Phan Châu Trinh đã tin tưởng: "sự nghiệp độc lập nước nhà trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc"

02:05, 25/05/2017

(LĐ online) - Ngày 4/5/2017, trên "danlambaovn.blogspot.com", có người đã trả lời phỏng vấn về mục đích "tại sao nhóm nhân sĩ Đà Lạt lại thành lập Câu lạc bộ Phan Tây Hồ". Ông ta cho rằng "tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh cực kỳ vĩ đại". Về nội dung trả lời phỏng vấn, người viết bài này trao đổi với ông một vài vấn đề để tránh sự đánh tráo khái niệm, mập mờ khiến độc giả hiểu sai, không đúng một cách đáng tiếc về nhà yêu nước đầu thế kỷ XX Phan Châu Trinh. 

(LĐ online) - Ngày 4/5/2017, trên “danlambaovn.blogspot.com”, có người đã trả lời phỏng vấn về mục đích “tại sao nhóm nhân sĩ Đà Lạt lại thành lập Câu lạc bộ Phan Tây Hồ”. Ông ta cho rằng “tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh cực kỳ vĩ đại”. Về nội dung trả lời phỏng vấn, người viết bài này trao đổi với ông một vài vấn đề để tránh sự đánh tráo khái niệm, mập mờ khiến độc giả hiểu sai, không đúng một cách đáng tiếc về nhà yêu nước đầu thế kỷ XX Phan Châu Trinh. 
 
Có lẽ qua nhiều thế hệ, không mấy người Việt Nam không tường tận về chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Theo tư liệu của chính Trường THPT Phan Châu Trinh-TP. Đà Nẵng: “Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9/9/1872 tại làng Tây Lộc, xã Tam Phước nay là xã Tam Lộc, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 28 tuổi đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901), cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Nguyễn Ái Quốc). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan. Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc duy tân ở Nhật Bản. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
 
Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra khắp Trung Kỳ, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Được sự can thiệp của Hội Nhân Quyền Pháp, năm 1911, ông được trả tự do và sang Pháp hoạt động.
 
Tại Pháp, Phan Châu Trinh viết “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt kí”, nói về cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908; “Đông Dương chính trị luận”, phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, cùng với Phan Văn Trường thành lập “Hội đồng bào thân ái”. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” (nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp).
 
Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón cụ. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung thân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu. Tháng 11-1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Đạo đức luân lý Đông - Tây”; “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.
 
Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24/3/1926, lúc 21 giờ 30, cụ từ trần, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.
 
Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng điều đáng quý ở Phan Châu Trinh là tinh thần yêu nước nồng nhiệt, ý chí đấu tranh bất khuất trước cường quyền và gian khổ, quyết tâm đổi mới đất nước...”.
 
Với sự “dày công” nghiên cứu, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ đã phát hiện điều gì mới ở Phan Châu Trinh? Họ nhận định: “Ông (PCT) cũng là người chủ trương dân chủ đa đảng… nếu đi vào nội dung chính thì chúng ta thấy ông không chủ trương đấu tranh giai cấp,…”. Nhận xét như vậy, không hay Câu lạc bộ này có rành bối cảnh đất nước từ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị dân ta? Bất cứ người Việt Nam đều rõ: Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
 
       
Về chính trị, thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn; chia Việt Nam thành ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng. Thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ để bóc lột kinh tế và áp bức chính trị đối với nhân dân Việt Nam.
 
Dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hóa sâu sắc. 
 
Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam, ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, đã nảy sinh mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu và ngày càng gay gắt trong đời sống dân tộc, đó là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Tính chất của xã hội Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đang đặt ra hai yêu cầu: Một là, phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Hai là, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, chủ yếu là ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.
 
Trước những yêu cầu đó, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại.
 
Nguyên nhân từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước lần lượt thất bại là do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước và chỉ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau hành trình bôn ba năm châu bốn biển gặp chủ nghĩa Lê-nin mới thực sự tìm ra con đường giải phóng đúng đắn cho Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.
 
