Yếu tố đầu tiên để thành công là gần dân

05:08, 05/08/2020

Điện thoại cho ông đến gần mười lần, lần nào ông cũng xin khất vì mắc việc. Lúc thì đi cơ sở, lúc thì đi họp. Nhưng tôi không nản bởi tôi biết những người ở vị trí như ông thì bận rộn là chuyện thường ngày ở… huyện, xã...

Điện thoại cho ông đến gần mười lần, lần nào ông cũng xin khất vì mắc việc. Lúc thì đi cơ sở, lúc thì đi họp. Nhưng tôi không nản bởi tôi biết những người ở vị trí như ông thì bận rộn là chuyện thường ngày ở… huyện, xã. Lần thứ mười, ông vui vẻ tiếp tôi tại trụ sở làm việc. Ông là Vũ Duy Hạ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh. 
 
Người dân thị trấn Đạ Tẻh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Khánh Phúc
Người dân thị trấn Đạ Tẻh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Khánh Phúc
 
Mười năm nay, duy nhất trong huyện Đạ Tẻh mới chỉ có thị trấn Đạ Tẻh được chọn làm thí điểm việc nhất thể hóa theo chủ trương của Trung ương là bí thư kiêm chủ tịch. Địa bàn thị trấn rất rộng với 25 tổ dân phố. Mười năm trước tình hình trật tự xã hội vẫn chưa ổn định. Nạn hút chích, số đề, cờ bạc, trộm cắp… vẫn còn. Tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng bộ thị trấn có hơn 500 đảng viên, đa số là giáo viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh… có trình độ chuyên môn lý luận, hiểu biết rộng, cạnh đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Trình độ chuyên môn của cán bộ thôn, buôn và các cơ quan thuộc thị trấn cũng không đồng đều. Tóm lại là nhiều khó khăn. Nhưng khi được giao nhiệm vụ, ông Hạ đã cùng các đồng chí trong Đảng ủy, UBND thị trấn Đạ Tẻh đã lãnh đạo Nhân dân hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Các tệ nạn xã hội cơ bản được xóa bỏ. Đảng bộ thị trấn mười năm liền giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Thị trấn được công nhận là đô thị văn minh. Bản thân ông hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2011 và 2016.
 
“Đã nhận nhiệm vụ ai cũng phải cố gắng hoàn thành, nhưng để hoàn thành tốt, mỗi người lãnh đạo có một cách làm việc khác nhau. Với tôi, sự thành công có được là từ việc kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là gần dân. Dân không chỉ là nông dân mà có cả các thành phần khác”, ông Hạ chia sẻ.
 
Dân là gốc, là sức mạnh, là nguồn lực vật chất, tinh thần của xã hội, của Quốc gia. Gần dân để nắm bắt tình hình quần chúng cần gì, có nguyện vọng gì, có đề đạt gì lên Đảng, chính quyền hay không. Từ đó, để kịp thời bổ sung những việc cần làm cho dân, vì dân.
 
Theo ông Hạ, gần dân để phát động quần chúng tích cực phát triển kinh tế, tham gia giữ gìn trật tự an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp. Gần dân để biết được thêm những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử, những giá trị văn hóa của dân tộc mình có ở địa phương mình. Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của dân có chọn lọc. Chính vì vậy, ông biết rõ từng thôn, buôn có bao nhiêu hộ nghèo, tên hộ là gì, có bao nhiêu hộ thuộc đối tượng chính sách, bao nhiêu trẻ em suy dinh dưỡng, có những đoạn đường nào ngập lụt… để có kế hoạch giúp dân.
 
Trong tiếp xúc với dân chúng, ông Hạ luôn nói năng thận trọng, không hách dịch, cậy quyền, sẵn sàng công khai nhận lỗi trước dân (nếu có). Ông luôn tin ở dân, đành rằng trong quần chúng cũng có một bộ phận không muốn khép mình vào kỷ cương, có những phát ngôn sai lệch. Nhưng người lãnh đạo như ông phải khéo léo khi gần gũi, phân tích nhẹ nhàng, rõ ràng cho dân hiểu thì họ sẽ nghe theo và vui vẻ chấp hành. Ví như ở tổ dân phố X, có hai hộ chây ì không đóng thuế nông nghiệp. Bằng tình cảm chân thật, ông Hạ đến tận nơi gặp gỡ trao đổi: “Nhà nước đầu tư một năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng, riêng thị trấn cũng đến chục tỷ. Trong khi tiền thuế nông nghiệp toàn thị trấn chỉ hơn hai tỷ. Có mấy trăm ngàn, nếu chưa đóng tháng này thì tháng sau, đừng nên lặng lời với cán bộ thuế, anh chị ạ!”. Hoặc như, nhiều gia đình đổ vật liệu xây dựng chiếm lòng, lề đường, ông cũng ôn tồn giải thích để họ vui vẻ thu dọn lại…
 
Một điều đáng qúy ở ông Hạ là ông rất chăm chỉ đọc sách báo, khiêm tốn học hỏi đồng chí mặc dù ông đã có bằng đại học và cao cấp lý luận từ hai chục năm trước. Sinh năm 1965, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Quảng Ninh, nhưng ông gắng học tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó nhập ngũ năm 1983. Tiếp đó, ông thi đỗ vào Trường Sỹ quan Phòng hóa. Ra trường ông phục vụ ở Sư đoàn 327 tại Lạng Sơn, rồi được cử đi học sỹ quan chính trị, trở lại Trường Sỹ quan Phòng hóa dạy môn Triết học. Cuối năm 1990 ông phục viên, đến năm 1993 vào lập nghiệp tại huyện Đạ Tẻh. Là đảng viên, ông được giao làm Khu phố trưởng Khu phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh. Năm 1995, ông được chuyển về làm chuyên viên Văn phòng UBND thị trấn Đạ Tẻh. Đến năm 1999, ông được bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn. Từ tháng 10 năm 2009 đến nay, ông làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh.
 
Trải qua rất nhiều cương vị, nhưng ở cương vị nào, ông Hạ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ việc làm của ông Vũ Duy Hạ trong mười năm qua, cho thấy chủ trương nhất thể hóa có nhiều tiện lợi: Các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng họp bàn thống nhất một vấn đề nào đó là triển khai được ngay, không phải qua nhiều hội nghị từ Đảng, đến HĐND rồi đến UBND và các ngành. Vừa lãnh đạo vừa quản lý cho thấy hiệu quả tốt hơn. Vì thế, mô hình nhất thể hóa có thể nhân rộng hơn.
 
THANH HƯƠNG