Kiến trúc độc đáo của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt từ tài liệu lưu trữ

09:09, 22/09/2016

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 2 km, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được biết đến là công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hiện đang bảo quản khối tài liệu lưu trữ thuộc Phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, đây là khối tài liệu hành chính phản ánh các mặt hoạt động của chính quyền Pháp ở Trung kỳ, giới hạn thời gian tài liệu Phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ bắt đầu vào năm 1802 và kết thúc vào năm 1943. Trong quá trình khảo sát, tra tìm tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc công bố, trưng bày giới thiệu chuyên đề “Đà Lạt - Lâm Đồng qua tài liệu Lưu trữ”, chúng tôi đã tra tìm được bộ hồ sơ kí hiệu số 4295 RSA/HC, 4296 RSA/HC, 429 RSA/HC, trong đó có bản vẽ kỹ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay. Bản vẽ có kích thước 1m83 x 91 cm. Xin trân trọng giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu cùng độc giả bản thiết kế này. Đây là nguồn tài liệu gốc quan trọng giúp cho việc nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và gìn giữ kiến trúc độc đáo của công trình này.
 
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 2 km, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được biết đến là công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đây quả là thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với địa hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.
 
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được phác họa đầu tiên bởi sáng kiến của kiến trúc sư E.Hébrard nhưng lại được thiết kế và chỉ huy xây dựng một cách táo bạo và tài tình bởi kiến trúc sư Moncet. Cuối năm 1927, Le Grand Lycée chính thức được khởi công xây dựng trên một quả đồi bằng phẳng có diện tích đất tự nhiên khoảng 8 ha. Sườn phía Tây Nam có độ dốc khoảng 50 - 60 độ, nghiêng về phía Hồ Xuân Hương. Sườn phía Đông Nam có độ dốc tương đối cao, khoảng 70 - 80 độ, nhìn xuống khu vực Nha Địa dư (nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt). Sườn phía Đông của trường tương đối bằng phẳng được xây dựng thành sân bóng đa dụng cho học sinh vui chơi.
 
Và để thực hiện xây dựng công trình đặc biệt này, người Pháp đã huy động hàng trăm phu phen, thợ nề, thợ mộc người Việt có tay nghề sắc sảo khắp nơi trong cả nước về đây để thi công. Do kết cấu hạng mục của Trường Lycée Yersin tương đối phức tạp nên những người thợ đã rất vất vả, vượt qua bao khó khăn thử thách khắc nghiệt trong suốt 8 năm dưới cái giá lạnh của thời tiết để thi công theo đúng bản vẽ của các kiến trúc sư người Pháp. Ngôi trường được thiết kế với dãy lớp học được xây hình vòng cung có chiều dài phía trước hơn 77 m và phía sau gần 90 m gồm 3 tầng lầu với 24 lớp học. Toàn bộ gạch ép để xây tường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói Ardoise xanh đen (thạch bản) nhập về từ Pháp.
 
Đặc biệt, điểm nhấn của dãy nhà hình cong là tháp chuông có độ cao 54 m. Tháp chuông giống như hình một cây bút vươn cao giữa những rặng thông xanh biếc; là biểu tượng của một công trình văn hóa thể hiện sự vươn lên tầm cao tri thức của nhân loại và là nét kiến trúc đặc trưng của vùng Morger, quê hương của Alexandre Yersin. Gọi là tháp chuông nhưng trong tháp lại không treo chuông. Gần như đứng ở bất cứ điểm cao nào của thành phố Đà Lạt nhìn về trung tâm, người ta cũng có thể nhìn thấy tháp chuông và biểu tượng kiến trúc cong cong vòng cung của ngôi trường duyên dáng. Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có 1 đồng hồ nhưng đã bị tháo dỡ, du khách chỉ có thể thấy vết tích của chiếc đồng hồ lớn còn in lại trên nền gạch. 
 
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ban đầu có tên gọi là Petit Lycée Dalat; khi mới ra đời, Lycée de DalatLycée Yersin là nơi dành riêng cho con em quan chức, binh lính Pháp và một số gia đình địa chủ người bản xứ có tiềm lực kinh tế lớn đến học. Đến năm 1932, trường Petit Lycée Dalat được đổi tên thành Grand Lycée de DalatLycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương và hiện nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. 
 
Nhận xét về kiến trúc độc đáo của ngôi trường này, kiến trúc sư Kunđara Peki (người Nhật Bản) đã đánh giá: “Xét về kiến trúc tiện dụng, hiện đại thì thế giới có nhiều, đất nước chúng tôi cũng rất nhiều. Nhưng về sự độc đáo và mang biểu trưng của văn hóa thì công trình này của Việt Nam thật là tuyệt vời”. Quả vậy, nét đẹp của công trình được hiển qua nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để cấu thành nên một tòa kiến trúc hòa hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Và, tháng 12 năm 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích cấp Quốc gia. 
 
Với bề dày lịch sử hơn 80 năm, trong khoảng thời gian dài đó đã có biết bao thế hệ sinh viên ra vào cổng trường này, đã có người làm nên lịch sử, có người dùng văn tài trí tuệ đóng góp tô điểm cho văn hóa xã hội nước nhà. Trải qua những năm tháng theo lịch sử dân tộc, thực hiện các mục tiêu đào tạo khác nhau, nhưng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình bạn nghĩa thầy, học để làm người… vẫn được trường giữ gìn phát huy cao độ. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã và đang là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngôi trường có rất nhiều chuyên ngành đào tạo như: Sư phạm Tin học, Toán, Hóa học, Lịch sử, Ngữ văn, Sư phạm Mỹ thuật và Công nghệ thiết bị trường học… Nhiều danh nhân Việt Nam đã có thời gian học tập tại trường, điển hình như GS Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn, hiện sống tại Mỹ. 
 
Ngày nay, nét độc đáo quyến rũ của Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một trong những địa chỉ vàng mà du khách mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt đều muốn ghé thăm: “Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua” (Báo Đông Dương (Indochine) lúc bấy giờ đã viết.
 
THƠM QUANG