Có lẽ, xin được viện dẫn đôi dòng về mối quan hệ sâu nặng, ân tình giữa chí sĩ Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh. Cùng năm 1911, Phan Châu Trinh rời Sài Gòn ngày 1/4 và đến Pháp vào ngày 27/4, ngụ tại Pa-ri; ngày 5/6, Nguyễn Tất Thành với cái tên là Ba rời Sài Gòn và ngày 15/7 đến cảng Lơ Ha-vơ-rơ (Pháp). Về tuổi tác, Phan Châu Trinh là bậc cha chú của Nguyễn Ái Quốc. Mặc dù giữa hai người có sự khác nhau về phương pháp cứu nước, nhưng Nguyễn Ái Quốc luôn một lòng tôn kính cụ Phan Châu Trinh. 
 
Thời gian hai người cùng sống ở châu Âu, Phan Châu Trinh ở Pháp; Nguyễn Ái Quốc đã có một số lần viết thư gửi cụ Phan khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ I. Sau Nguyễn Ái Quốc về hoạt động ở Pa-ri và được Phan Châu Trinh giúp đỡ rất nhiều. Cụ còn giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc làm quen với những người bạn Pháp. Những người bạn Pháp có cảm tình với Phan Châu Trinh thì cũng trở thành bạn của Nguyễn Ái Quốc. Cụ Phan Châu Trinh đã giới thiệu những người Pháp có cảm tình với Việt Nam để những người này có thể giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc như Giu-lét Ru, Ma-rin Ma-tel, nhà báo Bác-buýt.
 
Có “mẫu số chung” là nhiệt tình yêu nước, giàu trách nhiệm đối với nhân dân, dân tộc nhưng phương pháp cách mạng của hai người lúc đầu không hoàn toàn giống nhau. Cụ Phan Châu Trinh muốn giữ cương vị của mình là một nhà chí sĩ yêu nước không đảng phái… còn Nguyễn Ái Quốc thì đến với học thuyết Mác-Lênin. Và sau nhiều thất bại, khi đã cảm thấy mình bất cập với thời thế, trong một bức thư đề ngày 18/2/1922 gửi từ Mác-xây cho Nguyễn Ái Quốc ở Pa-ri, cụ Phan Châu Trinh đã chân thành bộc bạch: “Tôi tự ví thân tôi như con ngựa già hết nước kiệu, phi nước tế. Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí dễ lẫn. Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê…”. Cuối thư, cụ vui mừng viết rằng Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông”. Nhà chí sĩ tin “không bao lâu nữa cái chủ nghĩa Anh (NAQ) tôn thờ (ý chí chủ nghĩa Mác – Lênin) sẽ thâm căn cố đế (sâu rễ bền gốc) trong đám dân tình chí sĩ nước ta”.
 
Vì sao Phan Châu Trinh tin cậy Nguyễn Ái Quốc?       Tham gia hàng ngũ đấu tranh của công nhân Pháp, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp và tham gia các hoạt động công nhân ủng hộ nước Nga Xô-viết. Tháng 7-1920, Người đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin. Trong văn kiện, V.I.Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.
 
Tác phẩm của V.I.Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do thật sự cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. 
 
Vậy là, từ hành trình khảo sát, nghiên cứu thực tiễn chính trị và lý luận hằng chục năm ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận dứt khoát: “Cách mạng có nhiều thứ”, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và Chủ nghĩa Mác-Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”. Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, muốn nước độc lập, dân được tự do, ấm no, hạnh phúc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Muốn có dân chủ hoàn bị, triệt để thì Tổ quốc phải độc lập và phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước không có độc lập, thống nhất thì mọi thứ dân chủ chỉ là giả dối, chỉ là trò bịp bợm. Để đi đến mục tiêu ấy thì mỗi nước tùy theo điều kiện của mình mà có thể có những bước đi khác nhau. Người khẳng định, “tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới… Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”.
 
