Đồng hành cùng người dân chuyển đổi cây trồng

06:05, 23/05/2022
Với hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Tân Thanh - một trong những xã khó khăn của huyện Lâm Hà đã từng bước chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Nhiều bà con nay đã vươn lên làm giàu từ con tằm, sợi tơ và những vườn cây ăn trái trĩu quả. 
 
Nhiều hộ dân ở Tân Thanh làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm
Nhiều hộ dân ở Tân Thanh làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm
 
Tân Thanh là nơi hội tụ, giao lưu và sinh sống của nhiều dân tộc anh em khác nhau, từ người K’Ho bản địa cho tới anh em Dao, Tày, Nùng, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa khác nhau. Khi chọn định cư, sinh sống tại Tân Thanh, bà con ở đây đa phần đều sống nhờ vào những cánh đồng lúa hay cà phê. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, đất rừng, đồi núi… nên năng suất và hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng này khá thấp. Ở một số thôn đời sống của bà con DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 
 
Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con, xã Tân Thanh tập trung vận động, hướng dẫn người dân từng bước chuyển đổi sang những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Song, theo ông Nguyễn Văn Giang - Phó Chủ tịch UBND xã, trước đây, do thói quen canh tác lâu năm, e ngại rủi ro, nên quá trình chuyển đổi cây trồng của bà con diễn ra tương đối chậm. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, với sự đồng hành sát sao của chính quyền và sự thúc đẩy của các mô hình chuyển đổi sản xuất thành công trước đó đã giúp người dân dần dà thay đổi nhận thức, quá trình chuyển đổi cũng đã diễn ra nhanh hơn. Kéo theo đó, đời sống lẫn thu nhập của người dân cũng dần được nâng cao rõ rệt. 
 
Về phương án chuyển đổi, chính quyền và người dân Tân Thanh tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao và thị trường ổn định, qua đó vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa cải thiện thu nhập. Với các hộ gia đình có điều kiện kinh tế, địa phương vận động bà con nông dân xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà kính sử dụng công nghệ cao trồng các loại cà chua, rau và hoa. “Địa phương phấn đấu mỗi thôn có ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và một sản phẩm tiêu biểu, một gia đình sản xuất tiêu biểu” - ông Giang nói. Trong đó, các thôn Con Pang, Tân Bình, Tân An, Đông Thanh tập trung phát triển diện tích rau và hoa theo hướng công nghệ cao. 
 
Đối với diện tích cà phê lâu năm, già cỗi, kém năng suất sẽ được cải tạo thông qua ghép chồi. Nhờ đó, sản lượng cà phê cũng như sự tự tin của bà con tăng lên rõ rệt. Với các cây trồng triển khai mới, Tân Thanh tập trung vào một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dâu tằm, hồ tiêu, bơ, sầu riêng và mắc ca. Các loại cây trồng này được xã lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo thích ứng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương cũng như có thị trường tiêu thụ ổn định. Về công tác tổ chức sản xuất, xã hướng đến sự liên kết, hợp tác đa ngành, đa thị trường làm bàn đạp để nâng giá trị nông sản. 
 
Nhờ sự vào cuộc sát sao này cũng như sự tự tin của người dân trong vòng 2 năm qua, quá trình chuyển đổi ở Tân Thanh đã tiến triển rõ rệt. Hiện nay, toàn xã có gần 300 ha mắc ca, hơn 740 ha dâu tằm, 113 ha cà phê ghép chồi… Đặc biệt, số lượng các loại cây ăn quả cũng tăng trưởng liên tục. Kết thúc năm 2021, trên địa bàn có hơn 21 ngàn cây bơ (hơn 114 ha), 18 ngàn cây sầu riêng (92 ha), 9 ngàn cây mít Thái… Khoa học và công nghệ cũng được áp dụng triệt để nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm và giảm chi phí lao động, tiết kiệm nước, phân bón… Đến cuối năm 2021, toàn xã đã có hơn 440 ha diện tích nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. 
 
Vui mừng nói về những chuyển biến ở địa phương, ông K’Yóng - Trưởng Ban Mặt trận Thôn 3 - một trong những Thôn trước đây còn nhiều khó khăn chia sẻ: “Thôn 3 có hơn 90% là người K’Ho, trước đây chỉ trồng cà phê và lúa kém năng suất. Nhờ chuyển đổi cây trồng, thu nhập bình quân đầu người ở thôn được cải thiện đáng kể (từ 35 triệu đồng lên 41 triệu đồng), nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả. Đặc biệt, đa số bà con nông dân đã thành thạo kỹ thuật ghép cành cho cây cà phê”. Riêng bản thân gia đình ông K’Yóng, thu nhập cũng được cải thiện mạnh (từ 100 triệu đồng/năm lên 400 triệu đồng/năm) nhờ chuyển đổi một phần lúa sang trồng dâu nuôi tằm và ghép cành cho 4 ha ca phê, giúp tăng năng suất. 
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, “tuy nhiên, nhiều bà con vẫn chưa tự tin chuyển đổi hoàn toàn, do vậy, quá trình chuyển đổi vẫn chưa thật sự bứt phá” - ông Giang nhận định. Chính vì lý do đó, thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi một số diện tích lúa một vụ thiếu nước sang trồng dâu, nuôi tằm và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn; đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, địa phương cũng sẽ tiếp tục sát cánh, hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển đổi sản xuất.
 
NHẬT QUỲNH