5 giải pháp để tăng trưởng

09:01, 06/01/2016

Lâm Đồng thực hiện 5 giải pháp cụ thể: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. 

Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ có nội dung về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực hiện công việc vừa là nhiệm vụ, vừa là đòn bẩy quan trọng này, Lâm Đồng thực hiện 5 giải pháp cụ thể: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. 
 
Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế - Ảnh: P. NHÂN
Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế - Ảnh: P. NHÂN

Các địa phương, ban, ngành cùng vào cuộc
 
Lạc Dương được đánh giá là địa phương có nhiều động thái đổi mới mạnh mẽ để tăng trưởng du lịch. Từ tiền đề sẵn có là 4 khu du lịch gồm: KDL Lang Biang, Thung lũng Vàng, Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cùng các yếu tố văn hóa bản địa đặc trưng; Lạc Dương đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng cùng hành động với những kết quả cụ thể. Hạ tầng du lịch phát triển mạnh với các tuyến đường vòng quanh hồ Đan Kia, tuyến đường Bi Doup nối thị trấn Lạc Dương với ĐT723, tuyến đường 19/5 nối ngã tư thị trấn Lạc Dương đến điểm cuối hồ Suối Vàng, đường Đông Trường Sơn, đường Lang Biang thông suốt rộng rãi dẫn đến KDL Lang Biang... đã hoàn thành. Trong thời gian qua, địa phương ở phía Đông Bắc Lâm Đồng đồng thời đã khôi phục lại một số lễ hội truyền thống, một số môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá, huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đưa thông tin tới hơn 80 công ty lữ hành trong và ngoài nước. Với khoảng 1 triệu lượt khách đến địa phương mỗi năm và doanh thu bình quân đạt từ 55 - 60 tỷ đồng, Lạc Dương đang là vệ tinh quan trọng với trung tâm du lịch Đà Lạt.
 
Sở Công thương với vai trò quản lý nhà nước thông qua các hoạt động đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch làng nghề. Các chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc, trang thiết bị; mở rộng nhà xưởng đã “tiếp sức” cho nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu mà Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đã là nhịp cầu để doanh nghiệp mở rộng thị trường. Bà Trần Thị Nguyên Hảo (cơ sở Cưa lọng, tranh bút lửa Nghĩa Hảo) cho rằng các cơ hội mà những cơ quan nhà nước đem lại đã giúp cơ sở có thêm tầm nhìn về thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Với riêng cơ sở của bà, nhiều lần bà muốn “buông” bởi sự khắc nghiệt của thị trường với các sản phẩm truyền thống. Dù vậy, khi tham gia Hội chợ, nhiều cơ hội mới, các đơn hàng đã tìm đến và hiện tại, Nghĩa Hảo vẫn hoạt động đều đặn với các sản phẩm là quà tặng du lịch...
 
Những kết quả khả quan
 
Năm 2015, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đạt con số 5,1 triệu lượt, bằng 102% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Xây dựng Lâm Đồng trở thành điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng là mục tiêu tổng quan của du lịch địa phương và có thể nói, Nghị quyết 92/NQ-CP đồng hành trong việc thực hiện mục tiêu này.
 
Năm 2015 là năm ghi nhận nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề của du lịch Lâm Đồng. Đó là: Hội nghị nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; Hội nghị lữ hành, danh lam thắng cảnh và khu điểm du lịch năm 2015; Hội nghị đối thoại công - tư giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Hội nghị Triển khai công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch... Ngoài Đà Lạt là điểm đến quen thuộc và là điểm nhấn trong chương trình quảng bá lâu nay, năm qua, những địa phương khác như Lạc Dương, Đơn Dương... đã đi vào VCD, DVD trong nội dung quảng bá của ngành.
 
Với những bất lợi vốn có về giao thông, từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không (chưa có các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến địa phương), năm 2015, các chuyến bay quốc tế trực tiếp từ Thái Lan, Trung Quốc đã đến sân bay Liên Khương, hy vọng về cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế sẽ “khơi thông” lượng khách quốc tế đến Lâm Đồng trong thời gian tới được mở ra. Cùng đó, các đoàn farmtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị dành cho các hãng lữ hành, nhà báo) quốc tế được đẩy mạnh với đoàn farmtrip từ Bắc Kinh, Đài Loan, Úc, Thái Lan...
 
Với thế mạnh về nông nghiệp, du lịch nông nghiệp đã được đầu tư và hiện thực hóa bởi quyết sách của cơ quan nhà nước. Tháng 12 năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định phê duyệt xây dựng thí điểm 2 mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn Tp Đà Lạt, tại Khu phố Hồ Xuân Hương và Trại Mát. Trong những ngày diễn ra Festival Hoa 2015 vừa qua, Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương đã sinh động hóa một mô hình là thế mạnh đặc trưng của Lâm Đồng, đến đây, du khách thỏa mãn mong muốn được hít thở giữa không gian vườn rộng rãi, được tìm hiểu tường tận và tận mắt thấy quy trình tạo ra những sản vật của vùng đất đỏ...
 
Đồng hành cùng doanh nghiệp, những chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp được thực hiện trên nhiều mặt, từ chính sách đầu tư trên các lĩnh vực lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành đến những vấn đề chi tiết như: quy định về đất đai, giải phóng mặt bằng, giá điện, nước... Qua đó, không chỉ thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP mà còn thực hiện các mục tiêu tổng quan của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng. Phát triển và giữ gìn bản sắc, ngành du lịch cũng đã tiếp tục triển khai, phổ biến, hướng dẫn đến các doanh nghiệp cơ chế bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch; bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT giai đoạn 2015-2016.
 
Trải qua chặng đường đầu tiên của việc đổi mới và phát triển theo nội dung NQ 92, nhiệm vụ kép này đòi hỏi chặng đường tiếp theo nhiều yêu cầu mới. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch là yếu tố vô cùng quan trọng, để từ đó nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch theo định hướng. Du lịch Lâm Đồng đặc biệt chú trọng loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và du lịch thể thao mạo hiểm. Cùng với đó là thực hiện liên kết, hợp tác phát triển, nghiên cứu thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm... để tăng trưởng trong giai đoạn mới.
 
HẢI YẾN