Qua những viện dẫn trên, một lần nữa phải khẳng định để giành độc lập dân tộc không thể không có “đấu tranh giai cấp”. Thành viên Câu lạc bộ Phan Tây Hồ ca ngợi: “Phan Châu Trinh chủ trương giành độc lập qua hai bước và bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động: Có thể nói trong khi hầu hết các đảng phái và các nhà yêu nước khác đều coi độc lập dân tộc là mục tiêu hàng đầu thì Phan Châu Trinh lại chủ trương giành độc lập bằng hai bước: trước hết đòi một chế độ tự trị (trong tiếng Anh gọi là dominion), sau đó mới tiến tới giành độc lập...”. Dẫn luận việc này, họ đã quá ấu trĩ, hão huyền khi cũng cả tin “con sói” thực dân dễ dàng buông lỏng chế độ cai trị để cho dân ta có được “chế độ tự trị”. Điều không tưởng chẳng bao giờ là hiện thực thì làm sao mà mơ mộng “tiến tới giành độc lập”! Chỉ với sự lựa chọn sáng suốt, hợp quy luật khách quan và lịch sử của Hồ Chí Minh mới là đúng đắn và khoa học. Đó là, để đi tới độc lập cho Tổ quốc, ấm no, tự do và hạnh phúc cho đồng bào, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường Chủ nghĩa Mác-Lênin và tấm gương Cách mạng Tháng Mười. Đó là con đường xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. 
 
Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã khẳng định con đường dân chủ mà Bác Hồ chính thức lựa chọn cho dân tộc ta từ những năm 20 của thế kỷ trước là đúng đắn. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là con đường thuận lòng dân, hợp thời đại và đúng quy luật phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân chủ nói riêng. Đây là điều không phải theo kiểu “dân chủ tư sản” để một số người vội vã: “Chúng tôi xác định Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên, và cũng là nhà dân chủ - xã hội đầu tiên của Việt Nam”… Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực…”. Đến Đại hội XII, Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, phương hướng: “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội”.  
 
Về chủ trương phát triển kinh tế đất nước, thành viên Câu lạc bộ Phan Tây Hồ cho Phan Châu Trinh “không chủ trương cải cách ruộng đất hay quốc hữu hóa, … ngày nay, có lẽ hầu hết các đảng cánh tả trên thế giới đều từ bỏ quốc hữu hóa, chấp nhận nền kinh tế thị trường thì chúng ta lại thấy chủ trương của ông là hoàn toàn đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với thời đại hiện nay”. Có lẽ đây là sự so sánh hết sức thiếu biện chứng và khập khiễng, chúng ta không thể lấy điều kiện ngày nay áp đặt cho hoàn cảnh lịch sử 70 hay 30, 40 mươi năm về trước. Hơn thế nữa lại còn “bắn súng lục vào quá khứ” để phê phán, chì chiết vấn đề cải cách ruộng đất hay quốc hữu hóa. Mặt khác, không thể chấp nhận và cũng không bao giờ xảy ra khi xã hội còn phân chia giai cấp, vẫn tồn tại giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột mà lại thực hiện được chủ trương “lao tư lưỡng lợi” tức là người lao động cũng như nhà tư bản cùng có lợi… Nhận thức là một quá trình phủ định của phủ định và chưa bao giờ diễn tiến trên con đường thẳng… Chính vì vậy, chặng đường hơn 30 năm đổi mới vừa qua là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phá bỏ tư duy quan liêu và bao cấp, Đảng ta đã sớm nhìn một số mặt hạn chế, yếu kém trong quá trình xây dựng đất nước để đề ra những giải pháp phù hợp, tích cực nỗ lực vươn lên trong hội nhập quốc tế. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
Trở lại với lời trả lời phỏng vấn: “Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh theo phương thức bất bạo động, nên nhiều người ví ông như Gandhi… Chủ trương của ông có thể tóm tắt như sau: nước ta là một nước yếu, nếu chống lại một kẻ mạnh (cường quốc) mà dùng vũ lực thì chắc chắn sẽ thất bại,…”. Có thể coi đây là suy diễn hàm hồ của người tự ti, yếm thế và nhu nhược. Thử hỏi ông ta đã đọc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh chưa? Nếu chưa thì hãy nghe và ngẫm nghĩ áng thiên cổ hùng văn, hào sảng giàu ý chí độc lập, tự cường:
 
 “… Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”.
 
