Tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng Lâm Ðồng phát triển toàn diện và bền vững

08:06, 06/06/2019

Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã không ngừng nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Lâm Ðồng lần thứ VII đề ra. Qua đó, đã góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên toàn dân tham gia xây dựng gia đình, cộng đồng, quê hương Lâm Ðồng ngày càng phát triển. 

Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã không ngừng nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Lâm Ðồng lần thứ VII đề ra. Qua đó, đã góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên toàn dân tham gia xây dựng gia đình, cộng đồng, quê hương Lâm Ðồng ngày càng phát triển. 
 
Nhân dịp Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 , phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về thành tựu nổi bật thời gian qua.
 
PV: Thưa ông, đại hội lần thứ VIII diễn ra trong thời điểm hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Năm năm qua, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vậy ông có thể khái quát những thành tựu cơ bản của MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2014 - 2019 là gì?
 
Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông
Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng mở rộng các hình thức tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe, tập hợp những kiến nghị và nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền... góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Tổ chức sâu rộng, thiết thực, chất lượng và hiệu quả các cuộc vận động và nhiều phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chương trình “Vì người nghèo”, phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...; phát huy được sự sáng tạo và vai trò tự quản của Nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chăm lo cải thiện đời sống Nhân dân. 
 
Động viên Nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... Từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý cán bộ, đảng viên. 
 
Phương thức hoạt động ngày càng được đổi mới, chú trọng mở rộng, tăng cường hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, cấp ủy, chính quyền các cấp; hướng mạnh về cơ sở, tập hợp, phát huy vai trò Ban Công tác Mặt trận và người tiêu biểu trong cộng đồng làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở địa bàn dân cư. Chất lượng hoạt động của Ban Thường trực và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được nâng lên, từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Mối quan hệ phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức thành viên ngày càng hiệu quả.
 
Đạt được những thành tựu cơ bản trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện, sâu sát của các cấp ủy đảng; sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp. Vai trò tích cực, chủ động của Mặt trận các cấp trong công tác đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, hiệp thương thống nhất với các tổ chức thành viên trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình công tác của Mặt trận. Sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện chương trình phối hợp thống nhất và hành động hàng năm. Nhờ có đội ngũ cán bộ Mặt trận có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công việc. Các hoạt động đều xuất phát từ yêu cầu, lợi ích chung của xã hội, của người dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng thực hiện, tạo tiền đề để tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong giai đoạn mới.
 
Tôn vinh, biểu dương các chức sắc tôn giáo làm tốt xã hội hóa giáo dục. Ảnh: N.Thu
Tôn vinh, biểu dương các chức sắc tôn giáo làm tốt xã hội hóa giáo dục. Ảnh: N.Thu
 
PV: Nổi bật và xuyên suốt cả nhiệm kỳ là hoạt động đổi mới trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Trung ương MTTQVN phát động và được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao bởi những hiệu quả thiết thực tại Lâm Đồng. Xin ông cho biết rõ hơn về những nội dung này? 
 
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân của MTTQVN các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. MTTQ các cấp luôn kịp thời phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của MTTQVN, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Trong đó, trọng tâm xuyên suốt là tuyên truyền, vận động Nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng.
 
Nội dung, phương thức vận động, tập hợp được đổi mới, mang lại kết quả thiết thực trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội của địa phương. Các tổ chức thành viên không ngừng được củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở và địa bàn dân cư. MTTQ chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên, thống nhất nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động; trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hằng năm tổ chức đăng ký xây dựng khu dân cư tiêu biểu, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn đô thị văn minh; xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, tiến tới xây dựng “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”... Qua đó, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân. 
 
Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác dân tộc, công tác tôn giáo; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao cảnh giác, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, lôi kéo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hỗ trợ, động viên bà con phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo trong tham gia tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện an toàn giao thông…
 
Các hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo, thực hiện an sinh xã hội trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, thiết thực, được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân hưởng ứng tích cực. Hàng năm huy động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đạt và vượt kế hoạch, kịp thời hỗ trợ người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Từ 2014 - 2018 huy động nguồn quỹ các cấp trong tỉnh được trên 55 tỷ đồng, xây dựng trên 2.700 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huy động được trên 17 tỷ đồng, xây dựng trên 263 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách... góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
Các đợt vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng, đóng góp được trên 15 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào trong và ngoài tỉnh, góp phần khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. Thông qua các cuộc vận động đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, tinh thần, trách nhiệm sẻ chia, vì cộng đồng, dân tộc trở thành nhận thức, nếp sống văn hóa, lan tỏa điều tốt, việc thiện trong mỗi người dân.
 
