BHYT không phải là quỹ tương trợ xã hội

09:08, 19/08/2015

Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương mới, nhằm giúp mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giảm mức chi trả từ tiền riêng của người dân, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an sinh xã hội... 2015 là năm đầu tiên những quy định mới có tính đột phá của Luật BHYT được áp dụng;

Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương mới, nhằm giúp mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giảm mức chi trả từ tiền riêng của người dân, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an sinh xã hội... 2015 là năm đầu tiên những quy định mới có tính đột phá của Luật BHYT được áp dụng; trong đó, nổi lên là quy định: Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình phải mua BHYT cho toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng đã có thẻ BHYT thuộc các đối tượng khác. Cũng theo quy định này, trong một gia đình, mỗi năm, người thứ nhất mua BHYT với mức tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương 621.000 đồng), người thứ hai mua ở mức bằng 70% người thứ nhất, người thứ ba bằng 60%, người thứ tư bằng 50% và kể từ người thứ năm trở đi mua ở mức bằng 40% người thứ nhất. Tính ra, mức BHYT toàn dân này có thấp hơn so với từng đối tượng trong gia đình mua riêng cho mình. Tuy nhiên, tổng số tiền phải mua cho mọi thành viên trong gia đình hằng năm đối với mỗi hộ (tính bình quân 4 - 5 khẩu) thì mức 1,7 triệu đồng đến trên dưới 2 triệu đồng mỗi năm là không nhỏ so với thu nhập của người dân hiện nay. 
 
Theo BHXH Lâm Đồng, tính đến đầu năm 2015, cả tỉnh có 726.127 người tham gia BHYT - giảm 68.234 người so với cuối năm 2014 (794.361 người, tính đến ngày 31.12.2014). Sau hơn 6 tháng triển khai tích cực các giải pháp, con số này cũng chỉ nhích lên đến 773.014 người - vẫn không ngang bằng con số cuối năm 2014. Như vậy, hiện Lâm Đồng chỉ mới đạt tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng gần 61%. Nguyên nhân của sự giảm sút này được BHXH Lâm Đồng lý giải: Số người được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT vùng khó khăn giảm nhiều; đối tượng nghèo và cận nghèo khi thoát nghèo tham gia rất ít. Cùng đó, theo quy định, tỷ lệ đóng BHYT của HSSV năm 2015 là 4,5% chứ không phải 3% như năm học 2014 trở về trước, nên ít nhiều ảnh hưởng đến số lượng tham gia. BHXH Lâm Đồng cho biết, để thực hiện tốt chính sách BHYT toàn dân, ngoài việc tuyên truyền và vận động trực tiếp đối tượng, cơ quan bảo hiểm còn giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện và thành phố. Tại một hội nghị bàn giải pháp thực hiện BHYT toàn dân của huyện Đức Trọng vừa được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu lo ngại: Ngoài 12.800 người thuộc diện đưa ra khỏi vùng khó khăn (không được tiếp tục “bao cấp” BHYT) thì việc triển khai Luật BHYT sửa đổi cũng có những vướng mắc nhất định trong thực tế. Trong đó, một số ý kiến nêu thẳng vấn đề: Theo quy định, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải mua BHYT nhưng nếu như gia đình nào không mua BHYT thì cũng... không sao cả, vì không có những quy định xử lý cụ thể. 
 
Thực chất của BHYT cần được hiểu là: Nó không phải là quỹ tương trợ mà là một cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội mà mọi thành viên tham gia đều có cơ hội được hưởng. Từ trước đến nay, đa số người dân đều mua BHYT theo kiểu “mua cho người ốm” để được BHYT “chia sẻ” chứ không hiểu rằng trước tiên, mọi thành viên trong chính gia đình mình phải có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với người ốm của gia đình. Như vậy, vấn đề đáng quan tâm ở đây là có lẽ cơ quan chức năng chưa tuyên truyền thấu đáo về bản chất của BHYT là một cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro chứ hoàn toàn không phải là một quỹ tương trợ xã hội!
 
Khắc Dũng