Xét về tương quan lực lượng giữa các triều đại phong kiến Việt Nam ới các triều đại phong kiến Đại Hán phương bắc trước đây thì mấy ai nói chúng ta mạnh hơn. Lịch sử đã minh chứng tuy là nước yếu, nước nhỏ nhưng với lòng yêu nước, ý chí quật cường dân tộc ta đã không thể nào “bất bạo động” mà phải:
 
“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.
… Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
 
Và dân tộc Đại Việt đã đánh cho quân xâm lược nhà Minh tan tác như thế nào: 
“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.
 
Vấn đề mạnh yếu chưa vội đặt ra nhưng đáng bàn là chính lòng tự tôn dân tộc mới là cội nguồn sức mạnh chiến thắng. Làm ngơ điều ấy, có người lèo lái rằng “còn nếu như muốn thắng ta lại dựa vào sức mạnh của nước khác thì như vậy vô tình dẫn đến chỗ “quốc dân đồng bào chung quy vẫn nguyên cái lưng ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi”. Nếu soi vào tình hình thực tế, nhiều người khoe là ta đánh Pháp, đánh Mỹ. Đánh Pháp đánh Mỹ ta lại dựa vào viện trợ của nước khác (của Liên Xô, của Trung Quốc) và bây giờ, mình chỉ là con ngựa, chỉ thay người cỡi”. Viết lời thật nham hiểm này, họ đâu tỏ tường rằng đánh Pháp đánh Mỹ, Việt Nam ghi nhận sự trợ giúp, viện trợ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng vũ khí, đạn dược chỉ là phương tiện, nó không thể thay thế cho khí phách, bản lĩnh, truyền thống mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Không nghe, không đọc hay họ cố tình không tiếp thu những điều thế giới và ngay cả nước Mỹ đã nói về sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. 
 
David Lamb, phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI trong bài “Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam" đã viết: “40 năm đã trôi qua nhưng thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Mỹ. Vì sao một cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới lại không thể khuất phục một nước Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn và vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp? Nhiều lý do được đưa ra nhưng một yếu tố mà người Mỹ không thể không nhắc đến là ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
 
… Những quân nhân Mỹ trực tiếp tham chiến chính là những người hiểu cuộc chiến và đối thủ hơn ai hết. Cựu Đại tá Mỹ Andres Sauvageot đã ở Việt Nam 9 năm trong thời kỳ chiến tranh trong vai trò cố vấn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là một quân nhân chuyên nghiệp, ông sang Việt Nam theo mệnh lệnh của cấp trên nhưng không hề biết chút gì về lịch sử Việt Nam, không hề biết rằng Việt Nam là nạn nhân của các cuộc xâm lược từ Trung Quốc, Pháp, Nhật rồi Mỹ.      
 
Cựu Đại tá Mỹ Andres Sauvageot
Cựu Đại tá Mỹ Andres Sauvageot
 
Sau những năm tháng lăn lộn khắp nơi, tiếp xúc với những người dân Việt Nam trong đó có không ít chiến sỹ cách mạng, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của Việt Nam, Andres biết rằng đây là cuộc chiến mà người Mỹ không thể thắng.
        
“Đáng lẽ Tổng thống Nixon phải rút quân khỏi Việt Nam sớm hơn. Pháp hay Mỹ đều phải viễn chinh đến một đất nước xa xôi trong khi người Việt Nam chiến đấu ngay trên chính đất nước của họ vì độc lập, tự do của chính họ. Đây là sự khác biệt, nhất là khi Việt Nam có những con người anh dũng, yêu hòa bình, ghét chiến tranh nhưng nếu bị xâm lược, cho dù kẻ đó là ai, Trung Quốc, Nhật, Pháp hay Mỹ thì cuối cùng những kẻ đó cũng đều thất bại. Nếu sinh ra ở Việt Nam, tôi cũng sẽ đứng về phía cách mạng, sẽ không chấp nhận bất kỳ kẻ ngoại xâm nào”, ông Andres nói”.
 
