Nghịch lý về “Nhà nước Đề Ga” ở Tây Nguyên

THÀNH ĐỒNG 10:00, 23/08/2023

(LĐ online) - Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã nghi nhận và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ con người Việt Nam vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; từ đó đã hun đúc nên truyền thống vô cùng quý giá của dân tộc ta. Đó là yêu nước nồng nàn, anh hùng bất khuất, đoàn kết, cần cù lao động, nhân nghĩa. Truyền thống đó được bắt nguồn, hội tụ, kết tinh từ cội nguồn của con lạc cháu rồng, từ “bọc trăm trứng” của Bà Âu Cơ để có 54 dân tộc anh em, tạo nên bức tranh với những gam màu rực rỡ gắn bó keo sơn, mãi mãi trường tồn vì một nước Việt Nam hùng cường trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ.

Song trước sự phát triển ngày càng đi lên của đất nước ta đã làm cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị điên cuồng chống phá muốn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những quan điểm sai trái, âm mưu thâm độc xuyên tạc, miệng lưỡi lộng ngôn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điển hình như: Tuyên truyền, lôi kéo kích động bà con người đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, đòi ly khai tự trị thành lập “Nhà nước Đề Ga”, tách Tây Nguyên ra khỏi gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Âm mưu ấy của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã có từ rất lâu, nhất là kể từ khi đất nước ta được hoàn toàn thống nhất thu non sông về một mối, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên con đường hội nhập của thế giới, đạt được những kết quả có thể gọi là kỳ tích, lại là “kỳ đà cản mũi” trước những dã tâm đen tối của các tổ chức phản động (Nhà nước Khmer Krom, FULRO, Đảng Việt Tân…), những phần tử bất mãn, thế lực thù địch, tổ chức khủng bố, những kẻ lưu vong lông bông tìm mọi cách chống phá thành quả cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gần đây nhất là vụ khủng bố ngày 11/6/2023 xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk. Trước sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động, một số kẻ bất chấp pháp luật đi ngược lại lợi ích dân tộc, chà đạp lên luân thường đạo đức, mơ tưởng về cuộc sống vương giả, đã tiến hành đột nhập tấn công trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đây là việc làm mang tính chất khủng bố nhà nước được trang bị vũ khí, hết sức manh động với những hành vi mất hết nhân tính, man rợ, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết (gồm 4 cán bộ công an, 2 cán bộ lãnh đạo xã, 3 người dân) và 2 cán bộ công an bị thương, cùng với thiệt hại lớn về tài sản; làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây sự bức xúc trong dư luận xã hội, sự bất bình lên án mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.

Những việc làm vô nhân đạo ấy của chúng không thể nào làm lung lay, xói mòn niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu đã được dày công vun đắp theo dòng chảy của thời gian bằng những việc làm, sự kiện mà lịch sử ghi nhận. Đó là ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời vào ngày 2/9/1945, thời gian chưa tròn một năm, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, họp tại Plâycu, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xô Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đầy cam go khốc liệt, vào tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đó là, sự ghi nhận tại Khoản 1, Điều 5, Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”. Cứ như vậy, theo quy luật của thời gian của từng giai đoạn lịch sử, chính sách đoàn kết các dân tộc của Đảng ta ngày càng được củng cố và phát triển trong suốt chiều dài của 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội; được thể hiện trong chủ trương, đường lối, nghị quyết của qua các nhiệm kỳ Đại hội. Đặc biệt là ba mục tiêu quốc gia xuyên suốt là “Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xoá đói giảm nghèo bền vững”; đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng, phát triển năng lượng tái tạo. Phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên. Phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Xây dựng đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Trung Bộ với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống”.

Với những chủ trương, đường lối đầy tính ưu việt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm nức lòng người dân các dân tộc ít người gốc Tây Nguyên với lòng sắt son trước sau nguyện đi theo Đảng, theo Bác Hồ để cùng Nhân dân cả nước kiên cường, bất khuất, dũng cảm đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, viết nên những trang sử chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ngày nay cùng nhau thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lực chọn. Biết bao tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng mà tiêu biểu nhất là các anh hùng: Đinh Núp trong “Bắn Pháp chảy máu”, N’Trang Long cũng như các vị cách mạng tiêu biểu như Y Ngông Niê Kđăm, Điểu Ong…

Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Tây Nguyên được Đảng ta xác định là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh, với phương hướng, nhiệm vụ phát triển vùng Tây Nguyên: “Nâng cao hiệu quả, diện tích các cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối; xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế rừng…”.

       Thực tế những năm qua cho thấy, trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, khu vực Tây Nguyên đã và đang thay da, đổi thịt; bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới; đời sống người dân ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; hầu hết các tuyến đường liên xóm, liên thôn kể cả đường vào khu vực sản xuất đều được thảm nhựa, đổ bê tông tạo nên sự khang trang, sạch đẹp đi lại thuận tiện phục vụ đắc lực cho đời sống sinh hoạt của người dân; những vườn cà phê trải dài tầm mắt nở rộ trắng xoá toả hương thơm quyến rũ lòng người trước khi kết trái. Và thật là trùng hợp, như một sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hoá khi văn hoá của hai miền Nam - Bắc của đất nước đều được UNECO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới. Đó là dân ca quan họ Bắc Ninh và văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, để giữa đại ngàn cao nguyên nghe được câu quan họ ngọt ngào hòa quyện với âm thanh du dương trầm bổng của tiếng cồng chiêng tạo nên sự gắn kết keo sơn bằng những giai điệu đi vào lòng không bao giờ quên: Rằng yêu em người ơi người ở/ Đến cao nguyên người ở đừng về. Đó cũng là thông điệp khẳng định, cảnh báo cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sớm từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình” về cái gọi là thành lập Nhà nước Đề Ga tự trị, tách Tây Nguyên ra khỏi gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.