Lâm Đồng - những ngày tháng 9/1945 hào hùng

09:09, 15/09/2016

71 năm về trước, ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; quyết định đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

71 năm về trước, ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội quyết định: Tán thành lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; quyết định đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra và giành thắng lợi khắp cả nước. 
 
Trong cơn bão lốc tổng khởi nghĩa, sục sôi giành chính quyền cách mạng của cả nước, chỉ trong vòng 7 ngày (từ 22 đến 28/8/1945) với khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân mà hạt nhân là lãnh đạo các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ, nhân dân hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng ngày nay) đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập chính quyền Việt Minh từ tỉnh đến cơ sở. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở hai tỉnh đã góp phần cùng cả nước đập tan ách phát xít Nhật trong 5 năm, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong 87 năm, lật đổ chế độ phong kiến mấy ngàn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do do nhân dân làm chủ. 
 
Đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Lâm Viên (8/1945 - 11/1945)
Đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Lâm Viên (8/1945 - 11/1945)

Đồng chí Nguyễn Đại Hòa - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Đồng Nai Thượng (8/1945 - 10/1945)
Đồng chí Nguyễn Đại Hòa - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Đồng Nai Thượng (8/1945 - 10/1945)

Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng
 
Ngay sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng đề ra ba nhiệm vụ cần kíp trước mắt: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Quán triệt tinh thần đó, Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã đề ra một số chủ trương, nhiệm vụ trước mắt để ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ. Đó là: 
 
1. Giải tán bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở, sử dụng lại những công chức cũ tình nguyện theo cách mạng. Đưa những đại biểu dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức vào cơ quan chính quyền, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.
 
2. Tổ chức, củng cố Mặt trận Việt Minh và các đoàn thề quần chúng các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Việt Minh và của Chính phủ trong các tầng lớp nhân dân. 
 
3. Thi hành sắc lệnh bãi bỏ thuế thân và sắc lệnh giảm tức, hoãn nợ cho người nghèo. Tuyên bố xóa nợ cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nợ người Kinh. Giai cấp công nhân thực hiện ngày làm việc 8 giờ.
 
4. Thực hiện sắc lệnh thanh toán nạn mù chữ, phát động phong trào bình dân học vụ, mở các lớp học ban đêm. Các trường học tiếp tục mở cửa, bỏ những chương trình giảng dạy trái với đường lối cách mạng. Phát động phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ quần chúng, dịch các bài hát cách mạng ra tiếng dân tộc để đưa vào vùng dân tộc thiểu số.
 
5. Tịch thu và sung công tài sản của chính quyền thực dân, phong kiến và tư sản Pháp. Thành lập ban tự quản trong công nhân để quản lý các xí nghiệp, đồn điền và đẩy mạnh sản xuất. Phát động phong trào tăng gia sản xuất.
 
6. Giải tán các đội bảo an, tập hợp những thanh niên, công chức tiến bộ, tích cực hoạt động vào các đơn vị Giải phóng quân (đến tháng 10/1945 chuyển thành Vệ quốc đoàn) và dân quân tự vệ. Thu nhận thêm một số sĩ quan, binh lính bảo an cũ tình nguyện vào Giải phóng quân và sử dụng họ làm huấn luyện viên quân sự. Cử một số cán bộ đi học tại trường Quân chính đội. 
 
7. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên quyết định bắt giam và giải ra Trung bộ xét xử các tên: Trần Văn Lý, Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh; Ưng An, Tỉnh trưởng Lâm Viên và những tên mật thám ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, thả hết những phạm nhân bị Pháp - Nhật bắt giam. Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời tỉnh Đồng Nai Thượng cho Tỉnh trưởng Cao Văn Hiệu về quê, truy bắt bọn Pháp và tay sai đang lẩn trốn chống phá cách mạng.
 
