Hàng trăm ngàn hộ dân Tây Nguyên thoát nghèo

04:11, 27/11/2015

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXHVN tổ chức ngày 26/11, tại TP. Pleiku (Gia Lai).

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXHVN tổ chức ngày 26/11, tại TP. Pleiku (Gia Lai). Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH.
 
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng là một trong số các tập thể được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXHVN
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng là một trong số các tập thể được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXHVN

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và các huyện miền núi của 7 tỉnh phụ cận: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Phước. Đây là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng Tây Nguyên.
 
Khai mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ sau khi Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách được thực hiện và Biên bản ghi nhớ giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với NHCSXH được ký kết. Chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được triển khai rộng khắp trong vùng Tây Nguyên đã có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
 
Tính đến 31/10/2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 42,86% (tương đương 4,9 ngàn tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%). Trong đó, thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án là nợ quá hạn còn 65 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống NHCSXH (0,41%). Số nợ quá hạn giảm tuyệt đối gần 110 tỷ đồng so với cuối năm 2011, số tương đối giảm 1,14% (tỷ lệ năm 2011 là 1,54%), tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Đến nay, có gần 1,2 triệu số lượt khách hàng vay vốn (tăng trên 400 nghìn lượt so với cuối năm 2011) với doanh số cho vay gần 16,5 nghìn tỷ đồng (tăng trên 1,9 nghìn tỷ đồng), đã góp phần giúp trên 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 34,2 nghìn lao động; giúp gần 55 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 1,6 nghìn lượt lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; xây dựng gần 312 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hàng nghìn căn nhà trả chậm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và nhà ở cho hộ nghèo... góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015, giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014). Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát triển để phục vụ tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vùng Tây Nguyên.
 
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong phát biểu tham luận tại Hội nghị, khẳng định: Kết quả giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của hệ thống NHCSXH, đáp ứng nguồn vốn rất lớn cho một tỉnh còn khó khăn như Lâm Đồng, chính điều đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,31% năm 2012 xuống còn 2,75% cuối năm 2014. NHCSXH thực sự là người bạn đồng hành, đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội mà Tỉnh Đảng bộ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đối với việc giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển... 
 
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên cho Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Thống đốc NHNN tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.  
                       
PHẠM LÊ