai. Công tác theo dõi, kiểm tra việc giao rừng, cho thuê rừng được quan tâm. Trên địa bàn huyện, ngoài diện tích rừng được nhà nước giao cho 2 công ty lâm nghiệp và BQLR phòng hộ Đam’ Bri quản lý bảo vệ, còn có 55 doanh nghiệp, cá nhân được nhà nước giao và cho thuê đất, rừng để QLBVR và SXKD với tổng diện tích gần 17.340 ha. Qua kiểm tra công tác BVR của các doanh nghiệp đã cho thấy bên cạnh một số đơn vị tổ chức tốt công tác bảo vệ rừng theo dự án không để xảy ra mất rừng vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện đúng dự án cam kết, chưa triển khai trồng rừng, công tác BVR còn yếu kém, để xảy ra phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên lâm phần được giao. Do vậy, kiến nghị và UBND tỉnh đã có chủ trương thu hồi dự án đầu tư của Công ty ĐTXDDV TM Toàn Hưng, Công ty TNHH Kim Hưng, Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Là một trong những địa bàn “nóng” về vi phạm lâm luật tuy có sự nỗ lực của các ngành, các cấp nhưng 9 tháng vẫn xảy ra 185 vụ vi phạm pháp luật về QLBVR (giảm 62 vụ so với cùng kỳ năm 2011). Đặc biệt có 3 vụ việc chống người thi hành công vụ, 1 vụ khai thác vượt diện tích được cấp phép với khối lượng 107 m3 gỗ tại xã Lộc Bảo… hiện cơ quan điều tra đang xử lý. Đối với ĐBDTTS thiếu đất sản xuất, Bảo Lâm đã tổ chức giao đất sản xuất nông nghiệp cho 51 hộ với diện tích gần 19,6 ha, bàn giao rừng Giàng, rừng mồ mả nằm trong diện tích rừng, đất rừng của các doanh nghiệp cho Ban QLR phòng hộ Đam’Bri quản lý với diện tích 16,63 ha. Huyện cũng giải quyết các yêu cầu chính đáng của các hộ đồng bào DTTS tại thôn Đạ Tồn (xã Lộc Tân). Do vậy, hiện nay, đồng bào DTTS không phát rừng, làm rẫy trái phép. Tại xã Lộc Bảo, tỉnh đồng ý chủ trương giao 679 ha rừng tại tiểu khu 375 Lộc Bảo cho cộng đồng thôn 2, thôn 3 quản lý bảo vệ, hưởng lợi từ rừng… Bảo Lâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác trồng cây, trồng rừng phân tán được 61.660 cây xanh các loại, tổ chức giải toả trên 106 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép và tổ chức trồng lại 75,5 ha rừng.

 Đối với huyện Đạ Tẻh, UBND huyện tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án trồng 200 ha cao su tập trung để thực hiện chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên tại các xã Mỹ Đức, Quốc Oai. Trong khi chờ UBND tỉnh phê duyệt, huyện chỉ đạo triển khai trồng giai đoạn 1 năm 2012 tại buôn Con Ó (Mỹ Đức) 61,44 ha cao su/76 hộ. Trong năm, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản 145 vụ vi phạm luật BV & PTR (giảm 22 vụ so với cùng kỳ), xử lý 117 vụ; đồng thời tiếp tục duy trì các chốt trực QLBVR ở Tôn K’Long (Đạ Pal), xã Quốc Oai để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm QLBVR…

thủ đọan ken thông (đổ hóa chất vào thân cây) để lấn chiếm đất rừng
Thủ đoạn ken thông (đổ hóa chất vào thân cây) để lấn chiếm đất rừng


Ở huyện Cát Tiên, công tác BVR, PCCR được triển khai chỉ đạo tập trung gắn với giao khoán và BVR nên từng bước ngăn chặn và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm luật BV&PTR . Huyện tích cực khảo sát, xử lý tình hình sang nhượng đất trái phép trong vùng ĐBDTTS tại chỗ. Mặt khác đã triển khai kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán trong năm, chuyển đổi 19 ha rừng nghèo kiệt sang trồng cây nguyên liệu.

Là địa bàn cũng không kém phần “nóng bỏng” về tình trạng lâm tặc lộng hành, huyện Đạ Huoai đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp lấn chiếm và tái lấn chiếm đất rừng. Trong năm, huyện tiến hành giải toả thu hồi 138,84 ha đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trả lại cho các chủ rừng. Qua đó, hạn chế tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng; từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác chống lấn chiếm đất rừng. Công tác QLBVR, phòng cháy, chữa cháy được quan tâm chỉ đạo, các đơn vị chủ rừng chủ động lập phương án và có sự phối hợp trong PCCCR nên trong năm chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại 0,6 ha rừng sản xuất (giảm 0,9 ha so với năm 2011). Huyện tiến hành giao khoán QLBV gần 19.800 ha cho 677 hộ và 2 tổ chức. Diện tích trồng rừng tập trung của các doanh nghiệp, cá nhân đạt 446 ha; tổ chức tốt công tác trồng, chăm sóc gần 1.220 cây phân tán dọc theo các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã, trong cơ quan … Tuy có nhiều giải pháp song tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. 10 tháng đầu năm, toàn huyện xảy ra 126 vụ vi phạm (tăng 71 vụ so với năm trước); trong đó phá rừng trái pháp luật 49 vụ, khai thác rừng trái phép 13 vụ, vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng 25 vụ; vận chuyển lâm sản trái phép 22 vụ, vi phạm các quy định về khai thác gỗ 3 vụ và 14 vụ vi phạm khác.  

Tuy có nhiều cố gắng nhưng công tác bảo vệ rừng trong tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế như tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản vẫn còn diễn biến phức tạp, chậm phát hiện và xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết. Khắc phục những yếu kém của năm 2012, thời gian tới Lâm Đồng sẽ đầu tư thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện chi trả dịch vụ môi trường góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng xâm hại đến rừng; xử lý kịp thời và nghiêm minh các trường hợp vi phạm tài nguyên rừng.

Bình Nguyên