Sự thật trắng đen phân minh vậy mà từ Câu lạc bộ Phan Tây Hồ ở Đà Lạt vẫn chưa dừng lời xiên xẹo vì có sự viện trợ đánh Mỹ của Trung Quốc mà “Bây giờ người cỡi trên lưng dân Việt Nam là Trung Hoa cộng sản”. 
 
Phan Châu Trinh là một chí sĩ với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đứng tên trên bản đồ thế giới vào ngày 2/9/1945, đặc biệt là qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã dày công trong công cuộc đồng bộ nâng cao việc “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như chủ trương Phan Châu Trinh đã đặt ra. Chính vì vậy, lương tri những người Việt Nam chân chính rất bất bình trước những người mượn danh, uy tín của nhà chí sĩ yêu nước khả kính để bàn chuyện đi ngược lại mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà đất nước ta, nhân dân ta đã lựa chọn; xuyên tạc và phủ nhận công cuộc đổi mới đưa đất nước phát triển của Đảng. Chúng ta có quyền tự hào rằng đến nay tuy còn đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Chân lý là vậy, thế mà vẫn có kẻ rắp tâm cổ súy cho đa nguyên, đa đảng; rắp tâm kích động phải “học tập chế độ dân chủ của phương Tây” để gieo rắc căn bệnh hoài nghi “đất nước làm sao có thể phát triển, làm sao có thể giữ vững được nền độc lập?”. Lẽ ra phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nhưng họ không được vậy. Về chế độ dân chủ của phương Tây, họ có hay: Đôi năm trước, dư luận phương Tây từng chỉ ra xu hướng chán chường chính trị. Thí dụ, trên cổng thông tin Statista, một trong những trang mạng thống kê lớn nhất trên Internet, người quan tâm có thể đọc dữ liệu về kết quả thăm dò dư luận do Viện Bertelsmann - Stiftung (Bet-the-sơ-man) thực hiện. Khi được hỏi, tại sao lại chán chường chính trị, 61% số người được hỏi trả lời: không thể đồng cảm với những gì đang xảy ra trong chính trị; 54%: trong chính trị hay lừa đảo; 46%: quan tâm hơn tới các vấn đề khác; 45%: có cảm giác không thể tác động được gì; 38%: thất vọng với chính trị và các chính trị gia. 
 
Không ai phủ nhận thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thiện xã hội và nâng cao đời sống mọi mặt của con người,… Việt Nam đã và đang học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có các nước phương Tây, đặc biệt là học hỏi để xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, học hỏi như thế nào cũng cần nhận biết một cách khách quan về khó khăn, trở ngại, cần vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể như: sự lựa chọn xu hướng phát triển, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa,… Chúng ta không chấp nhận một nền dân chủ bị áp đặt từ bên ngoài, hoặc là mô phỏng một cách máy móc, bất chấp các đặc điểm riêng. Và cũng cần lưu ý tới hiện tượng “ngọn cờ dân chủ” trở thành chiêu bài để gây chiến tranh, hoặc làm xã hội rối loạn, bất ổn như đã xảy ra ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,…
 
Đã… phát ngôn đến mức “liều lĩnh” như trên, thì than ôi thành viên Câu lạc bộ Phan Tây Hồ hãy sớm dừng thói tự “lăng –xê” mạo xưng là nhà nghiên cứu “muốn giữ tính độc lập, khách quan”, vì luận điệu của ông cũng chỉ lừa bịp, ru ngủ được dăm người mà thôi! Hỡi các nhà nhân danh “dân chủ, nhân quyền” liệu các ông có biết: Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước và trước khi qua đời vào năm 1926, cụ thổ lộ với các đồng chí của mình như Lê Văn Huân, Huỳnh Thúc Kháng rằng “Sự nghiệp độc lập nước nhà trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.
 
Chính Nhân Đà