Vài nét về giữ gìn, phát huy phong cách người Ðà Lạt

03:01, 22/01/2019

Năm 1993, nhân sự kiện 100 năm trước đó (1893), bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân đến Ðà Lạt được chọn làm mốc thời gian đầu tiên cho quá trình hình thành và phát triển của đô thị Ðà Lạt, UBND thành phố Ðà Lạt đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về đất nước, con người thành phố ngàn hoa.

Năm 1993, nhân sự kiện 100 năm trước đó (1893), bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân đến Ðà Lạt được chọn làm mốc thời gian đầu tiên cho quá trình hình thành và phát triển của đô thị Ðà Lạt, UBND thành phố Ðà Lạt đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về đất nước, con người thành phố ngàn hoa.
 
Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Hà Hữu Nết
Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Hà Hữu Nết

Kết quả của các nghiên cứu trên được công bố chính thức trên tập sách Đà Lạt - thành phố Cao Nguyên do UBND thành phố Đà Lạt và NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp xuất bản nhân Lễ hội kỷ niệm Đà Lạt 100 năm hình thành và phát triển vào tháng 12/1993. Ba cụm từ “Hiền hòa, Thanh lịch, Mến khách” lần đầu tiên được dùng để chỉ nét đặc trưng đáng yêu của phong cách người Đà Lạt. Đây là một trong những công bố quan trọng của tập sách, được các nhà khoa học và đông đảo người dân các cộng đồng dân cư Đà Lạt bày tỏ sự đồng tình và đón nhận.
 
Giáo sư Hồ Tấn Trai, với quá trình nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, cũng đã có một nghiên cứu độc lập về phong cách Đà Lạt được công bố trong năm 1993, thể hiện những nhìn nhận sâu sắc và lập luận vững chắc về những đặc trưng của phong cách Đà Lạt. Theo GS, phong cách người Đà Lạt cũng là phong cách người Việt Nam trong một quá trình Đà Lạt hóa. Tác giả cho rằng việc hình thành phong cách người Đà Lạt là phù hợp với thuyết Tam tài, Thiên - địa - nhân. Có thể coi đây là một phản biện độc lập đặc sắc đối với đề tài phong cách người Đà Lạt.
 
Hai mươi lăm năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã ra các chỉ thị, nghị quyết nhằm tuyên truyền, giữ gìn và phát huy các đặc trưng phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, Thanh lịch, Mến khách” vào trong đời sống nhân dân và sự nghiệp phát triển KT-XH thành phố.
 
Trên cơ sở phát huy yếu tố con người theo Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL đã phối hợp cùng UBND thành phố Đà Lạt tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Phát huy văn hóa ứng xử của người Đà Lạt, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: Văn minh, thân thiện, an toàn. Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo hầu như đều nhìn nhận: Phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách là những yếu tố cơ bản làm nên văn hóa ứng xử của công dân thành phố du lịch. Có tác giả cho rằng phong cách hiền hòa, thanh lịch và mến khách của người Đà Lạt cũng chính là một trong những sản phẩm du lịch vô cùng quý giá.
 
Bên cạnh đó cũng có những tham luận bày tỏ sự nuối tiếc và bức xúc về sự xuống cấp của những phong cách đó và lo lắng về một số giá trị đạo đức bị biến đổi. Sự thống nhất nhìn nhận phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch và mến khách, cho đến nay, tiếp tục được làm sáng tỏ. Đó vừa là tồn tại khách quan nhưng cũng vừa là những kỳ vọng tốt đẹp của người Đà Lạt và du khách trong bước đường phát triển.
 
Bàn về giải pháp gìn giữ và phát huy phong cách người Đà Lạt, ngoài các giải pháp truyền thống là giáo dục, tuyên truyền, các tác giả đã đề cập đến vai trò của quản lý nhà nước về văn hóa xã hội, pháp luật, quy ước ứng xử trong cộng đồng dân cư, quy ước ứng xử đối với du khách trong hoạt động du lịch...
 
Đô thị Đà Lạt là một thành phố trẻ, lịch sử hành chính cũng chỉ mới tròn một trăm năm, bề dày lịch sử còn kém hơn nhiều đô thị cùng hạng trong cả nước, nhưng lại sớm hình thành những phong cách đặc trưng của con người Đà Lạt cũng là trường hợp đặc biệt. (Ngay như Thăng Long, Hà Nội với ngàn năm văn hiến còn vọng mãi câu ca: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An...).
 
Để lý giải vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu về cơ cấu dân số, dân cư Đà Lạt qua các thời kỳ: Thời kỳ ban đầu, đến năm 1945, 1975, 1993 và hiện nay. Qua đó, ta sẽ thấy yếu tố dân cư người Việt (người Kinh) vẫn là yếu tố chủ đạo, bền vững, chiếm tỷ lệ lớn qua các thời kỳ. Nghiên cứu danh sách 50 ngôi đình làng thuộc các ấp, các làng rải đều trên cả thành phố, có cái thành lập từ những năm 1920-1922, 1931-1942, 1950-1962, và sau cùng là năm 1973, ta thấy được tính cố kết của các cộng đồng dân cư người Việt sinh sống tại Đà Lạt. Cho nên nói rằng phong cách Việt Nam được Đà Lạt hóa là có cơ sở.
 
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, người chủ trì xây dựng Qui hoạch Đô thị Đà Lạt lần đầu tiên sau ngày Đà Lạt được giải phóng: Đà Lạt cần bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật của mình. Đó là khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng; phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách; di sản kiến trúc Pháp độc đáo. Phải coi các giá trị đặc thù này là tài sản, tài nguyên vô giá của Đà Lạt. Nếu mất đi một trong những giá trị trên thì hình ảnh, thương hiệu Đà Lạt sẽ không còn. Như vậy phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách không phải là những mỹ từ xã giao hoặc là diễn ngôn mà đã trở thành những giá trị phi vật thể cần phải gìn giữ và phát huy trong quá trình phát triển đô thị Đà Lạt.

Thực hiện văn minh trong hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Báu
Thực hiện văn minh trong hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Báu

Thời áo trắng. Ảnh: Văn Báu
Thời áo trắng. Ảnh: Văn Báu

TRƯƠNG TRỔ