Ðịnh vị sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch Lâm Ðồng

08:10, 11/10/2018

Ðịnh vị thương hiệu du lịch là cụm từ không còn mới trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung và Lâm Ðồng nói riêng. Vấn đề cốt lõi là định vị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, nhân tố dịch vụ từ góc độ doanh nghiệp lại là câu chuyện còn khá mới mẻ mà các doanh nghiệp Lâm Ðồng đang bắt đầu định hướng.

Ðịnh vị thương hiệu du lịch là cụm từ không còn mới trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung và Lâm Ðồng nói riêng. Vấn đề cốt lõi là định vị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, nhân tố dịch vụ từ góc độ doanh nghiệp lại là câu chuyện còn khá mới mẻ mà các doanh nghiệp Lâm Ðồng đang bắt đầu định hướng.
 
Với những cách làm sáng tạo của mỗi doanh nghiệp đang định vị sản phẩm du lịch Lâm Đồng. Ảnh: D.Thương
Với những cách làm sáng tạo của mỗi doanh nghiệp đang định vị sản phẩm du lịch Lâm Đồng.
Ảnh: D.Thương

Theo các khái niệm mà Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra lý luận, sản phẩm du lịch không chỉ là những gì du khách mua mà còn là toàn bộ các hoạt động của du khách tại điểm đến và tất cả những dịch vụ du khách đã sử dụng. Hay theo Luật Du lịch năm 2017, sản phẩm du lịch là tập hợp trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Trong bối cảnh phát triển của ngành du lịch toàn cầu thì trong các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch gồm nhân tố tạo lực hút, nhân tố vật chất và nhân tố dịch vụ, các doanh nghiệp đang chú trọng nhiều vào 3 yếu tố này để định vị thương hiệu.
 
Việc xây dựng, phát triển, quản lý thương hiệu du lịch vẫn là câu chuyện trăn trở của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành bởi đó là cả một quá trình dài hơi mà trước hết phải bắt đầu từ định vị thương hiệu du lịch. Trong hành trình đó, các doanh nghiệp đang tự tìm hướng đi, khẳng định cái riêng trong xây dựng cái chung. Và sản phẩm du lịch đặc thù là điểm nhấn mà các doanh nghiệp du lịch Lâm Đồng đang xây dựng, quảng bá bằng chất lượng thương hiệu, kết nối tạo thành chuỗi trong giá trị định vị thương hiệu. 
 
Theo bà Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phân tích: Lâm Đồng cần có chiến lược để định vị thương hiệu du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng trên bản đồ du lịch thế giới. Để trở thành một điểm đến mang tính chất khu vực, tính chất quốc gia và tính địa phương. Vấn đề định vị thương hiệu cho hoạt động du lịch rất quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia, địa phương, điểm đến du lịch, mà cả ở tầm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đối với các doanh nghiệp, định vị thương hiệu là một thông điệp cốt lõi sẽ truyền tải trong mỗi một phương tiện truyền thông, điều này hiện hữu rõ ràng mong muốn của doanh nghiệp đạt được trong tâm trí của khách hàng. 
 
Ông Trần Duy Thắng - Giám đốc Công ty Thiên Nhân Travel cho rằng: Thương hiệu có thể được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất, vô hình nhưng lại chứa đựng một sức mạnh hữu hình khi nó quyết định sự lựa chọn của khách hàng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ và nó tác động đến sự thành bại của hoạt động kinh doanh. Thực chất nói dễ hiểu thì đây chính là danh tiếng và uy tín của các cơ sở cung ứng sản phẩm và dịch vụ trên thị trường trong nước và nước ngoài. Ngay tại doanh nghiệp chúng tôi, để có danh tiếng và uy tín tốt thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu, du khách hài lòng thì doanh nghiệp thành công một nửa, du khách giới thiệu thương hiệu và quay lại thì xem như thành công trọn vẹn. Chính vì vậy công ty chúng tôi cũng không ngừng tìm kiếm, sáng tạo, đổi mới các dịch vụ, tour tuyến để đáp ứng nhu cầu của du khách khó tính nhất.
 
Cũng cùng câu hỏi về định vị thương hiệu doanh nghiệp, ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Dalat Discovery Travel cũng chỉ ra rằng: Các nhu cầu, thị hiếu của du khách ngày càng đa dạng và đòi hỏi chất lượng tốt hơn. Để tồn tại và phát triển doanh nghiệp cần tự ý thức được việc xây dựng thương hiệu, không chỉ ở mức độ hài lòng mà còn ở điểm khác biệt, sự độc đáo của sản phẩm du lịch hay khả năng cạnh tranh.
 
Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ: Với các thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm du lịch đặc thù mà Lâm Đồng đang xây dựng trong chiến lược phát triển bền vững, trở thành điểm đến quốc tế thì tập trung nhiều vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với các sản phẩm là hoa, nông sản, cà phê... kết hợp du lịch và nông nghiệp xây dựng nên thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng là công việc tỉnh vẫn xúc tiến lâu nay, trong hoạch định phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, đặc biệt là khách quốc tế tỉnh đang tiếp tục xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù theo loại hình du lịch. Xây dựng các giải pháp khả thi về phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đặc thù, trong đó có cả sản phẩm xuất khẩu tại chỗ, phát triển nhân lực, liên kết và quảng bá thương hiệu du lịch.
 
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ - du lịch để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường là vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp cần nắm bắt và thích nghi.
 
DIỄM THƯƠNG