Mang quyền lực nhân dân đến nghị trường

09:01, 01/01/2019

Khẳng định quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực; cái gốc để chấn chỉnh kỷ cương bộ máy vẫn là đạo đức cách mạng của người lãnh đạo. Và, một hệ thống dân cử mạnh sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, thúc đẩy hệ thống chính quyền các cấp kỷ cương, hành động. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải trở thành một "ngọn đuốc" rọi sáng mọi ngóc ngách của cuộc sống.
 

Khẳng định quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực; cái gốc để chấn chỉnh kỷ cương bộ máy vẫn là đạo đức cách mạng của người lãnh đạo. Và, một hệ thống dân cử mạnh sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng, thúc đẩy hệ thống chính quyền các cấp kỷ cương, hành động. Muốn vậy, mỗi đại biểu phải trở thành một “ngọn đuốc” rọi sáng mọi ngóc ngách của cuộc sống.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo chất vấn Chính phủ, các bộ, ngành về những vấn đề môi trường và bảo vệ rừng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo chất vấn Chính phủ, các bộ, ngành về những vấn đề môi trường và bảo vệ rừng

Là một trong những người đại diện cho tiếng nói cử tri và Nhân dân trong tỉnh, ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc mạn đàm với phóng viên Báo Lâm Đồng xoay quanh nội dung “mang quyền lực nhân dân đến nghị trường”. 
 
PV: Thưa ông, với vai trò là ĐBQH chuyên trách, ông có thể cho biết một vài nét cơ bản về sự đổi mới và hiệu quả phát huy tiếng nói cử tri tại nghị trường?
 
Ông Nguyễn Tạo:
 
Quốc hội thực sự có đổi mới, đổi mới về tổ chức và hoạt động để làm sao thể hiện được quyền lực của Nhân dân. Mỗi ĐBQH đã nỗ lực thể hiện được ý chí và nguyện vọng của cử tri, đáp ứng xu thế, yêu cầu phát triển đất nước về KT - XH, QPAN bền vững trong giai đoạn tới. Chúng tôi cảm nhận về tổ chức, vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách và của từng ĐBQH trong đoàn đã từng bước được nâng dần lên về ý thức, trách nhiệm. 
 
Luật Tổ chức Quốc hội từ nội quy kỳ họp đến thời lượng các buổi truyền hình trực tiếp được nâng dần lên. Mọi hoạt động của nghị trường đều thu hút sự quan tâm theo dõi, giám sát của cử tri trong cả nước, nhất là thông qua các buổi truyền hình trực tiếp. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã có 15 phiên được truyền hình trực tiếp, thể hiện sự nỗ lực lớn của cơ quan truyền thông và sự đổi mới của Quốc hội. Kỳ họp thực sự đổi mới trong việc bố trí, sắp xếp lịch làm việc khoa học hơn. Tài liệu gửi bảo đảm yêu cầu về thời gian, tạo điều kiện cho ĐBQH nghiên cứu rõ ràng, cụ thể; ngoài ra, ĐBQH được trưng cầu những đội ngũ chuyên gia pháp lý, chuyên gia tư vấn, chuyên gia kinh tế để tư vấn cho đại biểu những vấn đề cần thiết. Qua đó, những nội dung phát biểu, chất vấn đã thể hiện tính thuyết phục hơn, có căn cứ pháp lý. Hành trang mang đến nghị trường phải là những ý kiến xác đáng, thiết thực của cử tri và Nhân dân.
 
Tôi thường tiếp xúc cử tri (TXCT) tại 30 điểm trong 1 kỳ họp, đến nay đã có 200 điểm TXCT trong hơn nửa nhiệm kỳ. Mỗi đại biểu sẽ được quay trở lại điểm TXCT lần 2, qua đó đã bám sát đời sống Nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kịp thời cho Nhân dân. Chúng tôi đã tiếp nhận, trả lời những nội dung kiến nghị của kỳ họp trước, nhất là thông tin về những vấn đề đã được giải quyết, xử lý ngay tại xã, huyện, thành phố và tỉnh. Những vấn đề thuộc cơ chế chính sách của Trung ương, thẩm quyền Quốc hội thì sẽ được thông qua hoạt động chất vấn, diễn đàn tại nghị trường Quốc hội. Việc các cấp, các ngành kịp thời giải quyết những kiến nghị của cử tri đã thắp sáng thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, tạo thêm động lực để người dân tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, một số ý kiến kiến nghị của cử tri đã tham gia vào công tác xây dựng pháp luật và đồng hành với nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7, góp phần làm cho bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
 
Quốc hội hoạt động dân chủ, năng động, trí tuệ hơn, phản ánh sát thực tiễn những kiến nghị của cử tri, đó chính là nâng dần quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân thông qua những người đại diện cho Nhân dân là ĐBQH. Từ đó, chúng tôi - những người đại biểu dân cử phải tự soi mình, tiếp tục dành thời gian tiếp xúc gặp gỡ nhiều hơn với cử tri, tổ chức những chuyên đề sâu hơn về nhiều lĩnh vực mà người dân quan tâm. Và, kết quả từ nghị trường cho thấy đã có chuyển biến với những dấu hiệu tích cực, hợp lòng dân.
 
