Hồi chuông từ đại ngàn

08:04, 21/04/2016

Gần một nửa diện tích đất nước đang phải hứng chịu thiên tai nặng nề. Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. Bên cạnh tác nhân chính là hiện tượng El Nino thì hoạt động phá rừng chính là một trong những "thủ phạm" khiến cho tình hình trở nên trầm trọng.

Gần một nửa diện tích đất nước đang phải hứng chịu thiên tai nặng nề. Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. Bên cạnh tác nhân chính là hiện tượng El Nino thì hoạt động phá rừng chính là một trong những “thủ phạm” khiến cho tình hình trở nên trầm trọng.
 
Điển hình là khu vực Tây Nguyên, xứ sở của đại ngàn, từ lâu vẫn được biết tới là vùng đất có khí hậu ôn hòa, nhiều sông, lắm thác nhưng do tác động bởi nạn phá rừng mà hiện phải đối mặt với nắng nóng và thiếu nước nghiêm trọng.
 
Cách đây chưa lâu, tại hội thảo về bảo vệ sinh cảnh khu vực Nam Trường Sơn do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WFF) tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), các chuyên gia đã cảnh báo tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên sẽ phá vỡ hệ sinh thái và làm gia tăng tình trạng hạn hán, lũ lụt ở Tây Nguyên và các vùng phụ cận bởi Tây Nguyên hiện chiếm 60% diện tích rừng cả nước. Đây cũng chính là “nhà máy” lưu trữ, cung cấp nguồn nước cho toàn miền Nam, bởi ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có hệ thống sông Mê Kông bắt nguồn từ nhiều quốc gia, hầu hết các dòng sông ở miền Nam đều bắt nguồn từ Tây Nguyên.
 
Đến nay, lời cảnh báo ấy đã thành sự thật; những ngày này, đi khắp Tây Nguyên ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những sông, hồ cạn trơ đáy; cây cối và hoa màu héo úa, chết khô; người và vật nuôi chật vật đi tìm nguồn nước uống. Các dòng sông nhận nước từ Tây Nguyên như hệ thống sông Đồng Nai (các tỉnh Đông Nam Bộ), sông Lũy (Bình Thuận), sông Dinh (Ninh Thuận), sông Cái (Nha Trang), sông Ba (Phú Yên), sông Kôn (Bình Định)… cũng đã xuống dưới mức lịch sử khiến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhiều địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
 
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giai đoạn 2008-2014, khu vực Tây Nguyên bị mất gần 359.000ha rừng, trung bình mỗi năm mất hơn 52.000ha. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân phá rừng để lấy đất sản xuất, do quá trình chuyển đổi ồ ạt diện tích rừng sang trồng cây cao su, doanh nghiệp sau khi được giao đất, giao rừng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc không làm tốt công tác quản lý, sự phát triển “nóng” các dự án thủy điện, công tác quản lý còn nhiều bất cập…
 
Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình 1ha rừng bảo vệ được tốt, mỗi năm sẽ giữ được gần 40.000 lít nước và có thể cung cấp cho môi trường khoảng 2.100m 3 nước/năm, tương đương với lượng mưa 210mm. Khi những nhà máy này bị tàn phá, nguồn nước cung cấp cho các dòng sông bị cạn kiệt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa tại khu vực hạ lưu sẽ ngày càng trầm trọng. 
 
Hạn hán và xâm nhập mặn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hại của tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung. Tuy nhiên, thực tế không phải là không có lối thoát, bởi theo một số liệu thống kê mới nhất, Tây Nguyên vẫn còn hơn 2,5 triệu ha rừng. Tại nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia, rừng phòng hộ ở Tây Nguyên hiện nay vẫn có những dòng suối đầy nước trong mùa hạn. Dưới chân những ngọn đồi phủ màu xanh của rừng, người dân vẫn đào thấy nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đây chính động lực cho các cấp chính quyền và người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.        
 
Vũ Đình Đông