Phát huy dân chủ, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân

08:11, 23/11/2015

Tiếp tục ghi nhận những ý kiến góp ý của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, phóng viên Báo Lâm Đồng ghi nhanh các ý kiến góp ý tâm huyết của nhiều đại diện tổ chức đoàn thể, tôn giáo trong tỉnh.

Tiếp tục ghi nhận những ý kiến góp ý của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, phóng viên Báo Lâm Đồng ghi nhanh các ý kiến góp ý tâm huyết của nhiều đại diện tổ chức đoàn thể, tôn giáo trong tỉnh.
 
Ông Nguyễn Phan Lũy - Phó Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng: 
 
Tôi có điều kiện để nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng. Theo tôi, báo cáo đã thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế - xã hội, khẳng định đời sống nhân dân ngày một đi lên. Tôi hoàn toàn đồng ý về thành tựu đạt được trong 5 năm qua của đất nước. Thành tựu trong 30 năm qua có ý nghĩa lịch sử to lớn mà trong dự thảo báo cáo đã nêu rất rõ. Tuy nhiên, phần khuyết điểm, tồn tại chưa được rõ, nhiều chỉ tiêu nhiệm kỳ trước chưa đạt được, xây dựng Đảng và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thật sự thành công, còn mang tính hình thức. Chúng ta cần suy nghĩ để có cách khắc phục trong thời gian đến. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy còn trùng lắp, chồng chéo, hoạt động thiếu hiệu quả. Điều này, cán bộ, đảng viên và nhân dân nói nhiều nhưng chưa sửa được, làm giảm lòng tin trong nhân dân. Tới đây, nhân dân mong muốn làm sao từ những khuyết điểm về công tác chính trị, tư tưởng, về công tác tổ chức của Đảng, các ban của Đảng, của hệ thống chính trị, của hệ thống quản lý nhà nước phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trong hoạt động của mình tốt hơn, để qua đó lấy lại lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cần phải có đề án của Đảng về đổi mới, tổ chức lại bộ máy để tránh sự trùng lắp, hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua.Tăng cường, tạo điều kiện cho hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí triệt để hơn, kiên quyết hơn. Phải bố trí cán bộ ngang tầm, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị tốt hơn.
 
Ông Trương Trổ - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Lâm Đồng: 
 
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng và báo cáo kinh tế - xã hội, tôi nhận thấy có nhiều đổi mới về bố cục, giải quyết được một số chủ đề chính của báo cáo chính trị, không theo thể thức truyền thống như trước đây. Tuy nhiên, trong từng phần cụ thể cần sử dụng ngôn ngữ trong sáng hơn, dễ hiểu hơn, tránh trùng lắp những nội dung đã nói trong phần trước. Ví dụ như, nêu 12 nhiệm vụ tổng quát rồi, sau đó lại nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm nữa. Về nội dung trong văn kiện đề cập nhiều vấn đề mới và sâu sắc. Riêng về “… phát triển khoa học - công nghệ trở thành động lực thúc đẩy KT - XH …”, phần này nói về nguyên lý dễ thống nhất, nhưng hàm lượng thông tin chưa được đầy đủ, rõ nét. Cần phải nói rõ hơn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải đi đầu trong cả kinh tế, quốc phòng, xây dựng Đảng... Văn kiện có dùng cụm từ “đầu tư đi trước một bước về khoa học - công nghệ” là rất hay, nhưng theo đó cần phải được đầu tư đúng mức để lĩnh vực này thật sự đi đầu. Bên cạnh đó, theo tôi cần phải làm rõ nhận thức về khoa học - công nghệ, nhấn mạnh “hoạt động khoa học - công nghệ” cho đầy đủ, để từ đó tạo ra cách làm hiệu quả, thiết thực, đi vào cuộc sống. 
 
Mục sư Cil Múp Ha Kar - Trưởng Ban Đại diện Hội Thánh Tin lành (MN - VN) tỉnh Lâm Đồng: 
 
Qua nghiên cứu văn kiện XII của Đảng, tôi nhận thấy vấn đề quan trọng nhất vẫn là tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, điều này cũng đã thể hiện ngay trong tiêu đề của văn kiện là “… phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN…”. Những năm qua, vấn đề này đã được thể hiện khá đầy đủ, mọi hoạt động của các ngành đều hướng về tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn thịnh hơn. Tôi nhận thấy chính sách về dân tộc cũng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa về chính sách tôn giáo, các tôn giáo nói chung và Tin lành nói riêng khi đã được công nhận và đã đi vào sinh hoạt rất tốt, vì đó chính là nhu cầu của con người, thể hiện tinh thần đoàn kết. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm hơn nữa trong những năm tới để hòa chung với dân tộc, với thế giới, đưa đất nước Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn. Bà con đạo Tin lành chúng tôi đều nhận thức rõ điều này. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia hoạt động theo đúng đường hướng “Sống phúc âm, phụng sự thiên chúa và phục vụ Tổ quốc và dân tộc”.
 
NGUYỆT THU (thực hiện)