Là một ĐBQH chuyên trách, được hưởng lương, chế độ chính sách của Nhà nước, bản thân tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý được dân tin tưởng giao phó. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng trong suốt nửa nhiệm kỳ qua cũng đã nỗ lực hoạt động tương đối đều tay, có trách nhiệm với cử tri tỉnh nhà và cử tri cả nước. Đi đến đâu cũng được cử tri quý mến, bà con không ngại ngùng mà nói hết tâm tư nguyện vọng của mình, những nội dung nào thuộc thẩm quyền cấp trên, cần giải quyết theo tiến độ thời gian, vấn đề gì cần giải quyết trước mắt và cái gì cần giải quyết lâu dài theo quy định pháp luật thì tôi và Đoàn cũng đã giải thích cho bà con hiểu. Phần lớn Nhân dân đều rất hoan hỉ ghi nhận những trả lời của ĐBQH, có những vụ án kéo dài nhiều năm cho rằng oan sai thì chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ trả lời sớm cho bà con. Có 4 vụ án đã được Giám đốc thẩm, Tòa án Nhân dân tối cao kháng nghị theo trình tự - đây là một nét nổi bật trong hoạt động của Đoàn.
 
Nhờ có sự phối hợp của Đoàn ĐBQH với UBMTTQVN tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chặt chẽ, thống nhất đã tạo tiếng nói chung để thực hiện các nội dung hoạt động theo quy định pháp luật. Đồng thời, tạo sự đồng thuận cao trong thụ lý giải quyết vụ việc, giải quyết kiến nghị cử tri, không để xảy ra phức tạp, vụ việc nóng trên địa bàn thời gian qua. Đây cũng là điều đáng mừng. 
 
PV: Hòa chung vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi cả nước, hoạt động của Quốc hội và ĐBQH tại mỗi kỳ họp được ứng dụng công nghệ hiệu quả ra sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Tạo: 
 
Công nghiệp 4.0 hiện đã được áp dụng trong hoạt động của Quốc hội và ĐBQH tại các kỳ họp. Nếu như trước đây mỗi đại biểu cần từ 8 - 10 kg tài liệu giấy thì nay áp dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, từ kế hoạch chuẩn bị nội dung cho kỳ họp, các tài liệu văn bản, dự thảo luật đều được chuyển qua hệ thống mạng điện tử nội bộ của các Ủy ban Quốc hội. Tất cả những đóng góp cũng đều kịp thời gửi qua mạng, việc thu thập, tìm hiểu thông tin, giải quyết công việc cũng nhanh hơn nhờ ứng dung công nghệ thông tin hiện đại.
 
Tại các cuộc họp chuyên đề giám sát tối cao, nối like điện tử trong toàn quốc diễn ra thường xuyên hơn. Chất vấn qua 63 đầu cầu cả nước, các đại biểu được hỏi, được chất vấn trực tiếp các bộ, ngành Trung ương. Qua đó, đã mở ra một hướng mới trong việc trao đổi thông tin vượt qua mọi khoảng cách địa lý. Bằng công nghệ truyền đi hình ảnh, âm thanh trực tiếp của các thành viên đang tham gia cuộc họp từ nhiều địa điểm khác nhau nhờ kết nối mạng, giúp ĐBQH trao đổi thông tin nhanh chóng, xử lý các tính huống cấp bách và tiết kiệm chi phí công tác. 
 
Ứng dụng công nghệ hiện đại theo hướng 4.0 chính là ứng dụng máy móc ở đỉnh cao nhằm tiết kiệm thời gian, không gian, sức lực, trí tuệ, của cải, nhằm từng bước theo kịp xu hướng hiện đại của thế giới. Từ các kỳ họp trước diễn ra khoảng hơn một tháng thì đến kỳ họp thứ 6 đã giảm xuống chỉ còn 22,5 ngày, nên đã tiết kiệm nguồn ngân sách rất lớn. Theo đó, mỗi ĐBQH cũng cần đổi mới hơn nữa để đáp ứng yêu cầu. Cử tri đòi hỏi ngày càng cao hơn thì mỗi ĐBQH phải nêu cao trách nhiệm của mình với cử tri để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đồng thời, cụ thể hóa những chính sách, pháp luật đến đời sống một cách thiết thực nhất.
 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Người dân và doanh nghiệp đang có yêu cầu cao hơn với bộ máy hành chính, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từng cán bộ, công chức, viên chức phải tự thay đổi tác phong làm việc, để góp phần chuyển từ nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin-cho” sang nền hành chính “phục vụ”, coi người dân và doanh nghiệp là đối tác, khách hàng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công. Dự án Luật Hành chính công được xây dựng cũng nhằm tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ/chính quyền điện tử, góp phần tận dụng các tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nước ta.  
 
Chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện để Quốc hội, ĐBQH thực sự có quyền lực hơn, đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng, kiểm soát bộ máy nhà nước. Mỗi đại biểu cần có trách nhiệm để bản thân mình “quan trọng hơn” một cách thực chất, trách nhiệm. Bản thân mỗi đại biểu cũng phải kỷ cương, sáng tạo và đoàn kết. Đặc biệt, ĐBQH phải gắn liền với Nhân dân, gắn liền với cử tri. Chỉ có cử tri mới “dạy” đại biểu phát biểu điều gì, quan tâm điều gì, chất vấn điều gì và làm như thế nào. 
 
Thời gian qua, hoạt động giám sát thông qua chất vấn tại kỳ họp, giải trình tại các ủy ban có hiệu quả tích cực. Cùng với đó, hình thức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cũng có tác dụng nhắc nhở họ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng phát biểu: “...mạch nguồn đổi mới của Quốc hội sẽ không bao giờ vơi cạn vì cội nguồn của những đổi mới ấy chính là để thực hiện đầy đủ, thực chất và hiệu quả quyền lực mà nhân dân đã trao cho Quốc hội”.
 
PV: Xin cảm ơn Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
 
NGUYỆT THU (thực hiện)