Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

06:11, 06/11/2020

Trong 4 năm qua, HĐND thành phố Đà Lạt có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Qua đó, đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, của người đại biểu HĐND để làm tốt mọi nhiệm vụ, yêu cầu đề ra, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cử tri thành phố.

 

Trong 4 năm qua, HĐND thành phố Đà Lạt có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Qua đó, đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, của người đại biểu HĐND để làm tốt mọi nhiệm vụ, yêu cầu đề ra, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cử tri thành phố.
 
Đại biểu HĐND thành phố kiến nghị về những vấn đề tồn tại, bất cập mà cử tri gửi gắm
Đại biểu HĐND thành phố kiến nghị về những vấn đề tồn tại, bất cập mà cử tri gửi gắm
 
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, với 40 đại biểu HĐND được bầu, chất lượng đại biểu được nâng cao hơn (90% đại biểu có trình đại học và trên đại học). Trong tổ chức bộ máy có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, mỗi ban có 7 thành viên. Trong đó, Trưởng Ban Pháp chế hoạt động kiêm nhiệm và Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội hoạt động chuyên trách. 
 
Thường trực HĐND thành phố Đà Lạt và 2 ban HĐND đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ giám sát theo luật định. Xây dựng, triển khai chương trình hoạt động, giám sát hàng năm đạt kết quả, thực hiện đúng nghị quyết mà HĐND thành phố đã ban hành. Tham mưu ban hành các nghị quyết của kỳ họp HĐND đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tính khả thi. 
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố đã triệu tập 16 kỳ họp, trong đó 9 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp bất thường đúng quy định và đạt kết quả cao. Cùng đó, kịp thời kiện toàn bộ máy của HĐND và UBND để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. 
 
Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, HĐND thành phố đã tiến hành xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND thành phố, của UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và nhiều báo cáo khác theo thẩm quyền quy định. Thực hiện giám sát chuyên đề, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; triển khai thực hiện tốt công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND thành phố.
 
Thường trực HĐND thành phố đã thường xuyên thực hiện việc xem xét quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp. Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 trong thời gian giữa 2 kỳ họp HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thành phố Đà Lạt đã tổ chức 10 đợt giám sát chuyên đề về nhiều nội dung quan trọng được cử tri và Nhân dân quan tâm. Kết quả giám sát đạt yêu cầu đề ra, chỉ ra những sai phạm, vướng mắc và những tồn tại hạn chế trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Thường trực HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng đã tổ chức thành công 4 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về những nội dung bức xúc, nổi cộm mà cử tri và Nhân dân phản ánh. Tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND thành phố, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. 
 
Các đơn, thư của người dân gửi đến cơ quan Thường trực HĐND được giao cho Ban Pháp chế phân loại, chuyển đơn, trả lời đơn, theo dõi việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, tham mưu giám sát việc giải quyết đơn, thư. Kết quả, hầu hết các đơn thư của công dân được Thường trực HĐND thành phố chuyển đến đều được cơ quan có thẩm quyền thụ lý, xem xét giải quyết; đối với những đơn thư chậm giải quyết được đôn đốc chỉ đạo kịp thời giải quyết, đáp ứng nguyện vọng cử tri và Nhân dân.
 
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố cũng gặp một số khó khăn giống như các huyện, thành phố trong tỉnh. Do hạn chế về thời gian, số lượng cử tri tiếp xúc ít nên chất lượng buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND cuối năm còn hạn chế. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp trên nên quy định hoặc hướng dẫn rõ thêm về hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ cuối năm. Bên cạnh đó, chất lượng các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng không đạt yêu cầu cao do số lượng cử tri mời tham dự đều là “đại diện cử tri” lại là những ban đại diện tổ dân phố, thôn, đại diện đoàn thể chính trị nên việc phổ biến nghị quyết, nội dung kiến nghị chưa phong phú, đa dạng, chưa đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà Nhân dân muốn nói, muốn gửi gắm tới đại biểu dân cử.
 
Trao đổi về nội dung giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Tới cho hay: Đa phần các đợt giám sát chuyên đề được triển khai thuận lợi, đạt kết quả trên cơ sở Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Tuy nhiên, một số kiến nghị giám sát chuyên đề của HĐND thành phố chưa được cơ quan là đối tượng giám sát tiếp thu và thực hiện kịp thời. Chính vì vậy, cần có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND và thẩm quyền của HĐND về xem xét trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị. Điều này sẽ giúp làm tăng trách nhiệm của Thường trực HĐND và các ban HĐND khi xây dựng văn bản kết luận, kiến nghị giám sát chuyên đề, nội dung kiến nghị cụ thể, sát thực tiễn và tình hình điều kiện của địa phương. Đồng thời, cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND, trưởng các ban HĐND trong việc đánh giá, nhận xét về kết quả hoạt động của các đại biểu HĐND, nhất là ủy viên các ban nhằm tăng cường trách nhiệm đại biểu HĐND và thành viên các ban HĐND, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay. 
 
NGUYỆT THU