8. Tổ chức phong trào lạc quyên giúp đồng bào miền Bắc bị thiếu đói với tinh thần nhường cơm, sẻ áo.
 
9. Phát động nhân dân hưởng ứng “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”. Nhân dân các dân tộc hai tỉnh đã biểu thị lòng yêu nước, có người đã hiến cả tư trang kỷ niệm của mình cho Tổ quốc, các nhà tư sản Việt Nam đã đem góp một số vàng lớn. Ở hai tỉnh quyên góp được trên 10 kg vàng, một số tiền lớn và đồng. 
 
Những chủ trương và nhiệm vụ trên đều được thực hiện nghiêm túc và có kết quả tốt. Các đoàn thể quần chúng như công nhân, phụ nữ, thanh niên, phụ lão... đóng vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân. Hàng trăm ngàn công nhân, thanh niên, lính bảo an cũ gia nhập các đơn vị quân giải phóng và tự vệ, tích cực luyện tập quân sự và canh gác để giữ gìn trật tự trị an. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Lâm Viên, Đồng Nai Thượng thắng lợi đã đem lại những quyền lợi chính đáng: Bình đẳng dân tộc, bình đẳng nam nữ, ngày làm 8 giờ, bỏ thuế thân, xóa mù chữ, quyền ứng cử, bầu cử… Tuy những quyền lợi đó chỉ được hưởng trong một thời gian ngắn, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ trong mỗi người dân. Ấn tượng đó đã trở thành động lực tinh thần và được phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ sau này.
 
Vũ khí thô sơ nhưng dũng cảm đánh phát xít Nhật
 
Được quân Anh giúp sức dưới danh nghĩa quân đồng minh, thực dân Pháp đã buộc quân Nhật phải giao lại các vùng chiếm đóng, tước vũ khí, giải tán lực lượng vũ trang của ta. Nhân dân Lâm Viên, Đồng Nai Thượng cùng cả nước lại phải tiến hành cuộc chiến đấu chống Nhật, Pháp để bảo vệ chính quyền non trẻ và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Được tin quân Nhật chuẩn bị đánh chiếm Đồng Nai Thượng, UBND huyện B’Lao (Từ tháng 9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời đổi thành Ủy ban nhân dân) bố trí hai đội tự vệ (mỗi đội 150 người) xây dựng phòng tuyến ở đèo B’Lao. Các đơn vị bố trí chướng ngại vật giữa đường, đồng thời xếp đá và cây bên sườn núi chuẩn bị đánh địch. Ngày 26/9/1945, đoàn xe của Nhật gồm 15 chiếc chở 300 quân tiến lên đèo. Khi chúng lọt vào trận địa, ta nổ súng, các bẫy đá và cây đổ ập xuống. Cuộc chiến đấu kéo dài 1 giờ 30 phút, sau đó các đơn vị rút về B’Lao để củng cố lực lượng. 
 
Tại Đà Lạt, ngày 24/9, quân Nhật mời đại biểu UBND tỉnh đến buộc phải chấp nhận hai điều kiện: Một là, dán khắp nơi trong tỉnh bản thông báo của Gracey, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương với nội dung: Không được phép tổ chức những cuộc biểu tình; không được hội họp bất cứ chỗ nào; không được mang vũ khí bất cứ thứ gì, dù là gậy, dao, tầm vông vót nhọn; không được ra đường từ 21 giờ 30 phút đến 5 giờ sáng hôm sau. Hai là, giải tán lực lượng vũ trang của ta, nộp vũ khí cho Nhật. Đoàn đại biểu của ta bị Nhật giữ lại hai ngày đêm nhằm uy hiếp tinh thần, sau đó ta đã nhượng bộ và chấp nhận cả hai điều kiện, nhưng có sửa đổi là được giữ 200 súng để thanh niên canh gác. Đoàn đại biểu về báo cáo nhưng UBND Lâm Viên không đồng ý và gửi thư cho Nhật bác bỏ các yêu sách. Tuy vậy, ta cũng giao cho Nhật một số súng để tình hình bớt căng thẳng. Ở Đồng Nai Thượng, quân Nhật cũng đưa ra những điều kiện tương tự nhưng ta đã tranh thủ và thuyết phục được quân Nhật nên chỉ giao một số súng hỏng có tính chất ước lệ. 
 
