Đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân

08:05, 04/05/2016

Để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Viện đã tích cực phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các trường đại học tăng cường công tác đào tạo.

Để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ phát điện vào năm 2027, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt lâu nay đã tích cực phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các trường đại học trong nước tăng cường công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên cho dự án này.
 
Hướng dẫn thực hành tại Lò Phản ứng Hạt nhân Đà Lạt
Hướng dẫn thực hành tại Lò Phản ứng Hạt nhân Đà Lạt

Là địa điểm có lò phản ứng hạt nhân duy nhất hiện nay tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã tích cực tham gia vào công tác đào tạo nhân lực cho 2 nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam - một dự án trọng điểm của quốc gia, được xây dựng tại Ninh Thuận.
 
Khởi động từ năm 2011, dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy:
 
Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận 1 được đặt tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận với diện tích 443ha trên đất liền, thêm 440ha trên biển. Nhà máy nằm trên độ cao 12m so với mặt biển; bao gồm 2 tổ máy trong giai đoạn 2 sẽ nâng lên thành 4 tổ máy, mỗi tổ có công suất 1200MW; công nghệ VVER 1200 hiện đại do Nga xây dựng, dự kiến khởi công trong năm 2018, đến 2027 tổ máy đầu tiên phát điện. 
 
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 nằm tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận, có tổng diện tích 380ha trên bờ, 377ha trên biển; giai đoạn 1 cũng có 2 tổ máy, giai đoạn 2 thêm 2 tổ máy nữa, mỗi tổ máy công suất 1.200 MW, do Nhật xây dựng.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tuyển dụng và cử sang Nga 241 sinh viên Việt Nam theo học các ngành về điện hạt nhân, được EVN hỗ trợ học bổng, trong đó đã có 23 sinh viên tốt nghiệp về nước làm việc tại Ninh Thuận. Ngoài ra, EVN còn hợp tác với Nhật Bản để đào tạo 60 kỹ sư làm việc tại Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận 2, hiện đã có 15 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Tokai, Nhật về nước làm việc tại Ninh Thuận và 9 người đang còn học tại Nhật.
Với công suất xây dựng ban đầu 250 kW, lò hạt nhân dùng cho nghiên cứu TRIGA Mark II của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được Mỹ xây dựng từ năm 1960, đến năm 1963 đạt trạng thái tới hạn lần đầu và cho đến nay vẫn đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, trong những năm tồn tại, lò đã có một thời gian khá dài phải ngừng vận hành. Từ 1968 đến 1974, do chiến tranh, lò ngừng hoạt động; từ 1974 - 1975, nhiên liệu của lò phản ứng được lấy ra khỏi vùng hoạt và trả về Mỹ. Phải đến năm 1982, lò mới được khôi phục trở lại. Với sự trợ giúp của Liên Xô lúc đó, nay là Nga, lò được nâng lên công suất 500 kW với các bó nhiên liệu đến từ quốc gia này và đây được coi là một lò “lai” với lớp vỏ của Mỹ nhưng ruột của Nga. Đây là lò bể bơi, được làm nguội và làm chậm bằng nước thường, từ năm 2007- 2011 vận hành với vùng hoạt hỗn hợp từ các bó nhiên liệu Urani độ giàu cao (HEU) và Urani độ giàu thấp (LEU), sau đó các bó HEU được chuyển trả về Nga và hiện nay toàn bộ vùng hoạt dùng hoàn toàn nhiên liệu LEU.
 
Viện hiện có đội ngũ nhân lực hùng hậu gần 200 cán bộ công nhân viên cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Theo ông Lương Bá Viên, Phó Giám đốc Viện, bên cạnh việc quản lý, vận hành và khai thác lò phản ứng; tiến hành ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển khoa học và kinh tế - xã hội đất nước; đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân cho Viện, hỗ trợ kỹ thuật về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ khác trong nước; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo; một nhiệm vụ quan trọng mà Viện lâu nay đang thực hiện là việc tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, trước mắt là dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân với một lò phản ứng hạt nhân mới có công suất lớn hơn lò Đà Lạt và 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. 
 
Viện đã thành lập Trung tâm đào tạo với nhiệm vụ tổ chức các khóa huấn luyện về công nghệ lò phản ứng, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ, ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, môi trường và điện hạt nhân. Viện hợp tác với các trường đại học trong nước để đào tạo bậc thạc sỹ và tiến sĩ các chuyên ngành sâu như vật lý lý thuyết, vật lý hạt nhân, hóa phân tích, hóa phóng xạ, hóa bức xạ, điện tử hạt nhân...
 
Cụ thể, trong những năm gần đây, Viện đã phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức nhiều khóa huấn luyện về công nghệ lò phản ứng cho trên 130 học viên là các chuyên viên, chuyên gia đến từ các cơ quan như Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục An toàn Bức xạ Việt Nam (VARANS) cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học trong nước. 
 
Từ năm 2006 đến nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt còn thường xuyên tổ chức các khóa thực tập và kiến tập cho sinh viên các trường đại học trong nước. Trung bình mỗi năm có từ 180 - 200 sinh viên của các trường trong nước đến đây thực tập, đặc biệt là sinh viên các trường nằm trong hệ thống đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân Ninh Thuận như Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực. “Tùy theo nội dung chương trình, mỗi đợt thực tập có thể kéo dài cần thiết để giúp sinh viên hiểu sâu về các bài giảng lý thuyết tại lớp kết hợp thực hành” - ông Viên cho biết.
 
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt thông qua Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trong chương trình đào tạo điện hạt nhân nêu trên để phối hợp tổ chức các chương trình giảng dạy về công nghệ hạt nhân và công nghệ lò phản ứng. Viện cũng đã thiết lập hợp tác song phương với các đối tác quốc tế như Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực (NuHRDeC - JAEA) của Nhật, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (BARC), Ấn Độ... để tổ chức các khóa huấn luyện trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. 
 
Cùng với việc tham gia đào tạo nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt còn tích cực đóng góp công sức vào việc lựa chọn công nghệ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chọn loại lò, đưa ra các yếu tố an toàn cần quan tâm, các thiết kế phù hợp... Viện cũng tham gia vào quá trình lựa chọn địa điểm đặt lò, nghiên cứu, đo đạc để cung cấp các số liệu về môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, tính toán phát tán khí thải ra môi trường...
 
Trong đào tạo nhân lực, theo ông Viên, với ưu thế lò phản ứng đang hoạt động, Viện chú trọng kết hợp đào tạo lý thuyết với thực hành tại lò, cho sinh viên thực hành kỹ năng tại lò, học hỏi các kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia của lò để đội ngũ này khi ra trường có thể tiếp cận từng bước công việc khi nhà máy điện hạt nhân đưa vào vận hành.
 
VIẾT TRỌNG