Nơi thách thức sức người

08:05, 05/05/2017

Ban đầu chỉ là điểm dừng chân trong công cuộc di dân lên vùng cao nguyên của người dân miền Trung, để rồi Trạm Hành trở thành nơi sinh sống của họ. Và, tại đây câu chuyện về những con người chịu thương, chịu khó xếp đá, san đất trên triền đồi để lập làng, sản xuất nông nghiệp đã làm cho tôi tò mò và muốn tìm hiểu về con người, vùng đất trứ danh về cà phê và trà này.

Ban đầu chỉ là điểm dừng chân trong công cuộc di dân lên vùng cao nguyên của người dân miền Trung, để rồi Trạm Hành trở thành nơi sinh sống của họ. Và, tại đây câu chuyện về những con người chịu thương, chịu khó xếp đá, san đất trên triền đồi để lập làng, sản xuất nông nghiệp đã làm cho tôi tò mò và muốn tìm hiểu về con người, vùng đất trứ danh về cà phê và trà này.
 
Kỹ thuật vẫn là vấn đề khó đối với việc trồng rau, hoa nhà kính của nông dân Lê Tuấn Anh. Ảnh: H.Y
Kỹ thuật vẫn là vấn đề khó đối với việc trồng rau, hoa nhà kính của nông dân Lê Tuấn Anh. Ảnh: H.Y
Những ngày “mở đất” lập làng
 
Từ trung tâm Đà Lạt theo Quốc lộ 27 chúng tôi xuôi về hướng Trại Mát để đến với xã Trạm Hành. Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh nhiều ngôi nhà bề thế, những vườn cà phê tươi tốt, những vòm nhà kính vừa mới xây dựng. Qua lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã, tôi tìm về ngôi nhà của già Phạm Văn Hùng, ngôi nhà gỗ được xây dựng từ thời xưa. Đã bước sang tuổi 101, già  Hùng vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày đầu gian khó đặt chân đến chốn “rừng thiêng nước độc” của Trạm Hành. 
 
Những thập niên đầu thế kỷ 20, vùng Trạm Hành còn là vùng đất hoang vu, chỉ có một số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phát rừng làm rẫy dọc bờ sông Đa Nhim. Nhưng từ khi tỉnh Lâm Viên được thành lập vào năm 1916 và tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập năm 1920, chính quyền thực dân Pháp vừa tập trung xây dựng Đà Lạt thành trung tâm nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương, vừa tiến hành thăm dò và khai thác kinh tế ở vùng đất Nam Tây Nguyên giàu có này. 
 
Sau nhiều lần thăm dò khảo sát thấy vùng đất thuộc xã Trạm Hành ngày nay có khả năng trồng trà để chế biến trà đen xuất khẩu, nên năm 1926, Công ty Cây trồng nhiệt đới (Sosiété des gulturstrebicales) cho thành lập Sở trà Cầu Đất. Năm 1927, Sở trà Cầu Đất chính thức thành lập với diện tích 900 ha. Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn Khoa Đài cùng 4 người khác đứng ra xin thành lập làng Trạm Hành với lý do: người Việt Nam có tục lệ thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên nên phải có đình, có làng. Lý do chính đáng đó được chính quyền thực dân Pháp và chính phủ Nam triều chấp nhận. Sau khi tuyến đường xe hơi từ Phan Rang lên Đà Lạt hoàn thành năm 1930 và tuyến đường xe lửa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt hoàn thành năm 1933, hàng trăm người thất nghiệp từ các nơi đổ về, số đông vào làm công nhân cho Sở trà Cầu Đất, số còn lại định cư trên quê hương mới, trong đó có ông. 
 
Già Hùng tâm sự, hiển nhiên những người mới chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, rời xa nơi mà mình từng sống gắn bó, ắt hẳn phải gặp vô vàn khó khăn. Những ngày mới đặt chân vào đây, vùng Trạm Hành chỉ là vùng rừng núi hoang vu không một bóng người, xung quanh là rừng già. Sợ nhất là ban đêm, không ai dám đặt chân ra ngoài bởi ở đây toàn lợn lòi, hùm, beo, cọp xung quanh nhà, trời về đêm thì lạnh thấu xương. Cuộc sống vô vàn khó khăn, ban ngày, ông vào Sở trà của Pháp làm việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, ban đêm phải ở rừng để hạ cây khai hoang đất để sản xuất. 
 
“Thuở ấy, dụng cụ khai phá còn thô sơ, chỉ có cưa tay để hạ cây, có khi cả ngày trời tôi mới hạ nổi một cây. Và, phải mất hàng tháng trời tôi mới có thể khai phá được một khoảnh đất nhỏ, mà đất thì đâu có hề bằng phẳng để trồng cây, muốn có miếng đất vài trăm mét phải sử dụng đôi bàn tay và xà beng nậy đá ra thành từng cục sắp xếp kè bờ rồi ban đất ra để dọn đất trồng bắp, đậu, su su. Sau khi thu hoạch xong, chúng tôi phải gánh bộ hàng nông sản xuống tận vùng Đơn Dương để bán, lấy tiền đổi gạo ăn” - già Hùng nhớ lại.
 
Cuộc sống vất vả là vậy nên già Hùng rất tự hào: “Sống từng ấy năm, trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, già càng trân trọng những gì mà đôi bàn tay mình làm nên và ông luôn dạy con cháu biết trân trọng những gì cha ông đã gầy dựng bởi những con người bám đất, lập làng và những giọt mồ hôi, nước mắt của họ đã nở hoa để biến vùng đất chỉ toàn đồi dốc trở nên trù phú nổi tiếng bởi loại cà phê và trà thơm ngon bậc nhất thế giới”. 
 
Mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp CNC
 
Để “mục sở thị” nơi người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chúng tôi đã vượt qua những đoạn đường gập ghềnh dốc và cua ngoặt liên tục, có những đoạn giống như sợi chỉ vắt từ ngọn đồi này qua ngọn đồi kia. Nhìn những dãy nhà kính nằm chênh vênh giữa sườn đồi, chúng tôi khâm phục tính cần cù, siêng năng của người nông dân nơi đây - nơi sức người trở nên phi thường. 
 
Ông Huỳnh Hạnh (74 tuổi, thôn Trạm Hành 1) chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn muốn bám trụ mảnh đất của cha ông để canh tác. Xưa sản xuất còn khổ hơn nhiều bởi chưa có đường xe máy đi, mỗi khi thu hoạch nông sản chúng tôi phải đổi công cho nhau để có thể gánh bộ khoảng 3 km đường đồi dốc mới có thể đưa nông sản tới trung tâm để tiêu thụ... Dẫu biết thương hiệu cà phê Cầu Đất vốn nổi tiếng và có từ lâu đời,  nhưng những năm gần đây, cà phê bị sâu Bù xè tấn công làm cho cây mỗi ngày chết dần, gây thiệt hại kinh tế khá lớn, gia đình tôi phải chuyển đổi một phần diện tích đất để chuyển hướng phát triển mới. Điều kiện khí hậu Đà Lạt lại rất thích hợp với trồng rau, hoa nhà kính, chính vì vậy bằng số tiền tích góp cộng với vay mượn gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính để trồng hoa. Tuy nhiên, việc làm nhà kính trên mảnh đất này không hề dễ dàng bởi đất đai chủ yếu đồi dốc, san ủi một mặt bằng để trồng rau, hoa cực kỳ khó khăn, chi phí có thể đội lên khá nhiều. Với 3 sào nhà kính gia đình tôi chi phí khoảng 500 triệu đồng chưa kể hệ thống nước, và giống... Tuy phải bỏ ra chi phí lớn nhưng lợi nhuận mà việc trồng rau, hoa nhà kính mang lại là khá cao, dự tính khoảng 3 năm nữa tôi sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có lãi”. 
 
Tương tự gia đình ông Lê Tuấn Anh (47 tuổi, thôn Trạm Hành 2) đầu tư 5 sào nhà kính, trong đó 3 sào trồng hoa cát tường và 2 sào trồng ớt. Trước đây, gia đình anh cũng như bao gia đình ở vùng Trạm Hành chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình biến đổi khí hậu, cà phê không đạt năng suất, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn trong khi vẫn phải đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Với suy nghĩ trồng ngoài trời thì bấp bênh, lại phải phụ thuộc vào thời tiết, ông Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư nhà kính để trồng rau, trồng hoa theo hướng công nghệ cao. Ông Lê Tuấn Anh cho biết: “Điều đầu tiên để dựng được nhà kính phải có đất thuộc diện được phép san ủi mặt bằng, vì phần lớn đất ở đây chưa có sổ đỏ, điều thứ 2 là phải tiện đường và nước phải sạch thì trồng rau, hoa mới có hiệu quả được. Sau nhiều lần trồng thất bại, năng suất, chất lượng thấp, tôi phải lên mạng tự mày mò học kỹ thuật, nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn... nên giờ cây trồng phát triển khá tốt, mang lại kinh tế cao, đây là một điều hết sức phấn khởi”.
 
Phát triển theo quy hoạch
 
Những năm gần đây, bên cạnh việc giữ vững thương hiệu cà phê Cầu Đất nổi tiếng, người dân xã Trạm Hành đã chuyển một phần diện tích đất nhỏ của gia đình để phát triển rau, hoa công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao so với cà phê khoảng 100 triệu đồng/sào... 
 
Ông Trần Thanh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Trạm Hành cho biết: “Là xã mới tách ra từ xã Xuân Trường, nên Trạm Hành hiện còn khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sức mạnh nội sinh, Trạm Hành đã vươn lên hoàn thành mục tiêu Quốc gia về  xây dựng NTM. Nông dân Trạm Hành cần cù siêng năng, biết học hỏi khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình. Chủ trương của xã là sẽ tạo mọi điều kiện để người dân nơi đây phát triển rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, vốn đầu tư nhà kính tương đối cao nên không phải ai cũng làm được, đặc biệt khó nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và vấn đề kỹ thuật của người dân còn hạn chế.  Hiện nay, diện tích rau, hoa nhà kính ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã khoảng 60 ha. Tuy nhiên, chủ trương của xã là phải phát triển theo quy hoạch từng vùng phù hợp, đồng thời vẫn tập trung chăm sóc phát triển cây cà phê làm chủ lực để giữ vững thương hiệu cà phê Cầu Đất vốn đã nổi tiếng từ lâu”.
 
Với bản chất cần cù, chịu khó nên phần lớn đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc. Vùng đất mới này chính là quê hương thứ 2 của những người xa xứ. Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng thôn Trạm Hành 2 cho biết: “Ngày trước, ở Trạm Hành chỉ lác đác vài chục hộ, dần dần người dân đến đây làm ăn sinh sống ngày một nhiều. Tuy đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng họ sống rất đoàn kết, chia sẻ và luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới người dân tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được người dân hiến đất, góp tiền, góp công để xây dựng, tạo ra bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới”.
 
Rời Trạm Hành, bỏ lại sau lưng cảnh tấp nập lao động của những con người nơi đây, lòng chúng tôi lại dâng lên một niềm cảm phục trước vùng đất thách thức sức người.
 
Ghi chép: HOÀNG YÊN