Dưới sự thúc ép của thực dân Pháp, quân Nhật ở hai tỉnh đã vi phạm độc lập chủ quyền của ta và có những hành động khiêu khích. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Viên chủ trương dùng lực lượng quần chúng đấu tranh đòi quân Nhật trả lại những công sở mà chúng đang chiếm giữ. 
 
Sáng 3/10, nhân dân từ các nơi trong thị xã Đà Lạt tập trung tại khu vực chợ mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoàn biểu tình từ Trại Mát lên Đà Lạt để dự mít tinh, khi đến Gara Mạctinét (đường Trần Hưng Đạo) quân Nhật bắn bị thương một người. Đồng chí chủ trì cuộc mít tinh báo tin cho nhân dân biết. Như lửa đổ thêm dầu, hàng ngàn người hô to khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật, trả thù cho đồng bào”. Với vũ khí thô sơ, nhân dân chia thành các đoàn đến bao vây công sở, đòi quân Nhật giao lại chủ quyền cho ta.
 
Đoàn thứ nhất kéo đến bao vây Viện Pasteur (nay thuộc đường Lê Hồng Phong). Đoàn thứ hai kéo đến khách sạn Palace, ngân hàng, bưu điện. Đoàn thứ ba kéo xuống nhà ga xe lửa, khi đến cuối sân vận động gặp quân Nhật từ trên đồi bắn xuống, ta tổ chức chiến đấu cho đến ngày hôm sau. 
 
Tại nhà máy điện (nay ở đường 3/2), theo chủ trương của UBND tỉnh, lực lượng tự vệ nhà máy đã nổi dậy chiếm giữ và kéo ra bao vây bốt ở ngã ba nhà máy điện. Quân Nhật ở bên trong bắn ra… Tuy vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, lực lượng tự vệ nhà máy đã tiêu diệt một số quân Nhật.
 
Tại khách sạn Palace, Dinh toàn quyền Đông Dương, bưu điện và Viện Pasteur, ta đã siết chặt vòng vây, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt nhưng phía ta không một ai rời vị trí chiến đấu. Khí thế đánh Nhật lan ra khắp nơi, ở các ngả đường nhân dân truy lùng, vây bắt và tước súng quân Nhật, có nơi đã bắt gọn một tiểu đội Nhật, có chị cầm dao đâm chết một tên Nhật trên đường phố. Nhân dân tự động nấu cơm, dùng xe tiếp tế đến các vị trí chiến đấu. Các hội viên trong Ban Hồng thập tự ngày đêm tận tình chăm sóc những người bị thương… Sang ngày thứ hai, ở Viện Pasteur, nhân dân đã bao vây bắt gọn toán lính Nhật trong đó có một sĩ quan. Thông qua tên này, ta và Nhật đồng ý đình chiến và trao trả những người bị thương, bị bắt, quy định những vùng đóng quân của Nhật. 
 
Qua hai ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt 28 tên Nhật, bắn bị thương nhiều tên khác, thu nhiều súng. Lực lượng của ta có 40 người anh dũng hy sinh, 80 người bị thương. 
 
Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, chỉ bằng vũ khí thô sơ, nhân dân Đà Lạt đã anh dũng chiến đấu chống quân Nhật để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Trận đánh Nhật ngày 3/10/1945 mãi mãi là một tấm gương sáng ngời, một bản anh hùng ca bất diệt. Ngày 11/10/1945, UBND tỉnh Lâm Viên tổ chức lễ truy điệu những đồng bào và chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nguyện noi gương chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. 
 
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng ‘1930-1975’, NXB Chính trị Quốc gia, HN 2008)
 
ĐAN THANH