Hoạt động của Ðoàn đại biểu Quốc hội Lâm Ðồng tại kỳ họp thứ 6

09:11, 09/11/2018

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bước vào ngày làm việc thứ mười lăm với nhiều kết quả đáng ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Qua đó, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh Lâm Ðồng đã có nhiều ý kiến tâm huyết đại diện cho cử tri Lâm Ðồng gửi tới Quốc hội. 
 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bước vào ngày làm việc thứ mười lăm với nhiều kết quả đáng ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Qua đó, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh Lâm Ðồng đã có nhiều ý kiến tâm huyết đại diện cho cử tri Lâm Ðồng gửi tới Quốc hội. 
 
Hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
Hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Nhìn nhận về tình hình kinh tế - xã hội, ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng:  Kết quả lớn nhất mà chúng ta đạt được trong gần ba năm qua và riêng trong năm 2018 đó là việc thực hiện thành công mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tiếp tục tăng trưởng GDP,  tạo điều kiện thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội,  tạo việc làm và nâng cao thu nhập, của người dân. Mặt khác, việc ổn định trật tự, an toàn xã hội đã tạo tiền đề vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế như nguồn lực đầu tư còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều, văn hóa, xã hội còn những bất cập, nhất là  vấn đề về môi trường còn nhiều thách thức. Thêm vào đó, diễn biến thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, khó đoán định, gây thiệt hại về tính mạng, về tài sản của người dân ngày càng nhiều, vì vậy, mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn là thách thức đối với quá trình phát triển, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Cơ sở hạ tầng hạn chế, chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cuộc sống, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng tăng. 
 
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Lâm Đồng cũng góp ý về nội dung dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm đồng tình nội dung dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được trình tại kỳ họp này và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo của Ban Thường vụ Quốc hội. Về tên gọi thống nhất như dự án luật là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Về  bố cục dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương và 28 điều được rút gọn 6 điều so với dự thảo. Các quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước cũng được  quy định một số điều chi tiết và phù hợp hơn. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số điều quy định rõ về đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lại về phạm vi bí mật nhà nước theo hướng có đối chiếu các luật chuyên ngành và Luật Tiếp cận thông tin để quy định cụ thể từng lĩnh vực, nội dung cần phải được bảo vệ bí mật nhà nước. Hiện nay, quy định tại Điều 7 trên 15 lĩnh vực là quá rộng, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dễ bị áp dụng tùy tiện. Đồng thời, nhằm tránh tình trạng hạn chế quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân không đúng quy định, mâu thuẫn với quy định về dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, cá nhân, được quy định trong các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Quy hoạch. 
 
Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung tại Điều 7 dự thảo luật về phạm vi bí mật nhà nước, bổ sung trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng có một thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về việc kê khai tài sản của các đối tượng phải kê khai theo pháp luật, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng. Bởi lẽ, về cơ sở pháp lý, tới đây chúng ta thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, tại Điều 52 có quy định về dữ liệu kê khai tài sản của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo pháp luật và có quy định về quản lý và cung cấp thông tin dữ liệu theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 42 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, sự tác động khi bị lọt lộ bí mật đời tư của cá nhân và gia đình đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật, bảo đảm cho sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của gia đình cá nhân đó bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, đại biểu đề nghị pháp luật phải có các biện pháp để bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của cá nhân và thân nhân của họ thuộc đối tượng phải kê khai.
 
Phát biểu góp ý luật sửa đổi, bổ sung một số điều  liên quan đến Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tạo  bày tỏ sự thống nhất rất cao về sự cần thiết và đồng tình với nhiều nội dung của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan đến quy hoạch trình Quốc hội lần này, nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan khác. Tuy nhiên, với việc dùng một luật sửa đổi, bổ sung có liên quan đến nhiều đạo luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là một điều rất khó khăn, trong đó phải bảo đảm tính thống nhất của một đạo luật, giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật và tính khả thi trong quá trình triển khai trong thực tiễn. Qua đó, thống nhất cao với ý kiến của cơ quan thẩm tra là đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ hơn các luật khác để không bỏ sót các quyết định liên quan cần sửa đổi, bổ sung.
 
Về cụ thể, đại biểu nhấn mạnh tại khoản 3 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 của Luật Giao thông đường bộ,  dự thảo luật có quy định việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác. Đại biểu cho rằng trong nền kinh tế mở hiện nay của Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ hiện đại như logistic thì quy hoạch mạng lưới đường bộ ngoài việc bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác thì cũng cần phải bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các trung tâm logistic trong tương lai cũng như hệ thống đường bộ quốc tế xuyên Á của các nước láng giềng trong khu vực. Do đó, đề nghị tại khoản 2 Điều 6 của Luật Giao thông đường bộ cần được bổ sung về việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, các trung tâm dịch vụ logistic và mạng lưới đường bộ quốc tế trong khu vực. Điều này cũng áp dụng tương tự đối với việc lập quy hoạch mạng lưới đường sắt được quy định cụ thể ở Điều 3 của dự luật sửa đổi bổ sung Điều 7 của Luật Đường sắt. 
 
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật. Về quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh, đại biểu Nguyễn Tạo  tán thành cao ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung Luật Đất đai được quy định về các vấn đề có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là chưa phù hợp với quy định chung của Luật Quy hoạch và  sẽ gây phức tạp trong việc áp dụng pháp luật khi cùng một nội dung quản lý lại được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Do đó, thống nhất đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh, thực hiện theo Luật Quy hoạch để tránh sự trùng lặp, thiếu thống nhất về nội dung và thẩm quyền. 
 
Về sửa đổi, bổ sung một số điều trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có quy hoạch xây dựng tỉnh, đại biểu tán thành thêm phương án cần bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh vì việc tồn tại 2 loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cùng 1 cấp với nội dung, phạm vi và mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý. Các tỉnh sẽ đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch trên, gây lãng phí về thời gian và kinh phí cho xã hội, tạo thêm thủ tục chồng chéo, gây khó khăn, phức tạp cho quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, không đáp ứng được yêu cầu thu gọn hệ thống quy hoạch, tránh chồng chéo, trùng lặp được đặt ra khi ban hành Luật Quy hoạch. 
 
Những thông tin tiếp theo về hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng sẽ được cập nhật trong những số báo tới nhằm cung cấp thông tin đến bạn đọc, cử tri và nhân dân trong tỉnh.
 
NGUYỆT THU