PV: Để đạt được những thành tựu cơ bản trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nhiệm kỳ 2019 - 2024 đề ra, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Từ thực tiễn hoạt động gặt hái những thành công trong 5 năm qua, chúng tôi rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Trước hết, hoạt động của Mặt trận phải bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng; nơi nào MTTQ chủ động đề xuất, cấp ủy quan tâm và thực hiện tốt vai trò “vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”, thì ở đó hoạt động của Mặt trận hiệu quả, khối đại đoàn kết được tăng cường, Nhân dân tin tưởng, đồng thuận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
 
Thứ hai, nội dung công tác Mặt trận phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm sát yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt; giữ vững nguyên tắc hiệp thương, thống nhất hành động, có sự phân công phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên. Chủ động đề xuất, phối hợp công tác với chính quyền, nâng cao hiệu quả công tác vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh to lớn trong Nhân dân.
 
Thứ ba, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, mở rộng hiệp thương với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng; ứng dụng khoa học - công nghệ, phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận và người tiêu biểu có uy tín trong các tôn giáo, dân tộc, các chuyên gia trên các lĩnh vực… làm nòng cốt trong công tác Mặt trận.
 
Thứ tư, tổ chức, bộ máy, cán bộ chuyên trách MTTQ phải được củng cố, kiện toàn ngang tầm với nhiệm vụ; chú trọng tập hợp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên, các vị ủy viên. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tính chủ động, bản lĩnh, sáng tạo, tận tụy trong tham mưu và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, 
 
Thứ năm, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm trong các hoạt động, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình tốt, phổ biến các điển hình tiên tiến.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
 
Những con số nổi bật nhiệm kỳ 2014 - 2019
 
- MTTQ tỉnh đã tổ chức 8 cuộc giám sát chuyên đề, chỉ đạo 24 xã, phường làm điểm về xây dựng mô hình giám sát của MTTQ cấp cơ sở. Đồng thời hướng dẫn tổ chức giám sát liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã gắn với tuyên truyền, vận động Nhân dân thu gom, xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
 
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức 57 cuộc giám sát. MTTQ các huyện, thành phố tổ chức 332 cuộc giám sát và MTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức 257 cuộc giám sát về nhiều lĩnh vực Nhân dân quan tâm.
 
- 1.012 mô hình tự quản trên các lĩnh vực trong toàn tỉnh được xây dựng và phát triển tốt. 
 
- Nhân dân trong tỉnh đóng góp 1.500 tỷ đồng, hàng trăm ngàn ngày công lao động, hiến hàng trăm ngàn m2 đất để tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, hội trường thôn, nhà văn hóa… 
 
- 90/116 xã và huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đức Trọng đang đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
- 55 tỷ đồng được Nhân dân đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, xây dựng được 2.700 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, tặng 150 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, quà cho người nghèo…
 
- Xây mới 263 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 261 căn cho các gia đình chính sách, người có công từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do Nhân dân đóng góp được trên 17 tỷ đồng.
 
- Hơn 16,8 tỷ đồng do cán bộ và Nhân dân Lâm Đồng đóng góp “Quỹ ủng hộ Trường sa”. 
 
- 1.281 vụ việc ở cơ sở được Ban Thanh tra nhân dân giám sát, kiểm tra. 
 
- 1.968 công trình, dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, do Nhà nước và Nhân dân cùng làm tại xã, phường, thị trấn.
 
- Ủy ban MTTQ tỉnh được nhận 4 Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc về đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước tỉnh năm 2014, 2018. Cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2010 - 2015. Nhận 8 bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, UBND tỉnh cùng nhiều bằng khen khác…              (NGUYỆT THU tổng hợp)
 
NGUYỆT THU (thực hiện)