Nỗ lực phòng dịch ở ''vùng lõm'' y tế

02:08, 05/08/2020

(LĐ online) - Những "vùng lõm" trong công tác y tế ở các tiểu khu nằm sâu trong rừng phòng hộ đã đặt huyện Đam Rông trước nhiều thách thức trong việc phòng chống dịch bệnh.

(LĐ online) - Những “vùng lõm” trong công tác y tế ở các tiểu khu nằm sâu trong rừng phòng hộ đã đặt huyện Đam Rông trước nhiều thách thức trong việc phòng chống dịch bệnh.
 
Ngành y tế huyện Đam Rông triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu cho người dân ở các tiểu khu 179, 181, Đạ Mbo, Tây Sơn thuộc xã Liêng Sronh. Ảnh: TTYT Đam Rông
Ngành y tế huyện Đam Rông triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu cho người dân ở các tiểu khu 179, 181, Đạ Mbo, Tây Sơn thuộc xã Liêng Sronh. Ảnh: TTYT Đam Rông
“Vùng lõm” y tế trong các tiểu khu
 
Đam Rông là địa bàn có 74% dân số là người DTTS; trong đó, riêng bà con người H’Mông có 789 hộ với khoảng 4.500 khẩu. Bác sỹ K'Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, cho biết: Công tác tiêm chủng gặp khó khăn khi triển khai trong khu vực sinh sống của người H’Mông ở các tiểu khu 179, 181, Đạ Mbo, Tây Sơn thuộc địa bàn xã Liêng Sronh. Số lượng bà con di cư tự do biến động thường xuyên nên công tác quản lý nói chung và quản lý trong y tế, nắm lịch sử tiêm chủng nói riêng gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân di cư tự do thường sống ở các tiểu khu nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ cách trung tâm huyện khoảng 50 – 60 km, đường sá đi lại khó khăn nên hầu như bà con không tìm đến ngành y tế khi có bệnh tật. Thêm vào đó, việc ngôn ngữ bất đồng, sự tồn tại những hủ tục lạc hậu, chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên bà con ngại tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc không đủ cơ sở pháp lý để thành lập thôn nên đội ngũ y tế thôn bản không thể gây dựng được tại các khu vực này. Mạng lưới y tế cũng vì thế mà khó bao phủ đến những khu vực người H’Mông trong các tiểu khu. Đó là những lý do khiến các tiểu khu nơi bà con người H’Mông sinh sống gần như là “vùng lõm” về y tế. 
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông K’Ngọc Hùng cho biết thêm: Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ y tế đang rất mỏng nên rất khó khăn trong đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn rộng, người dân sinh sống rải rác như Đam Rông. Đơn cử như ở xã Liêng Sronh, 6 cán bộ y tế phải chăm sóc sức khỏe 9.000 dân; trong đó, có những tiểu khu ở xa trung tâm hàng chục cây số. Bởi vậy, mặc dù trung bình hàng năm, khoa y tế dự phòng của Trung tâm Y tế huyện phối hợp với trạm y tế xã thực hiện khoảng 3 đợt tiêm chủng trong Nhân dân song các tiểu khu vẫn là khu vực dễ bị ảnh hưởng khi có dịch bệnh xảy ra.
 
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đam Rông vào tiến hành phun xử lý môi trường tại các tiểu khu có người H’Mông sinh sống. Ảnh: TTYT Đam Rông
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đam Rông vào tiến hành phun xử lý môi trường tại các tiểu khu có người H’Mông sinh sống. Ảnh: TTYT Đam Rông
Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh
 
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và tại huyện Đam Rông cũng đã ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên. 
 
Tâm dịch bắt đầu từ khu vực sinh sống của bà con người dân tộc H’Mông tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Điều này đặt địa bàn giáp ranh như Đam Rông trước nhiều vấn đề cần giải quyết khi ổ dịch bạch hầu tại Thôn 6 và Thôn 8 (xã Quảng Hòa) cách thôn Đắk Măng (xã Đạ R’sal) khoảng 5 km; xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong) là khu vực tiếp giáp với Tiểu khu Tây Sơn thuộc xã Liêng S’rônh (huyện Đam Rông). Người dân ở các địa phương thường qua lại, trao đổi buôn bán và một số trẻ của xã Quảng Hòa đang theo học các trường bên xã Đạ R’sal. Bởi vậy, các tiểu khu của người H’Mông là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bạch hầu. Bên cạnh đó, dịch SARS-CoV-2 bùng phát trở với diễn biến phức tạp hơn lại đặt huyện Đam Rông trước thách thức phải ứng phó tình trạng dịch chồng dịch.
 
Cán bộ y tế vào tận nơi tiến hành công tác tuyên truyền và tiêm chủng phòng dịch cho bà con ở vùng sâu vùng xa. Ảnh: TTYT Đam Rông
Cán bộ y tế vào tận nơi tiến hành công tác tuyên truyền và tiêm chủng phòng dịch cho bà con ở vùng sâu vùng xa. Ảnh: TTYT Đam Rông
Hiện nay, ngành y tế huyện Đam Rông đã tiến hành đánh giá nguy cơ và tiến hành phun xử lý môi trường, khám sàng lọc và thực hiện tiêm chủng cho tất cả người dân ở khu vực nguy cơ cao gồm xã Đạ Rsal và các tiểu khu ở xã Liêng Sronh. Theo bác sĩ K’Ngọc Hùng, cả bệnh bạch hầu và dịch SARS-CoV-2 đều là bệnh lây qua đường hô hấp nên phương pháp phòng tránh tương đối giống nhau. Điều này phần nào tạo thuận lợi cho ngành y tế trong triển khai phòng dịch.
 
Sau khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Đam Rông đã có cuộc họp khẩn để tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Theo đó, việc quản lý người đến, người đi ở địa phương được thực hiện chặt chẽ với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Bởi đó là giải pháp tiên quyết cần thực hiện để tránh các đối tượng từ vùng dịch xâm nhập vào địa bàn. Quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông đến từ khu vực một số xã giáp ranh ở tỉnh Đắk Nông và thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Các tổ ứng phó nhanh đã được kích hoạt trở lại tại các xã sau đợt dịch Covid-19 trước. Các khu vực cách ly đã trong trạng thái sẵn sàng. Tuyên truyền vẫn được xem là giải pháp xương sống và được đẩy mạnh trong Nhân dân. Theo đánh giá của các địa phương, khi dịch bệnh bùng phát trở lại người dân đã chủ động ứng phó hơn. Điều đó được chứng minh qua việc kịp thời thông báo với chính quyền địa phương khi có đối tượng lạ vào địa bàn. 
 
Dưới sự chỉ đạo nhất quán từ huyện, các ngành, địa phương ở Đam Rông đều xác định rõ việc tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác trong mọi thời điểm. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch để tăng sức đẩy lùi cùng lúc hai dịch bệnh. 
 
HOÀNG MY