Đẩy nhanh tiến độ xử lý rác thải sinh hoạt ở Đơn Dương

05:10, 14/10/2019

Đơn Dương hiện được Trung ương chọn thí điểm là một trong 4 huyện nông thôn mới kiểu mẫu của toàn quốc. Đây cũng là địa bàn tập trung canh tác rau, củ, quả lớn nhất tỉnh. Bài toán bảo vệ môi trường, trong đó xử lý chất thải sinh hoạt là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm.  

Đơn Dương hiện được Trung ương chọn thí điểm là một trong 4 huyện nông thôn mới kiểu mẫu của toàn quốc. Đây cũng là địa bàn tập trung canh tác rau, củ, quả lớn nhất tỉnh. Bài toán bảo vệ môi trường, trong đó xử lý chất thải sinh hoạt là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm.  
 
Công trình Tổ hợp xử lý rác thải sau mấy tháng thi công
Công trình Tổ hợp xử lý rác thải sau mấy tháng thi công
 
Những bất cập trong thu gom và xử lý rác
 
Huyện Đơn Dương có tổng diện tích đất tự nhiên trên 61.000 ha. Với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng cùng kinh nghiệm canh tác của nông dân, đây là địa bàn dành đất sản xuất nông nghiệp gần 17.000 ha, tập trung các loại rau, củ, quả. Dân số hiện toàn huyện khoảng hơn 100.000 người. Sự cố gắng của toàn huyện, được quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, tháng 10/2015, Đơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới và nay là một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và triển khai Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025”.
 
Tuy nhiên, bảo vệ môi trường sau khi đạt tiêu chí về chuẩn huyện nông thôn mới vẫn là mối đặc biệt quan tâm của huyện. Về thu gom rác thải trên địa bàn huyện được giao cho Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng (TTQL&KTCTCC) đảm nhận. Theo báo cáo tháng 9/2019 của UBND huyện Đơn Dương, tổng lượng rác thải thu gom đạt khoảng 70%. Làm việc với TTQL&KTCTCC, Phó Giám đốc Nguyễn Công Tĩnh cho chúng tôi biết thông tin cụ thể từng địa bàn trên huyện về thực hiện thu gom rác thải. Trong đó, thị trấn Thạnh Mỹ thu gom đạt khoảng 80%, bình quân 20 tấn/ngày; thị trấn D’Ran 70%, khoảng 18 tấn/ngày; các xã Lạc Lâm 85% (15 tấn), Lạc Xuân 80% (14 tấn), Đạ Ròn 70% (9 tấn), Quảng Lập 90% (10 tấn), Ka Đô 80% (16 tấn), Ka Đơn 65% (10 tấn), P’Ró 60% (8 tấn), Tu Tra 60% (11 tấn). Trung tâm này đã triển khai ký kết hợp đồng với người dân cùng thực hiện Đề án “Thu gom rác thải toàn dân trên địa bàn huyện Đơn Dương giai đoạn 2016-2020” với 10.962/23.365 hộ, đạt tỷ lệ 46,9%; trong đó 1.699/1.929 hộ kinh doanh, đạt tỷ lệ gần 89%. 
 
Thực hiện Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 4/4/2016 của UBND huyện, hiện nay UBND huyện đang giao TTQL&KTCTCC phối hợp UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Thu gom rác thải toàn dân trên địa bàn huyện Đơn Dương giai đoạn 2016-2020” theo đúng lộ trình. Vấn đề hàng đầu là công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Cùng đó, phối hợp thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Mặt khác, TTQL&KTCTCC cần tăng thêm tuyến thu gom. Tuy nhiên, Phó Giám đốc TTQL&KTCTCC Nguyễn Công Tĩnh thẳng thắn chia sẻ những khó khăn hiện nay đối với đơn vị. Đó là, ý thức về thực hiện Đề án của một số bộ phận người dân chưa cao; hệ thống giao thông liên thôn khó khăn trong vận chuyển; bãi rác tập trung quá tải;… Đặc biệt là đơn vị thiếu xe chuyên dụng thu gom rác, đang phải thuê bên ngoài 3 xe, còn 3 xe hiện có đã xuống cấp nhiều; và thiếu nhân công thu gom rác. Trung tâm đã kiến nghị, mong các cấp thẩm quyền quan tâm cùng tháo gỡ. UBND huyện cũng cho biết hạn chế về công tác xử lý rác thải sinh hoạt sau thu gom là chỉ dừng lại ở việc chôn lấp, về lâu dài không thể tồn tại do không đủ diện tích đất và gây ô nhiễm. 
 
Tiến độ xây dựng tổ hợp xử lý rác chậm
 
Ngày 3/7/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 1449/QĐ-UBND “Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương” (gọi tắt Tổ hợp). Tổ hợp được xây dựng tại thôn Nghĩa Hiệp 1, với diện tích đất gần 10 ha. Theo quyết định, Tổ hợp xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và phế phẩm nông nghiệp tại huyện Đơn Dương, bằng công nghệ sinh học hiếu khí tốc độ cao. Quy mô xử lý giai đoạn 1 là 50-150 tấn rác/ngày. Tổng mức đầu tư dự án trên 43 tỷ đồng. Ngày 18/3/2016, dự án được UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt. Thời gian đầu tư thực hiện dự án 50 năm. Ngày 5/4/2019, sau khi có Tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (ngày 1/4/2019), UBND tỉnh có Quyết định số 737 về việc thu hồi cho Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt thuê đất để thực hiện dự án, với tổng diện tích đất gần 7,75 ha. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 752 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp cho chủ dự án là Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. 
 
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Tổ hợp, sớm đưa vào sử dụng, ngày 16/4, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 2169 “Yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt khẩn trương thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư theo đúng quy định; đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong tháng 12/2019”. Văn bản cũng nêu rõ, nếu Công ty này không đầu tư, xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ cam kết thì sẽ thu hồi dự án theo quy định. 
 
Ngày 9/10, chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng Tổ hợp, khoảng 15 công nhân đang triển khai thi công công trình. Các vật liệu ngổn ngang, phương tiện và công cụ đào múc vận chuyển đang dừng vận hành. Con đường vào Tổ hợp đang san ủi tạm và sử dụng đường cũ vào bãi rác. Làm việc với đại diện UBND xã Ka Đô, Phó Chủ tịch Lê Thị Bích Thủy cho chúng tôi biết: Sau khi tỉnh và huyện có chủ trương xây dựng Tổ hợp trên địa bàn, chính quyền xã đã tổ chức họp 140 hộ dân có liên quan để tham vấn ý kiến. Tất cả các hộ dân đều đồng tình cao chủ trương này. Vì vậy, quá trình giải tỏa và đền bù không vướng mắc gì lớn. Hiện nay, bãi rác tập kết chôn lấp của huyện nằm trên địa bàn xã ngày càng ô nhiễm môi trường nặng nề. Vì vậy, chính quyền và người dân xã Ka Đô rất mong đẩy nhanh tiến độ để đưa Tổ hợp vào hoạt động. “Tiến độ xây dựng như thời gian qua là quá chậm”, bà Thủy nhận xét. 
 
MINH ĐẠO