Nghiên cứu, chuyển giao nhiều đề tài khoa học

09:06, 02/06/2016

Riêng trong năm 2015, Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng đã nghiên cứu 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh, 6 đề tài cấp viện (của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc) và 7 chương trình, dự án.  

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp (NCTNNLN) Lâm Đồng (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên): Trong thời gian qua, bình quân mỗi năm, Trung tâm triển khai 15 nhiệm vụ (bao gồm các đề tài nghiên cứu và chương trình, dự án) và chuyển giao công nghệ về dâu tằm tơ, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa và nghiên cứu côn trùng. Trong đó, Trung tâm đã chú trọng đến việc nghiên cứu, bình tuyển, chọn lựa và chuyển giao những giống dâu, tằm, chè, cà phê, bơ… tốt nhất để phục vụ cho việc phát triển kinh tế thế mạnh của Lâm Đồng. 
 
Những sản phẩm nghiên cứu thành công của Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng
Những sản phẩm nghiên cứu thành công của Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng
Riêng trong năm 2015, Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng đã nghiên cứu 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh, 6 đề tài cấp viện (của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc) và 7 chương trình, dự án.  
 
Với Đề tài cấp bộ “Nghiên cứu chọn tạo giống dâu, tằm thích hợp cho vùng Tây Nguyên” (đã được nghiệm thu cấp cơ sở), Trung tâm đã chọn lọc được 2 tổ hợp dâu lai có triển vọng (là TN-6 và TN-9) và lai tạo chọn lọc được 6 tổ hợp lai có những cá thể có triển vọng; chọn tạo 2 giống dâu TBL-03 và TBL-05 (đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử) năng suất cao và ổn định (25 - 26 tấn lá/ha), có khả năng chống chịu được sâu bệnh, chất lượng lá tương đương giống dâu VA-201. Trung tâm đã xây dựng quy trình thâm canh và triển khai trồng được 6 mô hình giống dâu mới TBL-03 và TBL-05, với tổng diện tích là 3,8ha tại huyện Đạ Tẻh và huyện Đak Glong (Tỉnh Đak Nông). 
 
Cũng với Đề tài nói trên, Trung tâm đã nuôi giữ và thuần hóa 8 giống tằm được chọn tạo từ giai đoạn 2006 - 2010; lai tạo và thuần dòng đến thế hệ F7 được 10 tổ hợp (dòng) đạt được các tiêu chí đề ra, gồm 6 dòng kén bầu và 4 dòng kén eo. Các dòng này đạt chất lượng tơ kén cao, chiều dài tơ đơn 838 - 1.048 mét. Trung tâm cũng đã hoàn tất việc chọn lọc được 3 giống tằm BL1, BL2, BL6 và lai tạo được cặp lai LĐ09. Trung tâm đã hoàn thành các thủ tục để xin công nhận giống sản xuất thử các giống tằm BL1, BL2, LĐ09.
 
Với Đề tài cấp bộ “Nghiên cứu phát triển chè đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Tây Nguyên”, đã qua 4 năm triển khai, Trung tâm tiếp tục thực hiện 6 nội dung nghiên cứu về phân bón, bảo vệ thực vật, tưới nước để chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả, sau khi nghiên cứu, thực nghiệm, Trung tâm đã xác định được 2 loại phân hữu cơ sinh học (tăng năng suất chè 10 - 15%); 2 loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao; đồng thời, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm (giảm 15 - 20% lượng nước so với tưới phun mưa), chất lượng chè đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ xây dựng 2 mô hình (mỗi mô hình 10ha) tại Công ty CP Chè Minh Rồng (Bảo Lâm) và Công ty Chè Biển Hồ (Gia Lai). 
 
Với Đề tài cấp tỉnh “Thử nghiệm trồng cây Thiên ngân che bóng vườn cà phê tại thành phố Bảo Lộc”, Trung tâm đã triển khai từ năm 2013 tại xã ĐamBri, xã Đại Lào và phường Lộc Phát. Kết quả là sau 26 tháng trồng, cây Thiên ngân trồng xen cà phê có chiều cao trung bình là 9,17 mét, đường kính tán cây trung bình 3,43 mét, năng suất cà phê đạt từ 3,4 đến 3,7 tấn nhân/ha.
 
Với các đề tài cấp viện, Trung tâm đã nghiên cứu, khảo nghiệm thành công các công thức bón phân cho cây cà phê chè đạt năng suất cao và hạn chế rụng quả; các giống cà phê chè TN cho năng suất cao hơn giống cà phê Catimor; kỹ thuật tạo hình đơn thân và đa thân cho các dòng cà phê; các giống chè mới cho năng suất cao, chất lượng tốt; các giống bơ chính vụ và trái vụ… 
 
Với các dự án “Phát triển hệ thống nhân giống tằm, giống dâu giai đoạn 2011 - 2015”, “Phát triển cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2013 - 2015”, “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà” và “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên”…, Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng đã xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ, sản xuất hom dâu giống và tổ chức nhân rộng sản xuất chuyển giao cho người dân.
 
Đối với sản xuất dâu tằm, từ năm 2011, Trung tâm NCTNNLN Lâm Đồng đã triển khai các mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho nông dân các huyện, thành để phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sau khi chọn tạo các giống dâu lai năng suất cao S7 - CB và VA - 201, Trung tâm đã chuyển giao cho nông dân để thay thế dần các giống dâu cũ. Các giống dâu S7 - CB và VA - 201 cao hơn gấp 2 - 2,5 lần so các giống dâu cũ.
 
Riêng tại huyện Lâm Hà, Trung tâm cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm”. Tại đây, Trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật canh tác dâu giống mới S7 - CB và VA - 201 cho 200 hộ nông dân ở 3 xã Đông Thanh, Liên Hà và Hoài Đức; kỹ thuật nuôi tằm con tập trung (với 6.000 hộp trứng tằm); kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà… Nhờ vậy, năng suất kén tăng từ 43 kg lên gần 50kg/ 1 hộp; nuôi 1 hộp tằm, tiết kiệm được 30 - 50kg lá dâu; lợi nhuận tăng hơn 25%. Theo Đề án phát triển ngành dâu tằm, đến năm 2020, huyện Lâm Hà sẽ tăng diện tích dâu lên 3.000ha.
 
XUÂN LONG