Tuổi "teen" mang đề tài diệt tế bào ung thư dự thi thế giới

09:04, 29/04/2016

Hai "nhà khoa học" tuổi "teen" Lâm Đồng đến Hội thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra vào tháng 5/2016 tại Hoa Kỳ, với đề tài:"Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số dòng tế bào ung thư của kháng thể, kháng nhân"…

Hai “nhà khoa học” tuổi “teen” Lâm Đồng đến Hội thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra vào tháng 5/2016 tại Hoa Kỳ, với đề tài:“Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số dòng tế bào ung thư của kháng thể, kháng nhân”…
 
Trò chuyện với 2 “nhà khoa học” Hoàng Lữ Đức Chính và Nguyễn Thị Minh Châu, tôi liên tục... bất ngờ! Bởi, cả hai học chung lớp 11 chuyên Toán (Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt) nhưng lại thực hiện một đề tài khoa học nghiêng hoàn toàn về lĩnh vực Y học. Và, dù mới học lớp 11, nhưng các em đã có những suy nghĩ và ý tưởng rất táo bạo. Đặc biệt, thành tích gần 11 năm học tập của hai em thật sự đáng nể.
 
Hai học sinh phối hợp thực hiện đề tài khoa học
Hai học sinh phối hợp thực hiện đề tài khoa học
Thành tích học tập đáng nể
 
Đức Chính tâm sự, dù cha mẹ em sinh sống bằng nghề tự do nhưng rất quan tâm đến việc học tập của con cái. Suốt hơn 10 năm học đã qua, năm nào Đức Chính cũng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện hay học sinh xuất sắc. Trong đó, có những năm xuất sắc nhất khối, nhất trường. Với Đức Chính, ngoài các thành tích trên, em còn đoạt Huy chương Bạc môn Toán Olympic truyền thống 30/4 dành cho học sinh các trường THPT khu vực các tỉnh, thành phía Nam liên tiếp trong 2 năm học lớp 10 và lớp 11. Và, trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 mới đây, Đức Chính đoạt giải khuyến khích môn Toán. 
 
Còn đối với cô bạn đồng môn, “đồng sự” - Nguyễn Thị Minh Châu, thành tích trong học tập cũng chẳng thua kém. Nền tảng học tập, rèn luyện và khả năng tìm tòi, nghiên cứu của Minh Châu ảnh hưởng bởi cha và mẹ đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nên liên tiếp gần 11 năm học Minh Châu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn trường. Cùng đó là “bộ sưu tập’ các giải như Giải Ba môn Toán cấp tỉnh, Huy chương Bạc và Đồng trong cuộc thi Giải Toán qua mạng...
 
Và sân chơi lớn
 
Trong thực tế đã có nhiều nhà khoa học nhỏ tuổi khẳng định tài năng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm gần đây, học sinh trong các trường phổ thông đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với những ý tưởng mới, táo bạo làm cho các nhà khoa học trong và ngoài nước phải ngạc nhiên. 
 
Đức Chính và Minh Châu, cho biết, cả hai đều rất đam mê tìm tòi, nghiên cứu, khám phá và “gặp nhau” trong đề tài này hết sức tình cờ. Khi Đức Chính “tiết lộ” ý định đã ấp ủ từ lâu của mình, cô bạn học không khỏi ngạc nhiên, bởi Minh Châu cũng đang tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện đề tài này. Song, người có công lớn biến ý tưởng, khát khao của hai “nhà khoa học” tuổi teen thành đề tài khoa học đó là mẹ của Minh Châu - chị Nguyễn Thị Thu (Phó GĐ Trung tâm Đồng vị phóng xạ của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt). Bên cạnh sự quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Tổ Sinh học và Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Thăng Long, hai em còn được chị Thu và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt ủng hộ, giúp đỡ hết sức tích cực.
 
Đề tài“Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số dòng tế bào ung thư của kháng thể, kháng nhân” được Đức Chính và Minh Châu thực hiện từ tháng 7/2015 đến 1/2016. Liên tục 7 tháng, ngoài tập trung chương trình học chính thức ở lớp, hai bạn trẻ tranh thủ mọi thời gian các ngày chủ nhật, các buổi tối tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện các thí nghiệm, viết đề tài... Đức Chính tâm sự, trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều bệnh ung thư ở người, em muốn làm cái gì đó mong góp phần ngăn chặn loại bệnh nguy hiểm này. Em tìm đọc tài liệu và đọc trên mạng thấy có các tài liệu nói về các bệnh ung thư và phương pháp điều trị nhắm định, em chợt lóe lên ý tưởng...
 
Để giúp hai em thực hiện đề tài, Ban Giám hiệu Trường Chuyên Thăng Long cử cô giáo Phan Thị Ngọc Giàu (giáo viên bộ môn Sinh của trường) cùng với chị Nguyễn Thị Thu (mẹ Minh Châu) hướng dẫn, hỗ trợ tích cực. Đề tài của hai em được nhiều giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia, Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Trường Chuyên Thăng Long và BS Nguyễn Quang Chiến (Học viện Quân Y Hà Nội)... góp ý, bổ sung, chỉnh sửa. Các nhà khoa học đánh giá: Đề tài có ý tưởng mới, phát hiện mới và có tính thực tiễn cao; khi áp dụng thành công sẽ sản xuất ra một loại thuốc sinh học tiêu diệt các tế bào ung thư, phục vụ chữa cho các bệnh nhân ung thư... Cô giáo Phan Thị Ngọc Giàu nhận xét, Đức Chính và Minh Châu ngoài học rất tốt các môn học trong chương trình và đoạt nhiều giải thưởng cao, còn là những học sinh cần cù, chịu khó, ham thích tìm tòi, nghiên cứu. 
 
Lần lượt vượt qua hàng chục đề tài dự thi cấp trường, cấp tỉnh, đề tài của hai “nhà khoa học” tuổi “teen” đã đoạt giải Nhất lĩnh vực và giải Nhì trong cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc gia năm 2016 vừa qua, trở thành đề tài duy nhất của Lâm Đồng được Bộ GD-ĐT chọn là 1 trong 6 đề tài đại diện cho Việt Nam tham dự Hội thi Intel ISEF, diễn ra từ ngày 8 - 13/5/2016 tại Hoa Kỳ.
 
THANH DƯƠNG HỒNG