Du lịch Lâm Đồng trên hành trình trở thành ngành kinh tế động lực

05:07, 09/07/2015

Qua 55 năm xây dựng và lớn mạnh của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và gần 40 năm phát triển của du lịch Lâm Đồng nói riêng, ngành "kinh tế không khói" đã có những đóng góp thiết thực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm và dần khẳng định là ngành kinh tế động lực thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển.

Qua 55 năm xây dựng và lớn mạnh của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và gần 40 năm phát triển của du lịch Lâm Đồng nói riêng, ngành “kinh tế không khói” đã có những đóng góp thiết thực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm và dần khẳng định là ngành kinh tế động lực thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển. 
 
Rực rỡ chiều Đà Lạt. Ảnh: PHẠM ANH DŨNG
Rực rỡ chiều Đà Lạt. Ảnh: PHẠM ANH DŨNG
Kể từ ngày Công ty Du lịch Việt Nam - trực thuộc Bộ Ngoại thương được thành lập theo Nghị định số 26/CP của Chính phủ ngày 9/7/1960 và chuyển thành Tổng cục Du lịch trực thuộc Hội đồng Chính phủ năm 1978, sau nhiều lần tách - nhập, ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 31/7/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có Tổng cục Du lịch... Với những thành tựu to lớn đã đạt được kể từ ngày thành lập, ngành Du lịch Việt Nam được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh... Trong quá trình phát triển của Du lịch Việt Nam, ngành du lịch Lâm Đồng được hình thành từ năm 1976, trực thuộc nhiều sở ngành: Sở Thương nghiệp tỉnh Lâm Đồng (1976-1991), Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (1991-1993), Sở Du lịch tỉnh Lâm Đồng (1993-2002), Sở Du lịch và Thương mại tỉnh Lâm Đồng (2002-2008) và Sở VH-TT&DL Lâm Đồng (từ 2008 đến nay). 
 
Từ lợi thế tự nhiên với khí hậu và phong cảnh, cộng thêm sự cần cù, chăm chỉ của người dân, “thành phố sương mù”, “thành phố ngàn thông” Đà Lạt dần được biết đến và nổi tiếng là “xứ sở rau hoa”... Năm 1994, khi Dalat Hasfarm đặt chân đến Lâm Đồng cũng đặt nền móng cho công nghệ hoa cắt cành phát triển rầm rộ ở Đà Lạt. Rồi 10 năm sau, năm 2004, Lễ hội Sắc Hoa lần đầu tiên được tổ chức ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt đã tạo nên ấn tượng sâu sắc. Đến năm 2005 là Festival Hoa, sau đó cứ 2 năm một kỳ, Festival Hoa thu hút ngày càng đông du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ khác... Năm 2014 - với sự kiện lớn: Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt, Festival Hoa lần thứ V, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút trên 4,8 triệu lượt du khách với doanh thu từ dịch vụ du lịch hơn 8.500 tỷ đồng... đã ghi dấu ấn vượt bậc của du lịch Lâm Đồng về quy mô, tính chuyên nghiệp và hiệu quả, là động lực để du lịch Lâm Đồng phát triển sang một giai đoạn mới.
 
Ngày 8/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với mục tiêu sẽ đón được 4,5-5 triệu lượt khách, năm 2020 là 6,5 triệu lượt và năm 2030 là 15 triệu lượt khách. Số phòng nghỉ sẽ tăng từ 25 ngàn phòng (2015), lên 35 ngàn phòng (2020) và 50 ngàn phòng (2030). Từ năm 2020-2030 sẽ thu hút 20-30 ngàn lao động hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch và 90-95% lao động được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ, tạo ra thu nhập xã hội trong lĩnh vực du lịch từ 13-20 ngàn tỷ đồng. Với Chiến lược phát triển du lịch này, Lâm Đồng sẽ khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa - di sản - lịch sử truyền thống để phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững, nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của cả tỉnh, và xứng đáng là trọng điểm du lịch vùng Tây Nguyên. Các giải pháp thực hiện sẽ theo hướng liên kết - đa dạng hóa sản phẩm, thu hút đầu tư, quảng bá xúc tiến và cải thiện nguồn nhân lực...
 
Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đang phát triển trong thời đại của công nghệ và toàn cầu hóa, thời đại mà chỉ một cú chạm trượt trên smartphone cũng có thể đưa hình ảnh, lời khen, tiếng chê đi khắp thế giới. Mỗi người hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện nay còn có trách nhiệm quảng bá cho đơn vị, địa phương mình hằng ngày qua việc phục vụ du khách. Đánh giá tầm quan trọng của nhân lực ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Mỗi người làm trong ngành du lịch phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức. Vì nhu cầu thưởng thức của du khách ngày càng cao, sản phẩm du lịch phải ngày càng phong phú và đa dạng, nên trình độ, kiến thức và tay nghề ngày càng phải tinh sâu. Năng lực chuyên môn, phong cách giao tiếp và hành vi ứng xử của nhân viên du lịch ở từng vị trí, bộ phận cụ thể, như hướng dẫn viên, phục vụ buồng - bàn - tiếp tân - bếp... lại càng phải chuyên nghiệp và thành thục, nắm bắt và thao tác nhuần nhuyễn các ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công việc. Đặc biệt, người làm du lịch cần biết phát huy nét riêng biệt của bản thân và hiểu biết sâu sắc về tâm lý du khách để phục vụ một cách chu đáo và ấn tượng...
 
Gần đây nhất, ngày 2/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục một số yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị 18/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, và các văn bản liên quan. Đồng thời, các địa phương cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường quản lý giá cả; Bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch; Bảo đảm vệ sinh, môi trường... để khẳng định Du lịch đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
 
LÊ HOA